Thứ Năm, 10/10/2024 06:25 SA
Tìm giải pháp khắc phục kênh mương xuống cấp
Thứ Sáu, 22/07/2016 07:37 SA

Đoàn khảo sát của HĐND tỉnh khảo sát tuyến kênh tiêu 202 tại xã An Thạch (huyện Tuy An) - Ảnh: THÙY THẢO

Tổ đại biểu HĐND tỉnh số 4 vừa đi khảo sát thực tế theo phản ánh của cử tri bức xúc về tình trạng các tuyến kênh tưới tiêu xuống cấp nghiêm trọng, gây ngập úng, thừa, thiếu nước xảy ra nhiều năm qua tại 3 xã An Thạch, An Ninh Đông, An Ninh Tây (huyện Tuy An).

 

Đầu nguồn ngập úng, cuối nguồn khô hạn

 

Qua khảo sát thực tế tại 3 xã nói trên cho thấy, tuyến kênh chính KC4 dài 6,5km, phục vụ tưới cho hơn 800ha đã xuống cấp nặng, bị rò rỉ, làm thất thoát nước và gây ngập úng đầu nguồn, thiếu nước ở cuối nguồn; tuyến kênh KC1 dài hơn 4,8km và kênh tiêu 202 dài 2km có nhiều đoạn người dân tự mở để lấy nước nên bị sạt lở, nhiều đoạn bị tắc nghẽn do bồi lấp gây ngập úng cục bộ. Bên cạnh đó còn xảy ra tình trạng tranh chấp, ngăn dòng của người dân tại cột nước của 3 xã.

 

Ông Nguyễn Trinh, Giám đốc HTX Nông nghiệp An Ninh Đông, cho biết: Trong tổng diện tích 132ha vụ hè - thu trên địa bàn xã An Ninh Đông, nơi cuối nguồn kênh KC4, 2 tuần trước nhờ mưa nên cứu được 100ha. Tuy nhiên, đến thời điểm này, diện tích này đã khô khoảng 40ha, trong đó chết khoảng 20ha. Nguyên nhân là đoạn cuối kênh bị xuống cấp nặng, nước rò rỉ; các hộ trên đầu nguồn của xã An Ninh Tây ngăn nước và thường xuyên đóng trộm cho nước qua đồng bên cạnh nên bị khô hạn. “Từ nhiều năm nay, cứ đến vụ hè - thu mà thời tiết nắng hạn thì 10 vụ chúng tôi chỉ ăn được 2 vụ. Mình ở cuối nguồn nên chỉ còn nước dư thừa. Mặc dù lịch lấy nước cũng có sự phân chia cụ thể nhưng bao giờ cũng ưu tiên đầu nguồn nên cuối nguồn rất khổ và tốn kém. Vấn đề này chúng tôi cũng có ý kiến trong các cuộc họp xã nhưng chưa được giải quyết triệt để, nhất là cần sớm nâng cấp, sửa chữa các tuyến kênh qua 3 xã. Với 1.500 hộ ở đây nhiều năm qua bị thiệt hại rất nhiều nhưng vẫn không được giảm đóng các loại thuế; tỉ lệ diện tích lúa cấp bù chỉ bằng 1/10 ở các nơi khác…”, ông Nguyễn Trinh nói.

 

Bà Nguyễn Thị Đào ở thôn Phú Hội, xã An Ninh Đông, bức xúc: “Vụ đông - xuân vừa qua do thiếu nước mà 1,5 sào lúa của gia đình tôi chỉ thu hoạch được 4 bao mà hạt lúa lép lừng, bình thường thu hoạch 11 bao. Còn vụ hè - thu này, bà con chúng tôi đang khóc ròng vì lúa đang làm đòng nhưng nước không về được. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, tôi chỉ trông vào mấy sào lúa đó; thuế, phí thì cứ phải nợ đến khi nào có tiền mới trả được. Nhiều lần các hộ dân ở đây ý kiến họp dân tìm cách giải quyết nhưng đâu cũng vào đó. Do tình trạng kênh mương hẹp, hư hỏng mà không được nạo vét thông thoát và chỉ được “ăn” nước rơi, nước rớt từ đầu nguồn nên bấp bênh”.

 

“Những năm trước do HTX là đơn vị được Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam (Công ty Thủy nông Đồng Cam) hợp đồng để nạo vét kênh tiêu của xã nên dòng nước thoát rất nhanh. Nhưng hiện nay, công ty không được phép hợp đồng với các HTX về vấn đề này do vướng cơ chế nên phải hợp đồng bên ngoài. Theo đó, không có sự góp sức của các xã viên, thiếu sự giám sát nên sau khi nạo vét xong là bị bồi lấp rất nhanh. Do vậy gây ra tình trạng ngập úng tại kênh tiêu 202 của An Thạch”, ông Thiều Quốc Hương, Giám đốc HTX Nông nghiệp An Thạch, cho hay.

