Chủ Nhật, 29/09/2024 22:31 CH
Công chứng tại xã, phường: Nhiều tiện ích cho người dân
Thứ Năm, 13/09/2007 07:00 SA

Một người dân ở xã Ea Bia (huyện Sông Hinh) nhận xét: “Việc công chứng ở xã không chỉ tiện, lợi cho người dân mà còn giúp cán bộ gần dân hơn”. Việc thực hiện Nghị định 79 của Chính phủ được người dân hoan nghênh, tuy nhiên đã xuất hiện một bất cập: Các cán bộ tư pháp xã, phường quá tải!

 

 

070912-cong-chung.jpg

Người dân phường 7 (TP Tuy Hòa) công chứng giấy tờ tại UBND phường. - Ảnh: T.HẢO

 

Việc công chứng bản sao, chữ ký các văn bản bằng tiếng Việt do cấp xã, phường thực hiện (theo Nghị định 79/2007/NĐ- CP ngày 18/5/2007 của Chính phủ) được xem là bước đột phá  trong cải cách tư pháp. Chủ trương này đã và đang tạo thuận lợi cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng sâu, vùng xa.

 

NGƯỜI DÂN HOAN NGHÊNH

 

Mới hơn 7 giờ 30 phút sáng nhưng  ngoài sảnh chờ của ban tư pháp  xã Ea Ly (huyện Sông Hinh) đã chật kín người. Trong số đó, phần nhiều là đồng bào dân tộc thiểu số đến chứng thực các loại giấy tờ thông thường. Anh Kpá Vưng, ở buôn Tân Lập, xã Ea Ly, cho biết: “Lúc trước để chứng thực mấy tờ giấy này,  tôi phải xuống tận huyện, cách nhà hơn 30 cây số, gặp lúc lãnh đạo đi vắng chỉ có nước ôm đơn đi về. Nay theo quy định mới, bà con được chứng thực ngay tại xã, tiện lắm”. Chị Hơ  Rin, ở buôn Hai Klốc  (xã Ea Bia), bày tỏ: “Điều tôi thấy hay nhất là  người ở xã này có thể đem giấy tờ đi chứng thực tại xã khác với lệ phí như nhau. Điều này quá tiện cho  người dân chúng tôi. Gia đình tôi mới chuyển nhà đến xã Ea Ly sinh sống, nhưng không cần phải lặn lội trở về  nơi  cũ để chứng thực giấy tờ mà có thể giải quyết luôn giấy tờ ngay tại nơi ở mới”.

 

Phòng làm việc của Ban Tư pháp xã  Ea Bia dù chỉ rộng 8m2 nhưng đã có hơn chục  người ngồi đợi chứng thực. Tuy nhiên, việc chứng thực diễn ra rất trật tự vì các thủ tục cũng như mức phí đã được công khai trên tấm bảng treo trước cửa phòng. Ông Nieu Leo, cán bộ Tư pháp xã Ea Bia, chỉ mất khoảng một  giờ để giải quyết tất cả yêu cầu của những người có mặt. Mỗi người chỉ mất 3 – 5 phút nên ai cũng phấn khởi. Anh Nguyễn Văn Thịnh, một người dân địa phương, nói: Ở đây mọi người đều biết khá rõ các quy định nên chuyện thu phí “ngoài quy định” là tuyệt nhiên không có. Cách làm công khai, có trách nhiệm này giúp cán bộ gần dân hơn”.

 

NHƯNG CÁN BỘ... QUÁ TẢI

 

070912-chung-thuc.jpg

Ông Nieu Leo, cán bộ tư pháp xã Ea Bia huyện Sông Hinh (bìa trái) chứng thực giấy tờ cho công dân. - Ảnh: XUÂN HUY

Nghị định 79 của Chính phủ đã và đang mang lại nhiều lợi  ích cho người dân trong việc tiết kiệm công sức, tiền bạc, thời gian đi lại khi cần chứng thực các loại giấy tờ. Tuy nhiên, quy định mới này cũng đã tạo áp lực rất lớn cho các cán bộ cơ sở trong  giải quyết các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền được giao. Ông Nguyễn Trường Bảo, cán  bộ  tư pháp xã Ea Ly, cho biết: “Hiện nay, các xã chỉ có một cán bộ tư pháp chuyên trách. Trước  đây, khi chứng chưa về xã, riêng việc giải quyết những việc như hòa giải, ly hôn, phân chia tài sản… cũng đã mất nhiều thời gian. Nay cán bộ tư pháp lại kiêm luôn công chứng thì không biết về lâu dài có kham nổi hay không. Tuy nhiên, chúng tôi luôn tự động viên nhau làm hết sức mình nhằm hoàn thành công việc do Nhà nước, nhân dân giao phó”.

 

Ngoài ra, một vấn đề khiến các cán bộ tư pháp xã mất nhiều thời gian là  tư vấn, giải thích cho nhiều bà con đồng bào dân tộc thiểu số chưa hiểu về các quy định của Nhà nước. Ông Nieu Leo, cán bộ tư pháp xã Ea Bia, cho biết: “Điều cần thiết nhất hiện nay là đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng các quy định mới của pháp luật cho nhân dân. Phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số các xã vùng sâu, vùng xa chưa nắm rõ quy định nên có không ít trường hợp không công chứng tại xã mà đem lên tận huyện. Việc này gây tốn công vô ích vì không thuộc thẩm quyền nên chắc chắn cán bộ huyện sẽ không giải quyết”. Trao đổi với Báo Phú Yên về vấn đề này, ông Phạm Tấn Thạnh, Trưởng phòng Tư pháp huyện Sông Hinh, cho biết: “Trung bình mỗi ngày chúng tôi tiếp nhận  hàng chục trường hợp chứng thực vượt cấp. Vì nhiệm vụ chủ yếu của cấp huyện trở lên là chứng thực bản sao, chữ ký bằng tiếng nước ngoài, còn bằng tiếng Việt thì do chủ tịch hoặc phó chủ tịch UBND cấp xã thực hiện nên khi gặp những trường hợp này, tôi hướng dẫn cho họ trở về xã để thực hiện. Có như vậy mới tránh được tình trạng chồng chéo công việc giữa huyện và xã”. Ngoài ra, ông Thạnh cũng bày tỏ băn khoăn là hiện nay một số cán bộ cấp xã còn chưa nắm rõ trong việc nhận dạng văn bản thực hay giả, giá trị pháp lý cũng như việc trùng khớp giữa bản sao và bản chính.  Theo ông Thạnh, việc mở các lớp  tập huấn, bồi dưỡng  nghiệp vụ cho cán bộ tư pháp cấp xã, phường, nhất là ở miền núi, trong thời gian tới là rất cần thiết.

 

XUÂN HUY – NHẬT HUY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek