Tôi thích đọc, thích viết, thích đi đây đó. Vì thế tôi chọn nghề báo. Báo Phú Yên thành lập “thất thập niên” thì tôi gắn bó với tòa soạn “thập thất niên”.
1. Mười bảy năm trước, tôi chẳng biết tí gì về báo chí nhưng cực kỳ thích hình ảnh người phóng viên mặc áo ký giả, tay cầm máy ảnh. Vì thế sau khi tốt nghiệp đại học, tôi nhất quyết xin làm phóng viên. Tôi biết đến Báo Phú Yên là nhờ nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đào Tấn Lộc giới thiệu. Lại có hai người bạn từ thời trẻ trâu học cùng trường Lương Văn Chánh là Quốc Khương (hiện là phóng viên Báo Tuổi Trẻ) và Phương Trà đang là phóng viên hàng “sao” của Báo Phú Yên vào báo trước đó, khiến tôi càng hào hứng.
Ngày 4/11/1999, chính thức nhận nhiệm vụ, tôi được phân công về Phòng Thư ký Tòa soạn (TKTS). Anh trưởng phòng Huỳnh Hiếu (nay đang công tác tại Báo Tuổi Trẻ) đón lính mới với nụ cười dễ thương. Khỏi phải nói, tôi vui thế nào khi được làm cùng phòng với hai người bạn. Ba đứa chúng tôi kê bàn liền kề nhau, bên trái bàn anh Huỳnh Hiếu. Sự sắp xếp này gắn với nhiều kỷ niệm dễ thương về những năm đầu làm báo của cả ba đứa.
Đọc. Đọc báo cũ lẫn báo mới. Đó là nhiệm vụ đầu tiên. Mấy ngày sau tôi không giấu được lo lắng, chỉ cột tin trên báo thầm thì với Phương Trà:
- Cái loại bài ngăn ngắn này thiệt là khó viết.
Lập tức tôi nhận được chia sẻ từ người bạn có gần 2 “tuổi nghề”:
- Tui cũng rất khổ khi viết tin bà ạ!
Thì ra đây là tin, không phải bài. Phương Trà khi đó đã khá nổi tiếng với các bài phóng sự trên Báo Phú Yên mà còn sợ, vậy chắc chắn tin là thể tài khó nhất. Tôi tự kết luận.
Một ngày, anh Huỳnh Hiếu đi họp về đưa cho tôi một bản báo cáo, bảo viết tin. Tôi tái cả mặt. Đọc tới đọc lui. Viết rồi xóa. Bỏ hết tờ giấy này đến tờ giấy khác. Lòng thầm mong hai đứa bạn “thiên thần” về cứu viện. Ngày ấy Báo Phú Yên xuất bản 3 kỳ/tuần, nên tôi có hẳn một ngày để đánh vật với cái tin đầu đời.
Hai “thiên thần” vẫn biệt tăm. Sáng hôm sau, tôi nộp tin cho thư ký tòa soạn với nụ cười đậm chất “cầu tài”. Độ mươi phút sau tôi nhận lại bản thảo, “Em viết lại đi”. Nhìn vào tờ giấy vô tri khi nãy còn sạch sẽ với những dòng chữ nắn nót, giờ trở thành một ma trận xóa, sửa đỏ rực đến nỗi chỉ mỗi cái tên Hoàng Quyên còn là mực xanh. Tôi chết thẹn. Một lúc sau, tôi rón rén đặt trên bàn sếp tờ giấy hoàn toàn khác, sếp liếc nhìn, gọi giật lại khi tôi vừa quay lưng:
- Anh bảo em tập viết tin chứ có nhờ em chép đâu mà ghi tên Huỳnh Hiếu?
