Thời gian qua, dù các cơ quan, đơn vị, địa phương đã có nhiều nỗ lực nhưng chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) của tỉnh vẫn chưa được cải thiện, có xu hướng tụt giảm và xếp ở nhóm điểm trung bình thấp. Tại hội thảo về “Giải pháp nâng cao chỉ số PAPI của tỉnh” do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với UBND tỉnh tổ chức mới đây, nhiều đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp trước mắt và lâu dài giúp Phú Yên nâng cao chỉ số này trong thời gian đến. Báo Phú Yên giới thiệu những ý kiến này.
* BÀ ĐỖ THANH HUYỀN, CHUYÊN GIA CAO CẤP PHÂN TÍCH CHÍNH SÁCH CỦA CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN LIÊN HỢP QUỐC TẠI VIỆT NAM: Tăng cường công khai minh bạch
Chỉ số PAPI được đánh giá qua 6 chỉ số nội dung: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công. Theo đó, 5 năm qua, chỉ số cung ứng dịch vụ công của Phú Yên có xu hướng cải thiện nhất, đáng chú ý là dịch vụ y tế, giáo dục và chỉ số tham gia của người dân ở cấp cơ sở cũng có xu hướng gia tăng nhẹ. Các trục nội dung công khai minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công và thủ tục hành chính công có xu hướng tụt giảm liên tục, thiếu sự ổn định và ở mức thấp. Các yếu tố đó đã làm suy giảm sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Qua khảo sát thực tế tại các địa phương trong tỉnh cho thấy, lĩnh vực đất đai, trong đó, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là người dân có ý kiến nhiều nhất; nhu cầu người dân tiếp cận với cổng thông tin điện tử của các sở, ngành là rất ít; thủ tục liên thông chưa được thực hiện ở cấp cơ sở… Do đó, khi so sánh với các tỉnh khác thì Phú Yên có xu hướng sụt giảm hơn, nhiều năm liền, Phú Yên chỉ nằm trong nhóm tỉnh, thành có điểm trung bình thấp.
Một số biện pháp cải thiện chỉ số này mà Phú Yên có thể làm ngay là tăng cường công khai minh bạch; nâng cao trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương. Đồng thời chú trọng đầu tư cho bộ phận “một cửa, một cửa liên thông” vì hiện tỉnh chỉ đang chú trọng ở những tầng cao, tầng cấp tỉnh, trong khi tầng cấp huyện, xã là nơi tương tác với dân nhiều hơn nhưng lại ít được chú ý. Còn về lâu dài nên đầu tư đào tạo cán bộ công chức, viên chức, trong đó, chú trọng tập huấn về cập nhật thông tin, văn bản mới và cách ứng xử đối với công dân, doanh nghiệp…
* TS BÙI PHƯƠNG ĐÌNH, VIỆN TRƯỞNG VIỆN LÃNH ĐẠO HỌC VÀ CHÍNH SÁCH CÔNG (HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH): Cần xã hội hóa dịch vụ hành chính công
Năm 2014, Phú Yên ban hành Chương trình hành động 03 về nâng cao chỉ số PAPI. Theo đó, Phú Yên có bộ thủ tục hành chính với hơn 800 thủ tục cấp tỉnh, 200 thủ tục và khoảng 100 thủ tục cấp xã được rà soát, chuẩn hóa và đã công bố công khai. So với năm 2013, khi đoàn học viện đi khảo sát thì quy hoạch đất đai đến 2020 và kế hoạch sử dụng đất đai hàng năm đã được tỉnh công bố trên trang tin điện tử và bằng nhiều hình thức tại các cơ quan; chế độ tiếp công dân, điện thoại, đường dây nóng được công khai để gia tăng sự tương tác giữa người dân với chính quyền. Tuy nhiên, nhiều thủ tục hành chính được công khai, minh bạch nhưng mức độ thuận tiện để người dân tiếp cận sử dụng thông tin thì rất thấp; chưa thực hiện công khai quyết toán các khoản thu các quỹ cho dân biết; giá đất, khung giá đất, theo quy định mới là phải công khai 5 năm liền từ 2015-2019 nhưng hiện nay tỉnh chưa có niêm yết cụ thể…
Giải pháp đặt ra là cần tập huấn kỹ năng giám sát các công trình xây dựng cho Ban Giám sát đầu tư cộng đồng của 112 xã, phường; hình thành cơ chế liên thông, thông tin giữa chính quyền cơ sở với Ủy ban MTTQ Việt Nam và chủ đầu tư để ràng buộc trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc bắt buộc phải thông báo và cung cấp đầy đủ thông tin cho mặt trận để họ tham gia giám sát. Cần đầu tư cơ sở vật chất cho dịch vụ công và niêm yết lại để người dân biết các thủ tục đã chỉnh sửa, thay đổi. Trong chương trình hành động, tỉnh cần có lộ trình cụ thể việc giám sát, kiểm tra thực hiện chỉ số này của các sở, ngành và địa phương. Đồng thời có đánh giá về nhu cầu sử dụng thông tin chính trị, hành chính của người dân để từ đó đưa ra giải pháp là phải tuyên truyền, vận động người dân, thông tin, thông báo cho người dân về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước như thế nào cho họ hiểu hết; gia tăng dần cung cấp dịch vụ công mức 3 và thậm chí lên mức 4 là điều tối cần thiết của một tỉnh đang vươn mình như Phú Yên.
* ÔNG NGÔ QUANG PHÚ, PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ TN-MT: Tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin
Thời gian qua, trong lĩnh vực đất đai, tỉnh đã cắt giảm 22 thủ tục hành chính xuống còn 41 thủ tục (trước đây là 63 thủ tục); đã cắt giảm hơn 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với trước đây như: Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giảm từ 35 ngày còn 22; giao đất, cho thuê đất, thông báo thu hồi đất từ 25 ngày xuống 20; đăng ký biến động giảm 13 ngày còn 8; đăng ký giao dịch đảm bảo từ 5 còn 1 ngày; cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giảm từ 20 xuống 8 ngày; tách thửa, hợp thửa trước 35 nay còn 15 ngày…
Tuy nhiên, việc thực hiện công khai, minh bạch chưa đạt hiệu quả. Bởi đa số người dân ít có nhu cầu đến trụ sở UBND để giao dịch và cũng không có thói quen đến trụ sở UBND để tìm hiểu thông tin. Chính vì vậy, hướng công khai sắp tới của sở là tạo vị trí thuận lợi để để người dân tiếp cận được, mạnh dạn tiếp cận. Theo đó, sở sẽ đánh giá lại nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân, nơi nào cộng đồng dân cư tập trung nhiều nhất thì sẽ công khai bản đồ quy hoạch, khung giá đất cụ thể ở nơi đó. Quy trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hiện nay theo quy định của Bộ TN-MT tuy có cắt giảm về thời gian nhưng phải qua rất nhiều khâu, tiếp xúc với rất nhiều cán bộ. Do đó cần nâng cao công tác đánh giá cán bộ để không xảy ra tình trạng nhũng nhiễu.
* ÔNG TRẦN XUÂN TÚC, PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ XÂY DỰNG: Xử lý nghiêm các hiện tượng nhũng nhiễu
Thủ tục cấp phép xây dựng nhà ở và công trình riêng lẻ trên địa bàn tỉnh là một trong những vấn đề được nhân dân quan tâm. Theo đó, các thủ tục hành chính cấp phép xây dựng đã được công khai, niêm yết rõ ràng. Theo quy định thủ tục cấp phép xây dựng là 15 ngày nhưng sở đã rà soát và tham mưu tỉnh giảm còn 10 ngày, tiến tới sẽ rà soát và giảm tiếp theo quy định của Trung ương đến năm 2020 giảm thêm 35-50%. Tuy nhiên, một số nơi, một số chỗ đôi lúc vẫn còn hiện tượng kéo dài thời gian giải quyết thủ tục khiến người dân và doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần; trước khi nhận được kết quả cũng có hiện tượng tiêu cực, nhũng nhiễu gây khó khăn, phiền hà. Vấn đề này, lãnh đạo Sở Xây dựng rất quan tâm, xử lý nghiêm những biểu hiện này. Điều kiện để cấp phép xây dựng là phải căn cứ vào quy hoạch, quy chế xây dựng hoặc quy chế quản lý kiến trúc quy hoạch nhưng hiện trên địa bàn tỉnh, tỉ lệ phủ kín quy hoạch còn thấp. Chính vì vậy, trong thời gian tới, sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố cần lập quy hoạch chi tiết, xây dựng quy chế quản lý đất đai để làm cơ sở cấp phép. Đồng thời, các ngành liên quan cần có sự phối hợp đồng bộ để có sự thống nhất giữa các quy hoạch. Bên cạnh đó, năng lực của đơn vị tư vấn trong việc giúp người dân cũng như đơn vị, tổ chức doanh nghiệp thực hiện lập hồ sơ cấp phép xây dựng còn hạn chế dẫn đến thủ tục làm sai, không đúng theo quy định, phải chỉnh sửa nhiều lần mất thời gian cũng cần được chấn chỉnh; việc bố trí cán bộ thực thi, giải quyết thủ tục hành chính có năng lực cũng chưa đảm bảo, nhất là vào mùa cao điểm, từ tháng 3-9 thì người dân tập trung xây dựng nhưng chính quyền các địa phương không bố trí thêm cán bộ nên nhiều hồ sơ bị tồn đọng và phải hẹn lại người dân, gây phiền hà cho doanh nghiệp.
Một số vấn đề khác về công chức và cơ chế kiểm soát công chức, cũng như đạo đức công vụ cũng khó kiểm soát nên cũng ảnh hưởng đến việc giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến xây dựng của các huyện, thị, thành và các sở, ban, ngành.
THÙY THẢO (thực hiện)