UBND tỉnh vừa triển khai Kế hoạch hành động 97/KH-UBND thực hiện Nghị quyết 36a của Chính phủ về chính phủ điện tử. Nghị quyết này được ban hành từ ngày 14/10/2015. Đến nay, Phú Yên là một trong những tỉnh chưa triển khai việc liên thông văn bản điện tử với Văn phòng Chính phủ và chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật cần thiết tích hợp thử nghiệm các dịch vụ công lên cổng dịch vụ công quốc gia theo đúng tiến độ quy định. Chung quanh vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng cho biết:
Đồng chí Phan Đình Phùng - Ảnh: CTV |
- Thời gian qua, công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước về công nghệ thông tin (CNTT) đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào công tác điều hành, quản lý vĩ mô chung của toàn tỉnh. Tuy nhiên, đến nay Phú Yên chưa triển khai việc liên thông văn bản điện tử với Văn phòng Chính phủ và chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật cần thiết tích hợp thử nghiệm các dịch vụ công lên cổng dịch vụ công quốc gia theo đúng tiến độ quy định của Văn phòng Chính phủ do còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là nguồn vốn đầu tư. Bên cạnh đó, một số địa phương, đơn vị thiếu quan tâm đến việc đầu tư, phát triển, ứng dụng CNTT; vai trò của cán bộ chuyên trách CNTT tại các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; kinh phí dành cho phát triển CNTT còn hạn chế.
* Ông có thể nói rõ mục tiêu của Kế hoạch hành động 97 về thực hiện Nghị quyết 36a của Chính phủ về chính phủ điện tử?
- Đó là đẩy mạnh phát triển chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng, cùng với cả nước nâng vị trí của Việt Nam về chính phủ điện tử theo hạng của Liên Hợp Quốc. Đồng thời cải cách toàn diện cả ba nhóm chỉ số dịch vụ công trực tuyến, hạ tầng viễn thông và nguồn nhân lực; phấn đấu đến hết năm 2016, Phú Yên nằm trong nhóm giữa của các tỉnh, thành phố trong cả nước. Cụ thể, kết nối băng thông rộng, chất lượng cao đến 100% xã, phường, thị trấn, cơ sở, giáo dục, trạm y tế; 100% các doanh nghiệp ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành, sản xuất, kinh doanh; 50% doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử; 100% các trường THPT giảng dạy môn Tin học có chất lượng, hiệu quả…
Cán bộ bộ phận “một cửa” giải quyết thủ tục hành chính cho người dân xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa) - Ảnh: PHONG NHÃ |
* Nhiệm vụ trọng tâm trước mắt cần phải làm để kịp tiến độ với các tỉnh khác là gì, thưa ông?
- So với nhiều tỉnh thì Phú Yên triển khai nghị quyết này còn chậm. Do đó, tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ của mình cần thực hiện ngay những nhiệm vụ trọng tâm. Tuy khẩn trương nhưng phải đảm bảo chất lượng và đồng bộ việc triển khai chính phủ điện tử. Cụ thể, tiếp tục xây dựng, triển khai các nội dung công việc theo Kế hoạch hành động 97 của UBND tỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa phương, đơn vị; phân công ngay một đồng chí lãnh đạo trực tiếp chịu trách nhiệm theo dõi việc ứng dụng CNTT của đơn vị. Sở TT-TT chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan hướng dẫn, hỗ trợ các cơ quan sử dụng phần mềm quản lý văn bản thực hiện nâng cấp hoặc tùy chỉnh phần mềm quản lý văn bản để kết nối vào trục liên thông văn bản của tỉnh. Căn cứ danh mục các dịch vụ công trực tuyến ban hành kèm theo Kế hoạch 97, các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai các dịch vụ công mức độ 3, 4 của đơn vị mình, các dịch vụ công còn lại cung cấp mức độ 2 trên cổng dịch vụ công thử nghiệm của tỉnh. Đối với các đơn vị đã triển khai dịch vụ công mức 3, 4 thì có phương án nâng cấp hoặc tùy chỉnh phần mềm để tích hợp lên cổng dịch vụ công của tỉnh. Nếu không tích hợp lên cổng dịch vụ công đề nghị chuyển sang sử dụng cổng dịch vụ công thử nghiệm của tỉnh. Đồng thời có kế hoạch xem xét, từng bước thôi sử dụng các phần mềm quản lý văn bản và điều hành không kết nối được vào trục liên thông văn bản để chuyển sang sử dụng phần mềm khác đảm bảo kết nối được vào trục liên thông văn bản của tỉnh. Giao Sở TT-TT làm việc với các doanh nghiệp viễn thông để thống nhất và có phương án chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật, phần mềm, đường truyền hỗ trợ các đơn vị thử nghiệm kết nối với trục liên thông văn bản, cổng dịch vụ công của tỉnh. Sau đó, hoàn thiện các nội dung để kết nối vào trục liên thông văn bản của Chính phủ và cổng dịch vụ công quốc gia theo quy định… Tất cả nhiệm vụ này phải được hoàn thành trước ngày 15/9/2016.
Vai trò của CNTT rất quan trọng trong công tác cải cách hành chính. Trong ảnh: Bộ phận “một cửa” xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa) tiếp công dân giải quyết thủ tục hành chính - Ảnh: PHONG NHÃ |
* Thưa ông, về lâu dài cần có những giải pháp chủ yếu nào để hoàn thiện chính phủ điện tử?
- Ưu tiên hàng đầu đó là đổi mới, tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác quản lý nhà nước, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với những lĩnh vực liên quan đến người dân và doanh nghiệp; từng bước triển khai các hệ thống thông tin về dân cư, đất đai, xây dựng, doanh nghiệp; ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện chứng từ, hồ sơ điện tử. Tiếp đến là triển khai các giải pháp để cung cấp dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền của sở, ban ngành, UBND cấp huyện. Đến năm 2018, có 100% các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến mức độ 3, tích cực triển khai cung cấp dịch vụ công mức 4. Đồng thời đẩy mạnh triển khai hình thức thuê doanh nghiệp CNTT thực hiện dịch vụ cho thuê từng phần hoặc trọn gói phục vụ các cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, chủ tịch UBND cấp huyện được quyền quyết định thuê dịch vụ công; nâng cấp Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh đáp ứng việc triển khai các dịch vụ điện tử, phần mềm hồ sơ công việc theo hướng tập trung tại trung tâm và phần mềm một cửa điện tử tại các sở, ban, ngành; tổ chức đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ chuyên trách CNTT ở các cơ quan nhà nước các cấp; rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách ưu đãi về thuế để khuyến khích mạnh mẽ, thu hút các nhà đầu tư đẩy mạnh phát triển và ứng dụng CNTT vào Phú Yên. Đồng thời triển khai thực hiện ứng dụng CNTT kết hợp với hệ thống quản lý chất lượng ISO trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết 36a; có hình thức khen thưởng kịp thời các đơn vị làm tốt và có các biện pháp, chế tài khi chưa hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
* Xin cảm ơn ông!
THÙY THẢO (thực hiện)