- Dạ vì em thấy không có chữ nào là của em hết. Tôi đau khổ thưa thật…
Cũng nên nói, tác phẩm báo chí đầu tay của tôi là một bài phóng sự về chuyện ở trọ của sinh viên các trường cao đẳng Xây dựng số 3 (nay là đại học Xây dựng Miền Trung) và Học viện Ngân hàng (Phân viện Phú Yên). Còn nhớ, sau khi bài được đăng, anh Xuân Hiếu có nhận xét “bài của em nếu chấm điểm anh cho 7 điểm”. Riêng Quốc Khương, vài năm sau nhắc chuyện cũ đã sổ toẹt “Bài phóng sự của bà hồi đó dở chết đi được!”. Tên bạn này từ xưa đến nay, và có lẽ mãi về sau không có lấy một lời động viên tử tế dành cho tôi.
Ngày ấy, Internet còn khá hiếm hoi, ông thầy Google chưa xuất hiện, sách nghiệp vụ thì tôi chẳng có, nên muốn học nghề chỉ mỗi cách là đọc báo và học từ đồng nghiệp đi trước. Vì công tác ở Phòng TKTS nên chúng tôi không được phân công theo dõi mảng như các phóng viên, anh Huỳnh Hiếu khuyên tôi nên đi cùng các đàn anh Tấn Lộc (nay là phóng viên Báo Pháp Luật), Nguyên Lưu, Hoài Trung… để học nghề. Tuy nhiên, người hướng dẫn tôi viết tin lại là một nhà báo công tác tại TTXVN (Phân xã Phú Yên), anh Phan Tiên Minh. Nhờ anh Tiên Minh, tôi biết về 5W-1H. Sau những lần sinh hoạt nghiệp vụ của Chi hội Nhà báo Báo Phú Yên, tôi mới được bổ sung thêm kiến thức nghiệp vụ. Trước đó, tôi chỉ viết theo cảm tính, đặt mình vào vị trí người đọc xem thử họ cần biết thông tin gì và cứ thế mà làm. Thật là điếc chẳng sợ súng!
Nhà báo Đào Phạm Hoàng Quyên, Phó Tổng Biên tập Báo Phú Yên (bìa trái), trao nhà Tình nghĩa cho hộ khó khăn ở huyện Sông Hinh - Ảnh: KIM LIÊN |
2. Có thể nói, Báo Phú Yên là một trong những báo Đảng địa phương sớm ứng dụng Internet trong hoạt động nghiệp vụ. Khi tôi về công tác, tòa soạn đã đăng ký thuê bao Internet dial-up (kết nối Internet thông qua giao thức kết nối sử dụng đường truyền điện thoại). Tổng Biên tập Phạm Ngọc Phi lúc nhận tôi vào cơ quan có nói rõ là để chuẩn bị bước đầu cho việc thành lập ấn phẩm điện tử của Báo Phú Yên, bởi tôi tốt nghiệp hai ngành tréo ngoe là tiếng Anh và tin học. Năm 1999, một tờ báo ở địa phương còn lắm khó khăn như Báo Phú Yên, ý tưởng ấy thể hiện tầm nhìn xa của Ban Biên tập lúc bấy giờ.
Dựng trang thời sự trong nước và quốc tế là phần việc quan trọng của bộ phận tòa soạn. Ngày ấy, tin trong nước được “cắt dán” từ các báo Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, Thể Thao Văn Hóa, Tuổi Trẻ, Thanh Niên… theo đúng nghĩa đen của từ này; còn tin quốc tế mua của TTXVN thông qua website. Anh em thường gọi đùa biên tập viên (BTV) phụ trách lấy tin trong nước là “kéo (cắt) giấy”, còn BTV phụ trách lấy tin quốc tế là “kéo điện tử”. Cách gọi này, tùy thời điểm mà người được đặt “nick name” có lúc không tránh khỏi tâm trạng buồn.
Tòa soạn chỉ có một máy tính kết nối Internet đặt tại Phòng Kỹ thuật - Xuất bản. Chiều trước ngày ra báo, một BTV của Phòng TKTS cùng với một kỹ thuật viên (KTV) vào website của TTXVN làm tin quốc tế. BTV nhìn vào màn hình chọn và biên tập tin dài, tin vắn; KTV theo đó mà thao tác chỉnh sửa. Sau tôi được giao một mình làm chuyên mục này, không cần nhờ KTV hỗ trợ. Tôi tranh thủ lướt CNN, BBC, New York Times, Christian Science Monitor… chọn những tin bài về văn hóa, nghệ thuật, thể thao, khoa học để dịch thêm.