 

Theo ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An, hệ thống kênh chạy qua 3 xã An Thạch, An Ninh Tây, An Ninh Đông được xây dựng từ năm 2001-2002 do Sở NN-PTNT làm chủ đầu tư, Công ty Thủy nông Đồng Cam tiếp nhận quản lý từ 7/2004. Trong đó, tuyến kênh KC4 là tuyến kênh chính dài nhất của huyện Tuy An, do xây dựng bằng đá hộc, qua các mùa mưa lũ bị dòng xoáy phá vỡ, hai bên hông kênh sạt lở rất nhiều cung đoạn khiến nước bị rò rỉ. Đến nay vẫn chưa được đầu tư nâng cấp, sửa chữa nên mỗi khi vào vụ sản xuất là xảy ra tình trạng nơi thì khô hạn, nơi thì ngập úng. Đồng thời có sự tranh chấp nước giữa các HTX. “Tuy nhiên, phải kể đến việc bất hợp lý về cách quản lý chỉ đạo của tỉnh và cần phải thay đổi. Đó là, nên giao trách nhiệm cho lãnh đạo các HTX để người dân chủ động trên thửa ruộng của mình, kể cả vấn đề nước cũng chủ động luôn bởi lâu nay người dân không chủ động do Công ty Thủy nông Đồng Cam quản lý lịch trình nước. Còn KC1 thì hẹp, kênh có nhưng qua nhiều mùa vụ dường như bỏ trống do nước không chảy được, có đoạn nước bị gác hoàn toàn, nên cũng cần sửa chữa và cải tạo lại”, ông Thanh kiến nghị.

 

Cần nhiều giải pháp căn cơ

 

Theo ông Trần Tiến Anh, Giám đốc Công ty Thủy nông Đồng Cam, trong quá trình quản lý khai thác, điều kiện địa hình của hệ thống kênh ở 3 xã An Thạch, An Ninh Tây, An Ninh Đông khác so với những hệ thống kênh khác nên xuống cấp là đương nhiên. Khi công ty quản lý hệ thống kênh này thì phát hiện có những việc bất hợp lý nhưng không có điều kiện đại tu. Trong đó, kênh KC4 lúc thiết kế thì không có độ dốc nên nước có đoạn dồi dào, đoạn cuối thì lại khô hạn. Theo ý kiến cử tri là mở rộng mặt cắt cuối kênh nhưng không thể làm được, vì theo quy định nguyên lý là kênh tưới càng về cuối chừng nào mặt cắt càng nhỏ lại để giảm cột nước hơn. Ngược lại, kênh tiêu đi về hạ lưu nên càng mở. Chính vì vậy, giải pháp trước mắt là nâng cột nước ở đầu nguồn. “Sau vụ hè - thu này, công ty sẽ đầu tư khoảng 1 tỉ đồng để bê tông cốt thép 400m của hệ thống kênh này. Đồng thời bố trí kinh phí sửa chữa cục bộ, nạo vét để tưới chứ không thể tổ chức thi công lại từ đầu đến cuối vì nguồn kinh phí hẹp. Vừa qua, huyện Tuy An đã có buổi làm việc UBND tỉnh và được tỉnh chấp thuận, có thông báo cho chủ trương đầu tư kênh KC4 và 2 nhánh khác trị giá 55 tỉ đồng. Đồng thời có kiến nghị việc nạo vét kênh nội đồng thì nên có cơ chế đặc thù là hợp đồng với HTX để người nông dân chủ động việc nước tưới tiêu”, ông Trần Tiến Anh cho hay.

 

Phát biểu tại buổi giám sát, ông Trần Hữu Thế, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, kết luận và chỉ đạo: Qua khảo sát thực tế các kênh mương cho thấy, hệ thống kênh của 3 xã này đã xuống cấp, chưa được nạo vét khơi thông luồng. Tuy nhiên, việc thừa, thiếu nước là do quá trình điều tiết nước chưa có sự phối hợp. Đề nghị Công ty Thủy nông Đồng Cam giao đúng cột nước ở đầu kênh, lãnh đạo địa phương chỉ đạo các HTX chia lịch lấy nước cụ thể, kiểm soát tình trạng tranh chấp nước giữa các HTX với nhau. Về việc nạo vét còn vướng cơ chế, quy định hiện hành, yêu cầu công ty, UBND huyện và các HTX trình lại và cùng nhau đề xuất một lần nữa để trên cơ sở đó UBND tỉnh xem xét phương án tốt nhất. Đối với việc sửa chữa nhỏ, đề nghị hàng năm, Công ty Thủy nông Đồng Cam với số vốn được phân bổ nhanh chóng tiến hành. Đối với việc sửa chữa lớn thì đề xuất UBND tỉnh tìm kiếm nguồn vì nguồn xử lý toàn tuyến là rất lớn.

 

Ông Trần Văn Hạt, Trưởng Ban Pháp chế, Trưởng đoàn khảo sát đề nghị UBND huyện Tuy An cần có sự phối hợp chặt chẽ với Công ty Thủy nông Đồng Cam để duy tu, bảo dưỡng các đoạn kênh bị sạt lở, nạo vét khơi thông dòng chảy trong thời gian chờ nâng cấp; chỉ đạo các HTX trên địa bàn 3 xã chủ động trong việc điều tiết nước giữa các cánh đồng, nhắc nhở người dân lấy nước đúng quy định. Đồng thời công khai minh bạch lịch cấp nước cho người dân biết…

 

PHONG NHÃ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek