Thứ Sáu, 04/10/2024 06:24 SA
Bảo hiểm Y tế học sinh, sinh viên: Trách nhiệm và sự sẻ chia
Bài cuối: Chia sẻ gánh nặng, chăm lo sức khỏe thế hệ trẻ
Thứ Năm, 06/10/2016 14:00 CH

Hầu hết trường mầm non trên địa bàn tỉnh chưa có phòng y tế. Trong ảnh: Khám sức khỏe định kỳ cho trẻ tại Trường mầm non Ong Vàng (TP Tuy Hòa) - Ảnh: HÀ MY

Trước tình trạng y tế học đường nhiều năm liền “nóng” lên vì tồn tại nhiều bất cập, UBND tỉnh và các ban, ngành liên quan đã cùng ngồi lại để tìm giải pháp tháo gỡ. Các phương án hợp đồng trách nhiệm giữa trường với trạm y tế trên địa bàn để bố trí nhân viên, đầu tư trang thiết bị khám chữa bệnh ban đầu… được đưa ra nhằm đảm bảo học sinh, sinh viên (HSSV) được chăm sóc sức khỏe tại trường học và hướng đến 100% HSSV có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) trong năm học 2016-2017.

 

Bảo hiểm y tế - Quyền lợi thiết thân

 

Việc tham gia BHYT đối với HSSV là hết sức cần thiết cho bản thân các em và gia đình. Không chỉ là hình thức đề phòng rủi ro bệnh tật và tai nạn bất thường, đây còn là biện pháp quan trọng giáo dục tính nhân đạo, lòng nhân ái, chia sẻ nỗi bất hạnh của bạn bè và cộng đồng.

 

Ông Hồ Phương, Phó Giám đốc BHXH tỉnh

Công tác y tế học đường góp phần xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, đảm bảo sức khỏe của học sinh để vươn lên học tập tốt, đồng nghĩa với việc góp phần chăm lo cho thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước. Từ năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định đưa công tác y tế học đường là chương trình mục tiêu quốc gia. Nhiều bộ, ngành đã có văn bản chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện công tác y tế trong trường học. Vào đầu mỗi năm học, Sở GD-ĐT Phú Yên đều có văn bản hướng dẫn các trường triển khai công tác y tế trường học.

 

Theo ông Phạm Minh Hữu, Phó Giám đốc Sở Y tế Phú Yên, học sinh là đối tượng đang trong giai đoạn phát triển và lớn nhanh về mọi mặt. Do đó, muốn có một thế hệ tương lai vừa khỏe mạnh, vừa thông minh thì toàn xã hội cần phải chú ý đến công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho các em ngay từ tuổi đến trường. Với tầm quan trọng đó, ngay từ khi bắt đầu thực hiện BHYT ở nước ta, học sinh đã được lựa chọn là một trong những nhóm đối tượng sớm được đưa vào triển khai thực hiện từ năm học 1994-1995 theo thông tư của liên bộ GD-ĐT và Y tế. Ông Hữu phân tích: “Y tế học đường bao gồm vệ sinh trường học và y tế trường học. Trong đó, vệ sinh trường học là chuyên nghiên cứu những tác động của các yếu tố môi trường tự nhiên và môi trường xã hội ảnh hưởng đến cơ thể học sinh; từ đó ban hành các tiêu chuẩn vệ sinh và thực hiện các biện pháp dự phòng nhằm chăm sóc và không ngừng nâng cao sức khỏe cho học sinh. Còn y tế trường học là các phương pháp, biện pháp can thiệp nhằm chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe cho học sinh và chuyển biến các kiến thức khoa học thành các kỹ năng thực hành trong mọi hoạt động sống của lứa tuổi học đường”.

 

Tham gia BHYT, học sinh không chỉ được chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trường học mà còn được chia sẻ nếu chẳng may bệnh tật, bị thương tích. Rất nhiều trường hợp học sinh bệnh nặng đã được BHYT chi trả lên đến hàng chục triệu đồng, giúp giảm đáng kể gánh nặng chi phí điều trị bệnh... Theo thống kê của BHXH tỉnh, năm học 2015-2016, toàn tỉnh có 164.512 lượt học sinh được quỹ BHYT chi trả phí khám chữa bệnh với tổng số tiền gần 24,4 tỉ đồng. Em Phạm Minh Trí (học sinh lớp 5E, Trường tiểu học Chu Văn An, TP Tuy Hòa), một trong những học sinh được Quỹ BHYT chi trả phí khám chữa bệnh BHYT ở mức cao với số tiền gần 70 triệu đồng, cho hay: “Năm học vừa qua, em phát bệnh nặng, phải vào bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh mổ và nằm điều trị hơn hai tháng. Em nghe ba mẹ nói chi phí khám chữa bệnh rất tốn kém. Nhờ có quỹ BHYT chi trả một số tiền lớn nên ba mẹ em đỡ nặng gánh”.

 

 

Nhân viên y tế Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh hướng dẫn cách sử dụng thuốc cho học sinh - Ảnh: HÀ MY

 

 

Hợp đồng trách nhiệm

 

Trong hội nghị tổng kết công tác BHYT HSSV năm học 2015-2016 và phương hướng, nhiệm vụ 2016-2017, vấn đề y tế học đường đã được các đại biểu tham dự đưa ra mổ xẻ, hiến nhiều “kế” hay. Theo các đại biểu, việc đầu tư cho công tác y tế học đường có ý nghĩa quan trọng, nên phải có chiến lược đào tạo đội ngũ cán bộ y tế trường học đạt chuẩn để lấp “khoảng trống” trong công tác y tế học đường hiện nay.