Những kỷ niệm đáng nhớ trong thời gian làm công tác khai thác, biên tập và biên dịch tin quốc tế là sự kiện 11/9/2001 nước Mỹ bị tấn công khủng bố. TKTS yêu cầu làm sao để chuyên mục Thời sự Quốc tế trên số báo ra ngày hôm sau cung cấp cho bạn đọc thông tin đầy đủ nhất về vụ việc gây chấn động thế giới này. Chúng tôi chọn phương án dịch trực tiếp các bản tin và hình ảnh của CNN, BBC, AP, AFP… đồng thời tham khảo thêm từ Vietnamnet, TTXVN, tất cả dưới sự theo dõi và chỉ đạo trực tiếp của anh Huỳnh Hiếu để tránh những sơ suất về quan điểm chính trị. Hôm sau, đặt Báo Phú Yên bên cạnh các tờ báo khác, nhận thấy vẻ hài lòng trên gương mặt trưởng phòng, tôi cảm thấy thật sung sướng.
Anh Huỳnh Hiếu là một người lãnh đạo không chỉ giỏi chuyên môn, mà còn giỏi về công tác đào tạo cán bộ và có mối quan hệ tốt với các đồng nghiệp cả nước. Ngày đó, mỗi lần các đoàn báo bạn ghé thăm Báo Phú Yên, nhất là khi có những nhà báo giỏi thì anh thường gọi một trong ba đứa chúng tôi hoặc có khi cả ba cùng đi tiếp. Mãi sau tôi mới biết, tùy người khách ấy giỏi về lĩnh vực nào mà anh gọi tôi hay Phương Trà, Quốc Khương. Nhờ đó, chúng tôi được làm quen với nhiều tên tuổi trong làng báo, qua đó học hỏi càng thêm nhiều kinh nghiệm quý báu. Một trong số những bậc đàn anh, đàn chị tôi hân hạnh được gặp gỡ ngày ấy, người giúp đỡ chúng tôi rất nhiều trong việc hình thành Phú Yên Online sau này là nhà báo Trần Đức Tài, khi ấy công tác tại Báo Lâm Đồng. Anh Trần Đức Tài không chỉ giỏi viết báo, còn giỏi về nhiếp ảnh kỹ thuật số, công nghệ thông tin và ngoại ngữ dù chẳng hề học qua trường đại học nào. Anh từng viết giáo trình tiếng Anh cho bậc đại học, hướng dẫn chụp ảnh kỹ thuật số… Anh chính là dịch giả Đăng Thư, người dịch những tác phẩm nổi tiếng như Đất máu Sicily, Thám tử Sherlock Holmes, Lũ trẻ đường ray… Với tôi, hai anh Huỳnh Hiếu và Trần Đức Tài mãi là hai người thầy tận tâm và đáng quý nhất đã dìu tôi những bước chập chững vào nghề báo.
3. Năm 2005, Báo Phú Yên sau khi tăng lên 4 kỳ, rồi 5 kỳ tuần. Ban Biên tập lại giao nhiệm vụ cho phòng khi đó đổi tên từ Thư ký Tòa soạn thành Thư ký - Biên tập xây dựng kế hoạch xuất bản ấn phẩm điện tử. Vừa vặn, chúng tôi được bổ sung một cử nhân Công nghệ thông tin có kinh nghiệm lập trình và thiết kế web, vừa được Ban Biên tập nhận vào tòa soạn, kế hoạch ra báo điện tử lập tức được triển khai.
Được sự chỉ đạo quyết liệt, thậm chí đôi lúc khá…“lạnh lùng không thương xót” của Tổng Biên tập Phạm Ngọc Phi, mấy anh em chúng tôi nỗ lực hết mình để xây dựng đề án xuất bản Phú Yên Online cùng với sự giúp đỡ nhiệt tình từ phía anh Trần Đức Tài. Cuối năm 2005, bản thử nghiệm của Phú Yên Online với domain baophuyen.com.vn hòa mạng Internet. Tháng 1/2006, lễ ra mắt chính thức ấn phẩm điện tử của Báo Phú Yên diễn ra với sự chứng kiến của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thành Quang. Khỏi phải nói mọi người cũng hình dung mấy anh em Phòng Thư ký - Biên tập mừng đến độ nào. Khi website vận hành ổn định, anh Huỳnh Hiếu giao cho anh Tấn Lộc, Quốc Khương và tôi luân phiên là biên tập viên phụ trách Phú Yên Online (PYO), cùng với hai KTV là Dương Phú Vinh và Lê Trường Giang.
Phải nói, Ban Biên tập Báo Phú Yên lúc bấy giờ luôn đặt ra yêu cầu khá cao về sự phát triển của tờ báo, dù tình hình tài chính và nhân sự còn nhiều khó khăn. Mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2008, tôi khi đó là Phó Phòng Thư ký - Biên tập phụ trách PYO, nhận mệnh lệnh ngắn gọn từ anh Huỳnh Hiếu: “Tổ chức giao lưu trực tuyến tư vấn mùa thi”. Tôi toát mồ hôi lạnh. Tôi giải thích rằng để thực hiện giao lưu trực tuyến cần có công cụ, mà PYO thì ngay từ đầu dù đã tính tới nhưng vì gặp khó về kinh phí nên không lập trình tính năng tương tác với bạn đọc trên không gian thực này. Nhưng sếp chỉ nói gọn: “Phải làm”.
Tổ PYO họp khẩn để triển khai kế hoạch. Chúng tôi đề xuất phương án thủ công - bạn đọc gửi mail tới, KTV mở ra cho chuyên gia tư vấn xem, đọc câu trả lời cho KTV gõ và cập nhật. Không đủ nhân lực và thiết bị, chúng tôi đề xuất Ban Biên tập xin điều KTV của báo in sang hỗ trợ, đồng thời chạy vòng khắp tòa soạn mượn thêm laptop vì cả bộ phận chỉ có một máy và không thể bê các máy bàn đến phòng họp là nơi tổ chức sự kiện. Mặt khác, chúng tôi nhờ phóng viên phụ trách mảng giáo dục thông báo đến các trường THPT trong tỉnh “mời” học sinh tham gia. Buổi giao lưu diễn ra trong 120 phút buổi chiều, nhưng chúng tôi tưởng chừng vỡ tim trong thời gian đầu bởi lượng truy cập ồ ạt diễn ra đồng thời khiến đường truyền ADSL bị nghẽn. May sao mọi việc cũng đâu vào đấy, buổi tư vấn diễn ra thành công ngoài mong đợi, nhưng tận chiều tối hôm đó tôi mới thật sự bình tĩnh, tin là mọi việc đã kết thúc tốt đẹp.
PYO tách khỏi Thư ký - Biên tập, thành lập phòng riêng với cái tên nghe đầy kiêu hãnh “Phú Yên điện tử”. Tâm trạng của 4 thành viên lại lắm âu lo, nhất là người phụ trách phòng như tôi. Và nỗi lo không bao giờ thừa. Một ngày, Tổng Biên tập gọi sang và đưa ra mệnh lệnh: “PYO phải có video clip”. “Báo Thái Nguyên sẵn sàng cho chúng ta module video clip mà họ đã triển khai, cái này trị giá cả trăm triệu”. Sếp nói thêm. Tôi không dám nói lại sếp, rằng mỗi website có thể phát triển trên ngôn ngữ lập trình khác nhau, và giải pháp kỹ thuật mà Báo Thái Nguyên điện tử sử dụng lúc bấy giờ chưa được nâng cấp. Thêm vào đó, Phòng PYO đang trong những ngày tháng lao đao vì KTV chính đột ngột thôi việc. Tôi thất thểu về phòng, chỉ mong có thể khóc!
Tôi thấy mình là người may mắn. Những lúc tưởng khó khăn nhất tôi luôn nhận được sự giúp đỡ từ bạn bè, đồng nghiệp. Dương Phú Vinh sau khi thôi việc, vào TP Hồ Chí Minh thành lập một công ty chuyên về lĩnh vực CNTT, vẫn luôn giữ liên lạc với Phòng PYO. Vinh đã viết tặng cơ quan cũ module video clip. Còn anh em BTV, KTV nhờ các đồng nghiệp ở VTV Phú Yên nhiệt tình giúp bồi dưỡng cấp tốc các kiến thức và kỹ năng về quay, dựng phim; viết lời bình; xây dựng kịch bản; lồng tiếng… Chỉ với 2 máy quay DVC, một máy dựng và một thiết bị capture adapter, thậm chí không có cả đèn chiếu và micro, chúng tôi làm video clip và lạc quan bàn tính kế hoạch tương lai về bản tin truyền hình internet theo chỉ đạo của Tổng Biên tập.
Làm báo rất khổ. Làm báo ở tỉnh nhỏ như Phú Yên càng vất vả hơn do tình hình kinh tế - xã hội, an ninh - trật tự… không nhiều sôi động như ở các tỉnh thành lớn. Vì vậy, đồng nghiệp ở các tỉnh nghe Báo Phú Yên xuất bản báo ngày không ai không nể. Trong dịp trọng đại này, chúng tôi không muốn kể khổ, chỉ muốn chia sẻ chuyện làm nghề với bạn bè đồng nghiệp và bạn đọc. Ra nhật báo được một thời gian, Tổng Biên tập lại gọi tôi khi ấy chưa kịp ngồi nóng chỗ ở ghế Trưởng Phòng Phú Yên điện tử: “Phải ra trang tiếng Anh”. Lần này thì tôi không im lặng. Tôi trình bày với sếp rằng trong điều kiện hiện nay của tòa soạn việc đó nằm ngoài khả năng, bởi quan trọng nhất là cơ quan không có biên dịch viên, chưa nói đến kinh phí…
Ngày 29/12/2010, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Huỳnh Tấn Việt bấm nút chính thức khai trương Trang thông tin điện tử tiếng Anh Phu Yen News của Báo Phú Yên. Đó là kết quả của sự nỗ lực không ngừng nghỉ của tập thể Phòng PYO, những đêm thức trắng, không thiếu mồ hôi và cả nước mắt, để chỉ trong 3 tuần lễ kể từ khi nhận lệnh của Tổng Biên tập, cho ra đời ấn phẩm điện tử chủ yếu phục vụ công tác đối ngoại này. Trong thời gian đó, Phó Tổng Biên tập Nguyễn Văn Minh đã động viên, khích lệ tinh thần để anh em gấp rút hoàn thành nhiệm vụ.
*
…Gần 17 năm công tác, hơn 10 năm gắn bó với các ấn phẩm điện tử, giờ đây tôi đang làm quen với nhiệm vụ mới được Ban Biên tập phân công lo “cơm áo gạo tiền”. Có người bạn hỏi tôi: “Điều gì nhớ nhất sau bao nhiêu năm công tác?”. Tôi trả lời: “Tiếng chuông điện thoại”. Ngày xưa, là tiếng kết nối Internet dial-up. Từ cuối năm 2012 đến nay, khi đã là thành viên Ban Biên tập tham gia trực duyệt báo, tiếng chuông điện thoại tầm 6 giờ 30 đến 7 giờ sáng hàng ngày, khi số báo ngày hôm đó đã đến tay bạn đọc cứ làm tôi giật mình thon thót… Nói vui vậy, nhưng có được ngày hôm nay tôi luôn biết ơn những người anh, người chị, đồng nghiệp và bạn bè đã giúp tôi “tăng cường độ sống trong thời gian sống”.
Phú Yên, tháng 8/2016
ĐÀO PHẠM HOÀNG QUYÊN
Phó Tổng Biên tập Báo Phú Yên