Dịch vụ ủy thác cho vay hộ nghèo giữa Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) và Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Phú Yên được triển khai trong 3 năm qua đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho phụ nữ nghèo, phụ nữ gia đình chính sách trong toàn tỉnh.
Nhờ đồng vốn vay ưu đãi, nhiều phụ nữ cải thiện cuộc sống – Ảnh: MINH CHÂU
Chồng lâm bệnh nặng rồi mất, ở tuổi 43, chị Nguyễn Thị Tuyết (thôn Phú Khánh, xã Hoà Tân Tây, huyện Tây Hoà) một mình phải xoay xở lo cho sáu đứa con nhỏ. Đông con, lại không có vốn để đầu tư sản xuất chăn nuôi, gia đình chị Tuyết lâm vào cảnh khó khăn. Đang lúc ngặt nghèo, chị Tuyết được Hội LHPN xã đứng ra tín chấp vay 5 triệu đồng từ NHCSXH huyện. Cộng với số tiền 600 nghìn đồng của nhóm phụ nữ tiết kiệm, mua một con bò và 4 con heo về nuôi. Nhờ chăm chỉ, chịu khó làm ăn, hàng năm sau khi trừ đi các khoản chi phí và trả vốn vay, chị Tuyết lãi gần 6 triệu đồng. Đến năm 2005, gia đình chị được địa phương công nhận vượt nghèo theo tiêu chí mới. Chị Tuyết vui mừng: “Từ khi nhận được vốn vay hỗ trợ của Hội LHPN và NHCSXH huyện, kinh tế gia đình ngày càng được cải thiện. Tôi đã dành dụm được một khoản tiền để mua sắm các vật dụng tiện nghi trong gia đình, tu sửa lại nhà cửa, mua xe máy. Điều đáng mừng hơn cả là các con tôi có tiền để ăn học đến nơi đến chốn”.
Qua 3 năm (2003-2006) triển khai thực hiện, dịch vụ ủy thác cho vay hộ nghèo giữa Hội LHPN và Ngân hàng CSXH ở 100% xã, phường, thị trấn của 9 huyện, TP đã đạt được những kết quả khả quan. Có trên 35.000 lượt hộ nghèo vay 165,174 tỉ đồng (mức vay từ 3-15 triệu đồng/hộ tuỳ theo dự án kinh doanh, sản xuất). Qua kiểm tra của cán bộ tín dụng NHCSXH và Hội LHPN, đa số chị em sử dụng vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả. Đã có 4.391 hộ vượt nghèo, số còn lại kinh tế gia đình được cải thiện tốt hơn.
Niềm vui này chúng tôi không chỉ bắt gặp trên gương mặt của chị Tuyết ở xã Hoà Tân Tây (huyện Tây Hoà) mà còn ở nhiều phụ nữ nghèo khác trong tỉnh. Về thôn Nguyên Trang, xã Sơn Nguyên (huyện Sơn Hoà) hỏi chị Nguyễn Thị Hồng ai cũng biết, bởi chị là hội viên phụ nữ nghèo, nhưng nhờ sự hỗ trợ của NHCSXH và Hội LHPN cộng với sự chăm chỉ làm ăn, kinh tế gia đình chị Hồng được cải thiện đáng kể. Năm 2004, từ 5 triệu đồng vốn vay ưu đãi cộng với số tiền tích góp dành dụm từ trước, chị Hồng mua một con bò cái sinh sản. Sau 3 tháng, bò mẹ đẻ được một con bê. Cuối năm 2005, chị bán bò mẹ, lấy tiền đầu tư vào 1 ha mía. Vụ mía 2006 vừa rồi, gia đình chị Hồng thu trên 40 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 20 triệu đồng. Nói về sự đổi thay của cuộc sống gia đình, chị Hồng cười tươi rói: “Tất cả có được như bây giờ là nhờ nguồn vốn ủy thác cho vay hộ nghèo đấy”.
Trong câu chuyện kể về hành trình thoát nghèo của gia đình mình, chị Ngô Thị Hỏi, một phụ nữ nghèo khác ở thôn Nguyên Trang nói rằng: “Nếu không có nguồn vốn vay ưu đãi dành cho phụ nữ nghèo thì chẳng biết đến khi nào kinh tế gia đình tôi mới được cải thiện như bây giờ”.
Chủ tịch Hội LHPN Phú Yên Cao Thị Hoà An cho biết: Hiện nay, đời sống của PN, đặc biệt là PN nông thôn, PN dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn. Xuất phát từ nhu cầu, quyền lợi chính đáng của chị em, những năm qua, các cấp Hội PN đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ PN phát triển kinh tế gia đình, huy động nguồn vốn tự có của chị em qua các nhóm PN tiết kiệm tín dụng, Ngày tiết kiệm vì PN nghèo, bảo lãnh, tín chấộch PN, đặc biệt là PN nghèo, PN gia đình chính sách vay vốn từ các nguồn quỹ, các ngân hàng, đặc biệt là NHCSXH…
Nếu như trong năm 2004, toàn tỉnh có 1.663 tổ tiết kiệm và vay vốn thì năm 2006 thành lập được 2.252 tổ (tăng 35,42%). Các tổ tiết kiệm và vay vốn này thường tổ chức sinh hoạt định kỳ nhằm tháo gỡ, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong vay vốn, thu hồi nợ.
Năm 2007, chỉ tiêu các cấp Hội PN đặt ra là giúp đỡ 20% hộ PN nghèo có địa chỉ, trong đó có 5% thoát nghèo. Bên cạnh những giải pháp như tích cực khai thác các nguồn vốn từ ngân hàng, mở lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh phong trào “PN giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, Hội có kế hoạch giúp đỡ, hỗ trợ có trọng tâm những địa phương có tỉ lệ hộ nghèo cao, hộ nghèo do PN làm chủ hộ, PN gia đình chính sách, dân tộc thiểu số, PN tàn tật và PN cao tuổi không nơi nương tựa để giúp họ nâng cao chất lượng cuộc sống trong thời gian tới.
THỦY VĂN