Xác định năm 2016 là “Năm phát triển đoàn viên”, Công đoàn Khu kinh tế Phú Yên đã tập trung vận động phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS) tại các doanh nghiệp. Tuy nhiên, hoạt động này đang gặp không ít khó khăn.
Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động
Kế hoạch triển khai “Năm phát triển đoàn viên” của Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đặt ra chỉ tiêu toàn tỉnh phát triển thêm ít nhất 6.000 đoàn viên và có 90% doanh nghiệp có từ 30 lao động trở lên thành lập được tổ chức Công đoàn. Trong đó, giao chỉ tiêu cho Công đoàn Khu kinh tế phát triển mới 1.100 đoàn viên. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay mà Công đoàn Khu kinh tế đang gặp phải là có chủ doanh nghiệp (DN) chưa hiểu đúng, đầy đủ về vai trò, chức năng của tổ chức Công đoàn; một số chủ doanh nghiệp né tránh gây khó khăn cho việc tiếp cận, tuyên truyền, vận động người lao động (NLĐ) gia nhập tổ chức này. Ông Mã Quang Hưng, Phó Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế, cho biết:
Chúng tôi đang ra sức vận động các DN chưa có tổ chức Công đoàn thành lập CĐCS. Nhiều DN sau khi được tuyên truyền đã liên hệ với Công đoàn Khu kinh tế để được hướng dẫn cách thức tuyên truyền và các thủ tục tiến tới thành lập Công đoàn. Điển hình như Công ty TNHH Thuận Thiên (Khu công nghiệp An Phú), Công ty TNHH Thủy sản Phúc Nguyên (Khu công nghiệp Hòa Hiệp). Tuy nhiên vẫn còn DN chưa ủng hộ việc thành lập CĐCS như Công ty TNHH Nguyên liệu giấy Á Châu (Khu công nghiệp Đông Bắc Sông Cầu)… Theo ông Hưng, các CĐCS mới được thành lập đều theo đúng quy định tại Điều 17, Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Theo đó, trên cơ sở nhận thức đầy đủ sự cần thiết của CĐCS tại DN (do được Công đoàn cấp trên cơ sở tuyên truyền), NLĐ tự thành lập ban vận động thành lập CĐCS, thu nhận đơn xin gia nhập Công đoàn của NLĐ, khi đủ điều kiện thì tổ chức hội nghị thành lập tổ chức. Cách thức này đã phát huy tính dân chủ sâu rộng, NLĐ phấn khởi, tin tưởng hơn tổ chức đại diện cho mình, cán bộ Công đoàn càng có trách nhiệm hơn đối với NLĐ.
Hiện tại, ở 3 khu công nghiệp trong tỉnh có 55 DN hoạt động ổn định, giải quyết việc làm cho gần 6.000 CNLĐ. Trong đó, 26 DN thuộc quản lý Công đoàn Khu Kinh tế đã có CĐCS với hơn 4.400 lao động và còn 23 DN chưa có tổ chức Công đoàn với gần 750 CNLĐ. Vì vậy, Công đoàn Khu Kinh tế đã đề ra các giải pháp để thực hiện nhiệm vụ phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS như thành lập ban chỉ đạo, ban vận động phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS. Trên cơ sở đó phối hợp với các ngành chức năng tiến hành điều tra, khảo sát, xây dựng kế hoạch và trực tiếp đến các DN tìm hiểu tình hình CNLĐ, thăm dò tâm tư, nguyện vọng của họ đối với việc thành lập tổ chức Công đoàn. Đồng thời phổ biến các văn bản, nghị định của Chính phủ, của Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc thành lập tổ chức Công đoàn tại các doanh nghiệp. Cố gắng từ đây đến cuối năm, vận động thành lập mới từ 3-4 CĐCS trong DN.
Cần ý thức từ chủ DN
Điều 5, Nghị định 98/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chậm nhất sau 6 tháng kể từ ngày DN được thành lập và đi vào hoạt động, Công đoàn địa phương, Công đoàn ngành, Công đoàn khu công nghiệp phải phối hợp cùng DN thành lập tổ chức Công đoàn theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn và Điều lệ Công đoàn. Đồng thời, Điều 24 Nghị định 88/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định phạt từ 10-15 triệu đồng đối với đơn vị người sử dụng lao động có hành vi cản trở, gây khó khăn cho việc thành lập, gia nhập và hoạt động Công đoàn của NLĐ. Nhưng trên thực tế, nhiều DN có đủ điều kiện thành lập tổ chức CĐCS nhưng không thành lập, vẫn ngang nhiên hoạt động mà không bị xử lý gì.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Võ Quang Anh, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Thủy sản Phúc Nguyên, nói: “Nhiều DN không muốn thành lập CĐCS bởi họ cho rằng nếu có tổ chức Công đoàn thì sẽ phải thực hiện đúng các quy định về BHYT, BHXH, đóng kinh phí công đoàn, đồng thời phải dành thời gian cho hoạt động đoàn thể… làm ảnh hưởng đến năng suất sản xuất. Vì vậy, để bảo vệ lợi ích của mình, các chủ DN không mặn mà với chuyện thành lập tổ chức Công đoàn trong công ty, xí nghiệp. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp sau khi thành lập được CĐCS thì hoạt động vẫn phải phụ thuộc vào ban giám đốc. Nếu không được chủ DN tạo điều kiện thì tổ chức Công đoàn gần như chỉ tồn tại về mặt… hình thức!”.
Công đoàn khu kinh tế chỉ có thể thực hiện việc tuyên truyền, vận động, còn việc xử lý vi phạm không thuộc quyền hạn của tổ chức Công đoàn. Nếu chỉ dựa vào tuyên truyền, vận động mà không có sự can thiệp của pháp luật thì công tác phát triển CĐCS ở doanh nghiệp khó mang lại hiệu quả. Vì vậy, chúng tôi phải tranh thủ sự đồng tình của DN để có hình thức tuyên truyền, vận động phù hợp theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Qua đó giúp chủ DN và NLĐ hiểu được vai trò của tổ chức Công đoàn, thu hút ngày càng đông lực lượng này tự nguyện đăng ký tham gia, góp phần hoàn thành tốt chỉ tiêu phát triển đoàn viên trong năm 2016.
Ông Tô Văn Khải, Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế |
NGỌC HÂN