Thứ Năm, 03/10/2024 16:18 CH
Nhiều nhà bị “ngâm” nước, người dân khốn khổ
Thứ Tư, 16/11/2016 10:00 SA

Người dân hẻm 39 Trần Phú tát nước ra khỏi nhà cho bớt ngập - Ảnh: LÊ HẢO

Đến ngày 15/11, nhà của gần chục hộ dân ở hẻm 39 Trần Phú thuộc tổ 11, khu phố Trần Phú, phường 8, TP Tuy Hòa vẫn còn bị “ngâm” trong nước. Như vậy, đã hơn 10 ngày qua (kể từ 3/11 - ngày xảy ra mưa lớn, kéo dài trên diện rộng ở TP Tuy Hòa), mặc dù ở thành phố nhưng những người dân nơi đây vẫn phải sống trong cảnh “chạy lũ”.

 

Muốn vào nhà phải mang ủng

 

Theo ông Nguyễn Ngọc Tứ, Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa, địa phương đã biết được tình hình ngập úng ở khu phố Trần Phú và sẽ sớm cử phòng chức năng phối hợp cùng UBND phường 8 khảo sát thực địa, đề xuất phương án giải quyết triệt để và cố gắng thực hiện trong năm nay.

Trước khi mở cửa để dẫn chúng tôi vào nhà mục sở thị cảnh ngập, bà Trần Thị Tuyết Mai phải mượn của hàng xóm đôi ủng cho khách mang. Bà Mai cho biết: “Đã hơn 10 ngày trôi qua, nhưng ngoài sân trong nhà, nước vẫn còn trên mắt cá chân người lớn. Chưa kể, nước đọng lâu ngày nên rất dơ, vào nhà mà không mang ủng thì chân ngứa ngáy không chịu nổi”. Theo bà Mai vào nhà, chúng tôi nhận thấy bàn ghế, giường, tủ... trong nhà đã được kê lên cao. Ở vị trí đặt tủ lạnh, mặc dù bà Mai đã cẩn thận xây bệ cao nhưng vẫn phải kê thêm gạch để nâng tủ lạnh lên quá mức nước ngập. Những vật dụng lặt vặt khác thì dồn lại để ở chỗ cao ráo. Phần nào bắt buộc phải “ngâm” trong nước thì đành chịu. Bà Mai cho biết kể từ ngày 3/11, khi trời bắt đầu mưa lớn và dầm dề, gia đình bà đã chuẩn bị tinh thần “chạy lũ”. Nhà có 4 người lớn, 1 trẻ em nên họ vừa tất bật trông cháu nhỏ, vừa phải tìm cách kê đồ đạc, vật dụng lên cao, nước tới đâu, kê đồ lên tới đó để tránh hư hỏng. Nước lên quá nửa ống chân người lớn mới dừng lại. Mấy ngày sau, nước rút bớt nhưng vẫn không hết hẳn. Bà Mai phải gửi cháu mới 20 tháng tuổi về phía ngoại cho an toàn; còn người lớn trong nhà thì sáng đóng cửa đi làm, tối về sống chung với nước để giữ nhà.

 

Là hàng xóm của bà Mai và cũng chịu cảnh nhà ngập nước hơn 10 ngày qua, bà Huỳnh Thị Minh Tâm bức xúc bày tỏ: “Mấy năm trước, mỗi khi trời mưa, nước chỉ đọng lại 1, 2 ngày là rút, người dân có thể xoay xở đến ở nhờ nhà người quen. Còn năm nay, nước ngập kéo dài khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Không nói đến việc to tát, chỉ riêng việc đi... vệ sinh cũng phải cấp tập sang nhờ nhà hàng xóm có nền cao hơn đường vì hệ thống cống trong nhà đã đầy ứ nước. Nước đọng không những bốc mùi hôi thối mà còn sinh ra ruồi, muỗi lan truyền mầm bệnh. Đi làm cả ngày đã mệt mỏi, ai cũng muốn nghỉ ngơi nhưng về nhà lại phải “chiến đấu” với nước”. Theo bà Tâm, mấy ngày nay, người dân ở hẻm 39 Trần Phú đã làm mọi cách để nước rút. Nhà nào không có điều kiện thì vợ chồng con cái xúm nhau tát nước, nhà nào có điều kiện thì dùng máy bơm bơm nước ra đường... nhưng nước chỉ rút được khoảng nửa tiếng, sau đó nước mạch ngầm lại trồi lên ngay.

 

“Đợt mưa lũ vừa qua, người dân các nơi phải chịu nhiều khổ cực. Nhưng chúng tôi, những người sống giữa thành phố, cũng chịu khổ không kém. Ai đời nhà cửa đàng hoàng mà mỗi khi trời mưa lại nơm nớp lo “chạy lũ”. Nước lên, tôi phải mua gạch kê đồ đạc lên cao; đồng thời xếp gạch thành đường đi trong nhà để mọi người biết lối mà bước”, ông Nguyễn Tấn Tài, một hộ dân sống ở khu vực này, nói.

 

Bao giờ có cống thoát nước?

 

Theo người dân ở hẻm 39 Trần Phú, mùa mưa năm nào, tình trạng ngập úng cũng xảy ra ở khu vực này vì đây là vùng trũng. Tuy nhiên, việc nhà bị “ngâm” nước kéo dài chỉ mới xảy ra trong năm nay, sau khi con hẻm trước mặt được đổ bê tông, nâng đường lên quá cao so với nền một số nhà dân ở đây. “Chúng tôi xây nhà và sống ở đây từ năm 2004. Lúc mới xây, nền nhà tôi cao hơn đường trước mặt 0,5m. Sau nhiều lần địa phương nâng đường, bê tông hóa con hẻm, đến nay, nền nhà tôi đã hụp xuống, thấp hơn đường 0,5m. Cũng vì đường quá cao so với nền nhà mà mỗi khi trời mưa là nước ngập và đọng lại dài ngày”, bà Huỳnh Thị Minh Tâm cho biết.

 

Theo bà Tâm, để giải quyết tình trạng nhà bị “ngâm” nước, người dân ở hẻm 39 Trần Phú không mong gì hơn ngoài việc chính quyền địa phương hỗ trợ họ nâng nền nhà cho bằng nền đường để chống ngập. Vì nếu tình trạng này cứ tiếp diễn mỗi khi mưa đến, người dân không thể chịu đựng được. Đồng tình với ý kiến của bà Tâm, ông Nguyễn Tấn Tài đề xuất thêm: “Trước đây, khi UBND phường 8 vận động người dân góp tiền để nâng nền đường và bê tông hóa con hẻm, tôi đã không đồng ý vì biết nếu đường cao hơn nhà thể nào cũng xảy ra ngập. Thế nhưng, địa phương vẫn làm và hậu quả thì người dân phải gánh”.

 

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề nói trên, ông Lê Vi Đông, Chủ tịch UBND phường 8, cho biết: Địa bàn phường ở vùng trũng nên ngoài hẻm 39 Trần Phú còn một số khu dân cư khác cũng bị ngập nước mỗi khi mùa mưa đến. Trước mắt, để giải quyết khó khăn cho người dân hẻm 39, chúng tôi đã có kế hoạch làm cống thông từ hẻm này đến hệ thống nước mưa hiện có trên đường Lê Thành Phương để nước có thể thoát đi sớm mà không đọng lại trong nhà dân. Tuy nhiên, việc này phải chờ đến khi nước rút hết và thời tiết khô ráo thì mới làm được.

 

LÊ HẢO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek