Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), để đảm bảo sức khỏe cho người dân và có câu trả lời chắc chắn sau khi nước biển an toàn thì cá có thể sử dụng làm thực phẩm an toàn hay không, hiện nay Bộ Y tế vẫn tiếp tục hàng ngày giám sát, lấy mẫu với tất cả các loại cá tại các cảng biển và đầm nuôi ở 4 tỉnh miền Trung để làm kiểm nghiệm.
Các kết quả kiểm nghiệm này sẽ được Hội đồng khoa học của Bộ Y tế đánh giá và dự kiến sẽ công bố chính thức vào đầu tháng 9. Ngay sau khi xuất hiện tình trạng cá chết bất thường tại 4 tỉnh miền Trung, được sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đã tích cực vào cuộc, liên tục lấy mẫu các loại cá, nước biển để phân tích, kiểm nghiệm.
Sau khi có kết quả kiểm nghiệm, Bộ Y tế đã gửi các kết quả này cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để làm căn cứ đánh giá thực trạng ô nhiễm môi trường biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.
Kết quả kiểm nghiệm của các mẫu cá lấy tại 4 tỉnh miền Trung cho thấy mức độ ô nhiễm đã giảm dần theo thời gian cụ thể là tháng 7 có 7/27 mẫu cá bị ô nhiễm kim loại nặng (chiếm tỉ lệ là 25,9%). Đến ngày 19/8, trước thời điểm Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố nước biển an toàn, kết quả kiệm nghiệm cho thấy chỉ có 1/18 mẫu cá vượt ngưỡng an toàn về kim loại nặng (chiếm 5,5%).
Ngày 22/8, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chính thức công bố nước biển 4 tỉnh miền Trung đã an toàn có thể bơi lội và nuôi trồng thủy sản.
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc khẩn trương thực hiện các giải pháp giải quyết sự cố môi trường do Công ty trách nhiệm hữu hạn Gang thép Hưng nghiệp Formosa gây ra nhằm khôi phục ổn định đời sống, hoạt động sản xuất kinh doanh cho nhân dân, Đoàn công tác của Bộ Y tế do giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế đã trực tiếp đi kiểm tra tình hình, triển khai các nội dung hoạt động của kế hoạch số 76/KH-BYT ngày 11/7/2016.
Theo kế hoạch, các cơ quan chức năng sẽ thực hiện lấy mẫu, kiểm nghiệm từng lô, mẻ đang bảo quản tại các kho đông lạnh để xác nhận an toàn đối với hải sản tại các kho đông lạnh. Đối với lô hải sản không an toàn phải cương quyết xử lý.
Đối với các lô hải sản đánh bắt ngoài 20 hải lý tổ chức xác nhận bảo đảm an toàn; với các lô hải sản đánh bắt trong 20 hải lý tổ chức tổ chức giám sát thường xuyên đến khi xác nhận an toàn sẽ công bố thông tin; tổ chức giám sát, theo dõi an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm chế biến từ cá biển (cá khô, nước mắm…).
Các cơ quan chức năng tổ chức quan trắc và cảnh báo kịp thời môi trường nước biển, tập trung nước biển gần bờ trong phạm vi 3 hải lý, ở các bãi tắm để đánh giá và công bố môi trường nước biển an toàn.
Đồng thời, tổ chức quan trắc môi trường khu vực quanh nhà máy về không khí, nguồn nước ngầm sinh hoạt, ăn uống của nhân dân để đánh giá tình hình ô nhiễm và cảnh báo kịp thời cho nhân dân; tổ chức đánh giá tác động của môi trường đối với sức khỏe nhân dân địa phương, tập trung ở khu vực quanh nhà máy gây sự cố và cảnh báo kịp thời.
Bên cạnh đó, nghiên cứu chính sách bảo hiểm y tế để đề xuất phương án hỗ trợ bảo hiểm y tế cho ngư dân và diêm dân trong khu vực bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường.
Theo TTXVN/Vietnam+