 

Ông Trần Ngọc Dưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Phú Yên, cho biết: Theo Thông tư liên tịch số 13/2016 của Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT quy định về công tác y tế trường học có hiệu lực kể từ ngày 30/6, nhân viên y tếtrường học phải có trình độ từ trung cấp y sĩ trở lên mới đạt chuẩn. Tuy nhiên, hiện tại, Sở Nội vụ có Công văn số 262/SNV-CCVC ngày 23/4/2015 về việc tạm dừng tuyển viên chức chuyên trách làm công tác y tế, tài chính, kế toán tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập nên gây khó khăn cho nhà trường trong việc tuyển cán bộ đảm nhiệm công tác y tế học đường. Vì vậy, để giải quyết trước mắt vấn đề này, Sở Nội vụ phối hợp với Sở Y tế và Sở GD-ĐT Phú Yên đã có văn bản dự thảo tổ chức lấy ý kiến các sở ngành liên quan cho phép các trường chưa bố trí được nhân viên đạt trình độ chuẩn về chuyên môn, chuyên trách công tác y tế học đường ký hợp đồng trách nhiệm với trạm y tế trên địa bàn, để thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh.

 

Khi trường ký hợp đồng với trạm y tế cấp xã, BHXH tỉnh sẽ trích kinh phí 7% về cho nhà trường sau đó, nhà trường sẽ dùng trong 7% đó trả cho trạm y tế xã theo dịch vụ mà nhà trường sử dụng. Đến khi nào Sở Nội vụ có văn bản chỉ đạo mới cho phép tuyển nhân viên y tế học đường thì khi đó các sở, ngành sẽ phối hợp để tuyển dụng theo đúng tiêu chuẩn mà Thông tư 13 quy định. Ngoài giải pháp trên, ngành Giáo dục các địa phương có thể giao nhiệm vụ cho nhân viên y tế chuyên trách của trường học này hỗ trợ, giúp đỡ các trường học khác trên cùng địa bàn xã. Đối với các trường học đã có nhân viên y tế chuyên trách, nên có sự phối hợp với trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực để nhân viên y tế trường học được tham gia các chiến dịch tuyên truyền, phòng, chống dịch bệnh của y tế cơ sở, từ đó góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

 

Để đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV thực hiện đúng quy định, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng, Sở GD-ĐT cần chỉ đạo các trường khẩn trương rà soát, nắm lại tình hình cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế trường học. Nếu phát hiện hư hỏng, chưa đảm bảo, ngành GD-ĐT cần nhanh chóng trang bị, sửa chữa để phục vụ năm học mới; đồng thời phối hợp với các ban, ngành tìm giải pháp để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và nhân sự công tác y tế học đường năm học 2016-2017 theo quy định của Bộ Y tế.

 

Các cấp ngành cùng chung tay

 

Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên Nguyễn Thị Ngọc Ái, vì BHYT là chủ trương chính sách lớn của Đảng và Nhà nước nên không chỉ ngành Giáo dục mà các ngành liên quan đều phải nỗ lực thực hiện để 100% HSSV có thẻ BHYT vào năm học 2016-2017 theo mục tiêu mà UBND tỉnh giao cho, hướng đến 90% dân số tham gia BHYT vào năm 2020 như mục tiêu mới mà Chính phủ vừa ban hành văn bản giao cho các địa phương. Để giảm gánh nặng cho phụ huynh học sinh, các trường nên thực hiện theo văn bản hướng dẫn của BHXH Việt Nam, chia ra nhiều đợt thu tiền; hướng dẫn các trường hợp học sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo làm thủ tục để hưởng các chế độ hỗ trợ.

 

Để giảm áp lực cho giáo viên và các trường khi đưa chỉ tiêu mua BHYT thành một tiêu chí trong bình xét thi đua hàng năm, thầy Quách Đình Công, Hiệu trưởng Trường THCS Hùng Vương (TP Tuy Hòa), cho rằng: “Không phải các trường hay giáo viên chủ nhiệm thu BHYT không đạt 100% là cắt thi đua cuối năm. Mà nếu có 2 giáo viên, đơn vị cùng được đưa ra để xét một danh hiệu thi đua nào đấy, giáo viên, đơn vị nào hoàn thành được chỉ tiêu 100% BHYT học sinh sẽ được ưu tiên hơn. Thêm vào đó, giáo viên chủ nhiệm cũng cần nhận thức rằng ngoài nhiệm vụ chính là giảng dạy, các thầy cô giáo còn phải góp phần tuyên truyền, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhà trường và các thầy cô giáo có vai trò rất quan trọng trong tuyên truyền, vận động HSSV tham gia BHYT”.

 

Với trường hợp huyện Đông Hòa, BHXH huyện chưa trích chuyển kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các trường vào năm học trước, BHXH huyện cùng với UBND huyện cần có văn bản gửi lên BHXH tỉnh để tìm hướng giải quyết vấn đề. Nếu BHXH tỉnh không tìm ra hướng tháo gỡ thì tiếp tục trình lên cho UBND tỉnh để UBND tỉnh có chỉ đạo riêng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng

 

THÁI HÀ - HÀ MY 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek