(Trích phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Văn Trà tại Lễ mít tinh kỷ niệm 55 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961-10/8/2016))
Đúng ngày này 55 năm trước, máy bay của Không lực Hoa Kỳ bắt đầu rải chất độc, mở màn cho chiến dịch khai hoang kéo dài suốt 10 năm (từ 1961-1971) ở miền Nam Việt Nam. Đây là một kỷ niệm buồn đối với nhân dân Việt Nam và cả nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới.
Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Văn Trà phát biểu tại lễ kỷ niệm - Ảnh: LƯU PHONG |
Trong suốt 10 năm, quân đội Mỹ đã rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong đó là chất da cam, chứa 366kg dioxin, xuống gần 1/4 tổng diện tích miền Nam Việt Nam, bao gồm hầu hết các hệ sinh thái từ vùng đồi núi cao đến vùng thấp ven biển. Chất độc da cam/dioxin đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân, trong đó có nhiều nạn nhân thuộc thế hệ con, cháu. Nhiều gia đình có đến 4-5 nạn nhân, không lao động được để duy trì cuộc sống, lại bệnh tật triền miên, hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Không chỉ người Việt Nam mà nhiều binh sĩ Mỹ, Hàn Quốc, Australia, New Zealand... từng tham chiến ở Việt Nam trước đây cũng mắc nhiều bệnh tật do phơi nhiễm chất độc da cam.
Hầu hết những người bị nhiễm chất độc da cam là cán bộ kháng chiến, bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và nhân dân sống trong vùng bị rải chất độc, một số là những người từng phục vụ chính quyền Sài Gòn cũ. Dù lai lịch khác nhau, nhưng họ đều bị nhiễm chất độc da cam do quân đội Mỹ sử dụng. Các nạn nhân đã mang trong mình nhiều căn bệnh quái ác, di truyền sang đời con, cháu. Họ đã và đang chết dần chết mòn, đau đớn cả về thể xác và tinh thần. Trong số họ có rất nhiều cảnh đời bi đát, tuyệt vọng vì bệnh tật giày vò, neo đơn, không nơi nương tựa. Những gia đình có nhiều nạn nhân càng rơi vào cảnh khó khăn, kiệt quệ. Môi trường thì bị ô nhiễm nặng nề, các hệ sinh thái bị đảo lộn; đa dạng sinh học bị suy thoái và trở nên nghèo nàn. Một số loài động thực vật quý hiếm bị tuyệt chủng.
Thảm họa da cam ở Việt Nam đã để lại hậu quả hết sức nặng nề, công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đối với môi trường và sức khỏe con người là một vấn đề cấp bách, lâu dài, và là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, của cán bộ, đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị. Xác định tầm quan trọng đó, ngày 14/5/2015 Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có Chỉ thị 43-CT/TW về tăng cường công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đã thể hiện quan điểm và sự chỉ đạo của Đảng nhằm giải quyết một vấn đề phức tạp và lâu dài trên phạm vi cả nước.
Tỉnh Phú Yên của chúng ta, từ năm 1965-1970, quân đội Mỹ đã rải xuống địa bàn tỉnh hơn 1 triệu lít chất diệt cỏ chiến thuật, trong đó hơn 800.000 lít chất da cam gây nên hậu quả nghiêm trọng về môi trường, hệ sinh thái bị hủy diệt, đồng thời ảnh hưởng tới hàng vạn người dân Phú Yên bị phơi nhiễm cùng con cháu của họ. Đến nay trên địa bàn tỉnh có hơn 11.380 người bị phơi nhiễm, các nạn nhân chất độc da cam phải mang trong mình những căn bệnh hiểm nghèo, hàng ngày họ phải sống với tật nguyền trong đau khổ, mặc cảm với xã hội, cuộc sống hết sức khó khăn. “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” là thể hiện tình cảm, đạo lý đối với những đồng chí của chúng ta đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng, đối với những đồng bào đã chịu nhiều thiệt thòi, đau khổ, là việc làm nhân đạo, là tiếng gọi của lương tri và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội.
Trong bối cảnh đó, ngày 10/1/2004, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam chính thức ra mắt hoạt động. Ngày 3/12/2004, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Phú Yên cũng được thành lập, nhằm vận động các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam hòa nhập cộng đồng xã hội; tập hợp đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của hội viên... Hội đại diện cho các nạn nhân chất độc da cam trong các mối quan hệ với các tổ chức, cá nhân trong đấu tranh buộc Mỹ phải chịu trách nhiệm tham gia khắc phục hậu quả do họ sử dụng chất độc hóa học trong chiến tranh ở Việt Nam. Hơn 12 năm, kể từ ngày thành lập, sự phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội; sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân địa phương; với tinh thần tích cực, chủ động, sáng tạo, Hội đã triển khai toàn diện các mặt công tác và đạt được những kết quả khá quan trọng.
