Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, nhưng hậu quả của nó để lại đến giờ vẫn còn hiện hữu. Phú Yên hiện có hơn 11.000 người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, đang hàng ngày vật vã trong nỗi đau khó nói hết bằng lời. Những gia đình nạn nhân da cam đã và đang sống trong khổ đau, bệnh tật, họ là “những người nghèo nhất trong những người nghèo, người đau khổ nhất trong những người đau khổ”…
Đại diện Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Phú Yên trao nhà Tình thương cho nạn nhân da cam ở huyện Đông Hòa - Ảnh: KIM CHI |
Ở tuổi 41, chị Lê Thị Thạch (thôn 3, xã An Ninh Tây, huyện Tuy An) già hơn nhiều với số tuổi của mình. Lần nào gặp, chị cũng phải bồng bế đứa con bị tật nguyền, nạn nhân của chất độc da cam vì cháu bị đủ chứng bệnh từ lúc mới lọt lòng mẹ. Cháu là Phạm Thị Lượm, năm nay lên 10. “Cháu sinh ra đã bị thiểu năng, bại não, không nói, không đi đứng gì được. Gia đình nhiều lần đưa cháu đi bệnh viện khám, bác sĩ đều kết luận cháu bị nhiễm chất độc da cam. Còn cháu lớn cũng bị di chứng, không nói được, đã 12 tuổi mà chỉ mới bập bẹ”, chị Thạch chia sẻ trong sự đau khổ. Càng đau khổ hơn, khi người chồng vô tâm của chị cũng bỏ đi, để lại một mình chị gồng gánh chăm lo cho các con.
Còn vợ chồng ông Nguyễn Đình Thi (56 tuổi ở thôn Phú Xuân B, xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân) hàng ngày phải chia nhau ra để chăm sóc đứa con đã ở tuổi thanh niên. Đó là Nguyễn Chí Thiên (SN 1994) nhưng bị tàn tật, thiểu năng bẩm sinh. Ông Thi cho biết: “Trước đây, tôi đi lính đặc công, sau về lập gia đình và sinh được 6 người con nhưng chỉ cháu Thiên bị tật nguyền. Khi mới lọt lòng mẹ, cháu bình thường nhưng càng về sau, hai chân cháu bắt đầu teo tóp và có biểu hiện của thiểu năng, không nhận biết, hàng ngày bị co giật, động kinh. Thương con do mình dứt ruột đẻ ra nên cả nhà cũng cố gắng lo cho các con, được đến đâu hay đến đấy”.
Đó chỉ là hai trong hàng ngàn nạn nhân và gia đình nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn tỉnh đang ngày ngày phải trải qua cuộc sống khó khăn.
Chung tay chia sẻ nỗi đau da cam, thời gian qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Phú Yên đã triển khai toàn diện các mặt công tác và đạt được những kết quả đáng kể; nhiều hoạt động nhân đạo đã được các tổ chức, cá nhân góp phần giúp các nạn nhân vượt lên nỗi đau.
Chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn của gia đình và nạn nhân chất độc da cam, mới đây, Ngân hàng Á Châu (ACB) đã tổ chức hành trình “Tôi yêu cuộc sống” trao 200 suất quà, mỗi suất 500.000 đồng. Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng Giám đốc ACB, cho biết: “Hưởng ứng lời kêu gọi của tỉnh giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam, cán bộ, công nhân viên ACB đã đóng góp một phần thu nhập nhằm chia sẻ những khó khăn, động viên gia đình và các nạn nhân vượt lên khó khăn để ổn định cuộc sống”.
Đón nhận những phần quà từ nhà tài trợ, nhiều gương mặt ngây ngô nở nụ cười đáp lại, những cái gật đầu đầy khó khăn, đôi bàn tay co quắp chìa ra vui mừng. Anh Đào Ngọc Điểm (39 tuổi, nạn nhân chất độc da cam, bị liệt 2 chân, ở khu phố Chí Đức, thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An) bày tỏ: “Tôi rất xúc động trước tấm lòng của cộng đồng đã dành cho những nạn nhân chất độc da cam. Không cách nào khác, mình phải tự cố gắng vượt lên nỗi đau”.
Ông Đỗ Văn Vũ, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Phú Yên, cho biết: Nạn nhân chất độc da cam là cán bộ, bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, là dân quân du kích... và những người dân thường đã từng tham gia hoặc phục vụ chiến đấu trên các chiến trường và sinh sống trên các địa bàn mà quân đội Mỹ rải chất độc da cam/dioxin. Phần lớn những nạn nhân da cam có cảnh ngộ đau thương, tuyệt vọng vì bệnh tật dày vò. Thời gian qua, với sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, sự giúp đỡ nhiệt tình của cả cộng đồng, các kiều bào, bạn bè quốc tế đã góp phần giúp các nạn nhân chất độc da cam nỗ lực vươn lên, vượt qua nỗi đau để tiếp tục sống.
Các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong tỉnh đã vận động nguồn lực bằng tiền và hiện vật quy ra tiền là hơn 15 tỉ đồng; chi chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân hơn 14 tỉ đồng. Các hình thức giúp đỡ như: Xây dựng và sửa chữa nhà ở (122 nhà), tặng sổ tiết kiệm (50 sổ), tặng quà ngày lễ, tết (hơn 18.000 suất), hỗ trợ khám chữa bệnh, trợ cấp khó khăn (hơn 1.600 trường hợp), trợ giúp học bổng cho các cháu (352 trường hợp), hỗ trợ vốn sản xuất không tính lãi…
KIM CHI