Thứ Ba, 08/10/2024 12:33 CH
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2016-2020:
Đào tạo theo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn
Thứ Ba, 09/08/2016 14:00 CH

UBND tỉnh vừa phê duyệt đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2016-2020. Theo đó, toàn tỉnh phấn đấu tổ chức dạy nghề cho 12.500 lao động nông thôn, tỉ lệ người lao động có việc làm sau khi học nghề tối thiểu đạt 80%. Trao đổi với Báo Phú Yên về việc làm thế nào để đạt được kết quả này, ông Nguyễn Phất, Giám đốc Sở LĐ- TB-XH, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện đề án, cho biết:

 

Đồng chí Nguyễn Phất, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phú Yên - Ảnh: KIM CHI

- Dạy nghề cho lao động nông thôn là chủ trương của Đảng, Nhà nước, là trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội, nhằm nâng cao chất lượng lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn. Thời gian qua, cùng với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả đáng kể trong việc phát triển nguồn nhân lực trực tiếp sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ có tay nghề, đã cung ứng cho các ngành nghề kinh tế quốc dân, các khu công nghiệp tập trung, các làng nghề và tham gia xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư phát triển dạy nghề còn chưa ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới. Chính vì vậy, việc tỉnh phê duyệt đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2016-2020 sẽ chuyển mạnh dạy nghề cho lao động nông thôn từ đào tạo theo năng lực sẵn có của cơ sở dạy nghề sang đào tạo theo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn vàyêu cầu của thị trường lao động; gắn dạy nghề với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, từng vùng, từng ngành và từng địa phương.

 

* Mục tiêu của đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2016-2020 là gì, thưa ông?

 

- Mục tiêu của đề án nói trên là nhằm đa dạng các loại hình dạy nghề, phù hợp với đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; gắn đào tạo với giải quyết việc làm cho người lao động trong các khu công nghiệp tập trung, các cụm điểm công nghiệp, các làng nghề và dạy nghề tham gia xuất khẩu lao động theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp. Đề án cũng góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy nghề, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập của lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp - nông thôn. Theo đề án, tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2020, tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%; đồng thời đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao kiến thức, năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế - xã hội theo chức danh, vị trí làm việc đáp ứng yêu cầu của công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành và thực thi công vụ cho khoảng 2.500 lượt cán bộ, công chức cấp xã.

 

* Lao động nông thôn khi tham gia học nghề theo đề án này sẽ được Nhà nước hỗ trợ gì, thưa ông?

 

- Theo đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2016-2020, tỉnh sẽ hỗ trợ cho những người học nghề được đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng theo quy định. Cụ thể, lao động là người khuyết tật được hỗ trợ tối đa 6 triệu đồng/người/ khóa học. Lao động là người thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; người thuộc hộ nghèo ở các xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ được hỗ trợ tối đa 4 triệu đồng/người/khóa học. Lao động là người dân tộc thiểu số, người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, người thuộc gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm, ngư dân được hỗ trợ tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học. Lao động là người thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ tối đa 2,5 triệu đồng/ người/khóa học. Người học nghề là phụ nữ, lao động nông thôn khác được hỗ trợ tối đa 2 triệu đồng/người/khóa học. Riêng ngư dân học các nghề vận hành tàu vỏ thép, tàu vỏ vật liệu mới, kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên được hỗ trợ100% chi phí đào tạo.

 

Lao động nông thôn huyện Sơn Hòa học nghề may - Ảnh: KIM CHI

 

Ngoài ra, người lao động thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm tham gia học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng còn được hỗ trợ tiền ăn với mức 30.000 đồng/ người/ngày thực học; hỗ trợ tiền đi lại 200.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15km trở lên. Riêng đối với người khuyết tật và người học cư trú ở xã, thôn, buôn thuộc vùng khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn, mức hỗ trợ tiền đi lại là 300.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 5km trở lên.

 

* Tỉnh có giải pháp gì để triển khai hiệu quả đề án này trong giai đoạn 2016-2020, thưa ông?

 

- Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2016- 2020 là một nội dung gắn kết với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để triển khai hiệu quả đề án, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành phối hợp với hội, đoàn thể tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp; đi đôi với công tác vận động, giáo dục định hướng, tuyên truyền, công khai công tác đào tạo nghề, nhằm góp phần giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Việc tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn (bao gồm cả đào tạo nghề nông nghiệp và nghề phi nông nghiệp) chủ yếu là dạy thực hành và được thực hiện tại nơi sản xuất. Thời gian đào tạo phải phù hợp với nghề đào tạo, đặc điểm của quy trình sản xuất, quy trình sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi ở từng vùng, từng địa phương và phù hợp với nhu cầu của người học. Các nghề đào tạo cho lao động nông thôn đa dạng cụ thể, theo nhu cầu của người học và thực tiễn sản xuất, từđào tạo một công đoạn, một kỹ năng nghề nhất định, đến đào tạo cấp văn bằng, chứng chỉ một cách đầy đủ, toàn diện theo quy định của luật giáo dục nghề nghiệp. Các cấp, ngành tổ chức lồng ghép, huy động các nguồn lực trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn một cách linh hoạt, phù hợp giữa các đề án chương trình, nhất là chương trình phổ biến, nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật cho cộng đồng, giữa các chính sách khác nhau, các đối tượng đào tạo, các địa phương. Tỉnh tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo các mô hình đã thí điểm có hiệu quả, đào tạo nghề tại doanh nghiệp, vùng chuyên canh, xã xây dựng nông thôn mới, làng nghề; tiếp tục nhân rộng các mô hình đào tạo nghề có hiệu quả, gắn đào tạo nghề với hỗ trợ vốn sản xuất, tạo việc làm cho lao động nông thôn.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

KIM CHI (thực hiện) 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek