Ở các miền quê, người dân lao động hằng ngày tất bật với công việc ruộng đồng, chợ họp thì xa, có nơi 2-3 ngày mới có phiên chợ. Từ đó, nhiều nơi đã hình thành những phiên chợ trưa, chiều, nhóm họp với 15 -20 người trong thời gian chớp nhoáng.
Cảnh mua bán ở chợ trưa Chí Đức - Ảnh: H.NAM |
Chợ Chí Đức, thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An) nằm cạnh quốc lộ 1A, nhóm họp từ 9- 10 giờ sáng mỗi ngày giữa cái nắng chói chang. Khu chợ này chỉ vỏn vẹn năm cái lều tạm- thực chất là chỉ mấy cái cây, căng tấm bạt, gió thổi phành phạch. Cả chợ chỉ có năm người ngồi bán hàng trong lều, những người còn lại ngồi giữa nắng. Khuôn viên chợ rộng khoảng 30 m2, cả phiên chợ không quá 30 người mua bán. Hàng hóa bày bán ở chợ cũng nghèo nàn, chủ yếu là hàng thực phẩm rẻ tiền. Chị Nguyễn Thị Hoàng, một phụ nữ địa phương bước vào chợ quần “ống xăn ống thả”, trả mua một chục cá nục giá 3.000 đồng, nói: “Tôi đi nhổ cỏ ngoài ruộng, trưa về ghé qua chợ mua ít cá về kho, lo cho xong bữa trưa gia đình”. Thỉnh thoảng 5-10 ngày, nhà chị Hoàng có nhu cầu mua sắm những vật dụng như quần áo, nồi chảo… mới ra chợ thị trấn, còn mua ăn thì ở chợ xổm Chí Đức này. Hình như cả xóm đều có kiểu đi chợ như chị Hoàng, họ đi làm đồng hoặc lên núi đều bỏ theo trong túi vài ngàn đồng, trưa về ghé mua thức ăn. Chợ này giúp cho người dân lao động khỏi mất thời gian đi chợ thị trấn Chí Thạnh xa đến cả cây số trên đoạn đường quốc lộ 1A. Chị Hoàng kể, trước đây khi chưa có chợ xổm, mỗi khi cần mua thứ gì phải ra tận chợ Chí Thạnh chen lấn mua thức ăn. Còn nay sau khi làm đồng, trưa ghé vô chợ có cá tươi mua về.
Chợ Chí Đức họp hai tháng nay đã giảm được lưu lượng dòng người đổ ra quốc lộ 1A, đoạn từ cua Chí Đức đến thị trấn Chí Thạnh.
Chợ Phú Hội, xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) không có lều trại, họp trong một cái sân kho cũ nát. Khi bóng chiều râm mát, chợ bày bán, hai ngày họp một lần. Mỗi phiên chợ chỉ có năm bảy người ngồi bán hàng. Dẫu vậy, từ ngày có chợ này người dân quanh vùng có cá tươi ăn thường xuyên. Từ năm 2005 trở về trước, người dân Phú Hội đi chợ Xuân Phước cách xa 3 cây số nhưng 3 ngày mới đến phiên chợ, mỗi khi đi chợ phải bỏ cả ngày làm. Bây giờ, nhờ có cái chợ nhỏ này, người dân địa phương trên đường đi làm mang theo vài ngàn, chiều về ghé chợ...ăn đủ bữa.
Các xã Sơn Định, Sơn Xuân (huyện Sơn Hoà) vốn lâu nay vẫn chưa hình thành chợ giao dịch mua bán. Nhân dân quanh vùng phải bỏ công sức đi chợ Hòa Đa (huyện Tuy An) xa hơn 30 cây số. Chính vì thế, gần đây dọc theo đường từ xã Sơn Định qua xã Sơn Xuân, ngày nào cũng có vài ba người đi xe máy chở theo mắm cá, thịt rau bán dạo. Cứ đi khoảng cây số đến nơi có dân cư thì dừng lại bày bán. Mỗi điểm bán chỉ diễn ra trong 5-10 phút. Ông Diêu, một người bán hàng bằng xe máy, cho biết: “Sáng nào tôi cũng đến các chợ dưới xuôi mua thịt từ các chủ lò mổ, trưa chở lên bán theo dọc đường”. Mỗi ngày có hàng chục người như ông Diêu chở một “chợ di động” vượt chặng đường hàng chục cây số rong ruổi bán khắp các xóm nhà. Kiểu chợ này xuất hiện cách đây 5 năm, giúp cho hơn trăm người dân lao động dọc theo các xã miền núi đỡ bỏ công đi chợ xa.