Hiện nay, các địa phương miền núi Phú Yên đang triển khai nhiều hoạt động nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Báo Phú Yên phỏng vấn ông La Văn Tỷ, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, Phó Trưởng Ban thường trực đề án Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020 về tính cấp thiết và cách thức triển khai đề án.
* Ban Dân tộc tỉnh là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, chủ trì thực hiện đề án Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020. Ông có thể cho biết sự phối hợp giữa các ngành, địa phương trong quá trình thực hiện đề án này?
Ông La Văn Tỷ - Ảnh: TUYẾT DIỆU |
- Tháng 6/2016, UBND tỉnh đã thông qua quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện đề án Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020 của tỉnh. Ban Dân tộc tỉnh là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, chủ trì và phối hợp với 14 sở, ngành có liên quan và 3 địa phương thực hiện đề án là Sông Hinh, Sơn Hòa và Đồng Xuân. Ban Chỉ đạo đã ban hành quy chế tổ chức và thực hiện đề án. Nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo là phối hợp, hướng dẫn và chỉ đạo triển khai thực hiện tốt kế hoạch của đề án, hướng đến mục tiêu trọng tâm là ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
* Thưa ông, hiện những hoạt động nào thuộc đề án đã được triển khai?
- Đề án được triển khai gần 2 tháng nay. Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh tiến hành điều tra thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở ba huyện miền núi. Trong công tác phối hợp này, chúng tôi cũng đã thực hiện các buổi truyền thông phổ biến thông tin, đặc biệt là tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết; kiến thức pháp luật trong đó có Luật Hôn nhân và gia đình đến cán bộ, công chức, người có uy tín cấp thôn, xã ở các địa phương triển khai đề án.
* Ông cho biết cụ thể hơn về thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở các địa phương hiện nay?
- Hiện nay, Ban Dân tộc tỉnh chỉ có số liệu điều tra từ năm 2011-2014 còn năm 2015-2016, công tác điều tra đang được thực hiện. Tuy nhiên, các con số cho thấy tình trạng tảo hôn vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn ba huyện miền núi là rất cao. Cụ thể, trong 3 năm 2011-2014 có 285 cặp kết hôn nhưng trong đó có đến 250 cặp chưa đủ tuổi kết hôn, chiếm hơn 87%. 60/285 cặp đôi kết hôn cận huyết thống với các mối quan hệ anh em chú bác ruột, anh em cô cậu ruột, anh em dì ruột. Kết hôn cận huyết xảy ra nhiều ở địa bàn huyện Sông Hinh với 52 cặp, trong đó người Ê Đê chiếm tỉ lệ cao. 8 trường hợp hôn nhân cận huyết còn lại xảy ra trên địa bàn huyện Sơn Hòa. Việc kết hôn sớm gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, giáo dục, việc làm, dẫn đến nghèo đói, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự suy thoái giống nòi.
Chúng tôi cũng đã thống kê số trẻ em suy dinh dưỡng và mắc chứng chậm phát triển do kết hôn sớm và tảo hôn gây ra. Đó là những hậu quả dẫn đến khả năng suy giảm giống nòi và sự phát triển của xã hội.
Tiểu phẩm tuyên truyền phòng chống tảo hôn của Câu lạc bộ Cha mẹ và Vị thành niên/thanh niên về sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục xã Sông Hinh (huyện Sông Hinh) - Ảnh: TUYẾT DIỆU |
* Vậy những phương án cụ thể mà các địa phương thuộc dự án sẽ thực hiện trong thời gian tới là gì, thưa ông?
- Chúng tôi chú trọng vào công tác truyền thông, tập trung tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, vận động, tư vấn, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi; biên soạn tài liệu, tờ rơi, sản phẩm tuyên truyền; tập huấn bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ; tổ chức hội nghị, tọa đàm, giao lưu văn hóa và lễ hội. Trong hoạt động tuyên truyền thì chú ý phát huy vai trò của già làng, người có uy tín, cộng tác viên dân số; phổ biến pháp luật về dân số, đặc biệt là nội dung xử lý vi phạm các hành vi nghiêm cấm trong Luật Hôn nhân và gia đình; đưa nội dung thực hiện Luật Hôn nhân và gia đình về giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vào hương ước, quy ước của thôn, buôn, khu phố.
Ban Dân tộc tỉnh và các đơn vị phối hợp chú trọng công tác quản lý kiểm tra và đánh giá tổng kết đề án. Các địa phương triển khai thực hiện mô hình điểm ở các địa bàn có tỉ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao. Mô hình này sẽ giúp công tác đầu tư tuyên truyền được thực hiện tập trung và có hiệu quả. Cụ thể, tại huyện Sơn Hòa tổ chức 2 mô hình điểm ở xã Krông Pa và Trường THCS Đinh Núp (xã Ea Chà Rang). Huyện Sông Hinh thực hiện điểm ở xã Ea Trol và Trường THCS Tân Lập (xã Ea Ly). Huyện Đồng Xuân chọn tổ chức mô hình điểm ở xã Phú Mỡ. Hiện nay, huyện Đồng Xuân cũng đang lựa chọn điểm trường tập trung tuyên truyền, có thể là một trường phổ thông dân tộc nội trú ở địa phương.
* Xin cảm ơn ông!
DIỆU ANH (thực hiện)