Để “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”, thời gian qua, hàng năm Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và UBND tỉnh có Thư kêu gọi cán bộ, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp, doanh nhân, nhà hảo tâm và toàn thể nhân dân tiếp tục chung tay, góp sức làm tất cả những gì có thể để góp phần xoa dịu nỗi đau da cam, giúp đỡ các nạn nhân có điều kiện cải thiện cuộc sống. Các cấp Hội đã nỗ lực vận động nhiều nguồn lực bằng tiền và hiện vật quy ra tiền là: 15.576 triệu đồng; chi chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân: 14.318 triệu đồng. Nội dung chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân như: Xây dựng và sửa chữa 122 nhà ở, tặng 50 sổ tiết kiệm; tặng quà nhân ngày lễ, tết; tặng quà ngày 10/8; hỗ trợ khám chữa bệnh, trợ cấp khó khăn, bão lũ; trợ giúp học bổng cho các cháu; hỗ trợ vốn sản xuất (không tính lãi). Tuy chưa nhiều nhưng cũng đã tạo điều kiện cho các nạn nhân da cam có vốn sản xuất, có nhà ở, có quà đón tết, giúp họ vơi đi mặc cảm tự ti, hòa nhập cùng cộng đồng xã hội.
Thay mặt UBND tỉnh, tôi nhiệt liệt biểu dương và động viên các anh chị em, các cháu nạn nhân chất độc da cam/dioxin có nhiều cố gắng vươn lên trong cuộc sống; đồng thời cũng ghi nhận những kết quả và việc làm của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, các cấp Hội và các nhà hảo tâm đã quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, xoa dịu nỗi đau, bước đầu mang lại cuộc sống ấm no về vật chất, vui vẻ về tinh thần, tạo điều kiện cho nạn nhân chất độc da cam cũng như gia đình họ có điều kiện hòa nhập cộng đồng.
Đoàn viên, thanh niên trong tỉnh diễu hành kêu gọi chung tay xoa dịu nỗi đau da cam - Ảnh: KIM CHI |
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng thảm họa da cam vẫn còn nặng nề, gây tác hại nghiêm trọng cho môi trường sống, gây bệnh tật, đau khổ triền miên cho hàng triệu nạn nhân và gia đình nạn nhân chất độc da cam. Tại buổi lễ kỷ niệm đầy ý nghĩa này, thay mặt Tỉnh ủy, UBND tỉnh, tôi kêu gọi các cấp, các ngành, cùng toàn thể người dân, chiến sĩ tỉnh nhà, đồng bào ta ở nước ngoài tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, “uống nước nhớ nguồn”, tương thân tương ái, tiếp tục ủng hộ giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam cả về vật chất và tinh thần bằng các hành động cụ thể, thiết thực. Đồng thời, tôi cũng đề nghị các cấp, các ngành cần tập trung làm tốt một số nhiệm vụ sau:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm cho các tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế, nhân dân thế giới, trong đó có nhân dân Mỹ hiểu rõ hơn thảm họa da cam ở Việt Nam. Vận động toàn thể nhân dân tích cực hưởng ứng phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam”. Tham gia chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam bằng hành động cụ thể, với tinh thần tự giác và ý thức trách nhiệm cao nhất.
Hai là, kiên trì và kiên quyết đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam với những hình thức và bước đi phù hợp với đường lối, chủ trương đối ngoại của Đảng, Nhà nước.
Ba là, quan tâm giúp đỡ người dân vùng bị phơi nhiễm chất độc hóa học, nạn nhân chất độc da cam thông qua các chương trình, mục tiêu, chính sách an sinh xã hội và nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội hàng năm của địa phương, đơn vị. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam, không để xảy ra thiếu sót, tiêu cực. Kịp thời đề xuất, bổ sung và giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Bốn là, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp cần quán triệt, nắm vững chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ tiến hành trong chiến tranh ở Việt Nam để vận dụng hiệu quả; phối hợp triển khai đầy đủ chế độ, chính sách đối với người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin; tăng cường công tác vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ủng hộ, đóng góp vào Quỹ Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh; tổ chức thực hiện tốt phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam”; phối hợp các cơ quan thông tin đại chúng xây dựng các phóng sự về nạn nhân chất độc da cam/dioxin và những tấm gương nạn nhân chất độc da cam/dioxin vượt khó vươn lên.
Kỷ niệm 55 năm thảm họa da cam ở Việt Nam, góp phần nối tiếp những nhịp cầu hữu nghị, gắn kết nạn nhân chất độc da cam các nước trên thế giới thành một khối thống nhất, hành động vì mục tiêu chung là đấu tranh chống chiến tranh hóa học, chống vũ khí giết người hàng loạt, bảo vệ hòa bình, bảo vệ môi trường sống, trả lại sự công bằng cho các nạn nhân chất độc da cam.
Nửa thế kỷ thảm họa da cam ở Việt Nam - Nhớ lại và suy nghĩ, đau thương và hành động. Hành động một cách tự giác, tích cực nhất, hiệu quả nhất với tình cảm và trách nhiệm cao nhất, thể hiện rõ nét nhất đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam.
-------------------------
(*) Đầu đề do tòa soạn đặt