Thứ Bảy, 12/10/2024 11:23 SA
Bạn nghề đi qua xứ Nẫu
Thứ Bảy, 18/06/2016 09:00 SA

Nghề phóng viên, đôi khi thật quá sức người. Thế nhưng đã mang lấy nghiệp thì phải “căng tai, căng mắt, căng chân”. Hơn 20 năm “trụ” ở khu vực Nam Trung Bộ, tôi có những bạn nghề tài hoa, dấn thân…

 

Phóng viên ảnh Lương Xuân Trường - Ảnh: CTV

ẢNH BÁO CHÍ PHẢI LÀ… BÁO CHÍ

 

Cuối năm 2014, nhà báo Lương Xuân Trường nhắn tin tôi là đã rời Báo Nông Thôn Ngày Nay để chuyển sang Tạp chí Nông Thôn Mới. Với chuyên nghề của một phóng viên ảnh và là cây bút gạo cội, tôi hiểu ở đâu anh cũng làm tốt công việc của mình. Từng công tác ở Thông tấn xã Việt Nam, rồi Báo Tuổi Trẻ, đối với Xuân Trường không có “báo nhỏ báo to”, chỉ có năng lực của người làm nhỏ hay lớn.

 

Cách đây khoảng 20 năm, anh em làm báo ở Phú Yên xuýt xoa khi có một phóng viên “đen đen, cục cục” từ Hà Nội vào để theo tàu câu cá ngừ đại dương. Ấy là thời điểm nghề câu xa bờ này bắt đầu bùng phát; ngư dân đột phá được hướng thu khá trên những con tàu ọp ẹp lênh đênh dài ngày. Vốn đã có thương hiệu “lăn lộn” ở nhiều ngóc ngách đất nước, Xuân Trường xách gói đồ nghề “khỏe không” lên tàu xa bờ cùng ngư dân. Quả thật, bạn nghề nhìn nhau khá khắt khe nhưng ai cũng “lác mắt” trước sự “chịu chơi” của Xuân Trường. Anh còn nhiều lần nữa theo tàu cùng ngư dân giữa sóng cả bủa vây…

 

“Rất nhiều chuyến đi của mình không “dôi ra” về thu nhập, lại nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng mình thích thế. Muốn có một tấm ảnh giàu thông tin, đậm chất báo chí thì chỉ có con đường “3 cùng” với những phận đời. Tôi quan niệm: yếu tố hàng đầu của ảnh báo chí là tính trung thực. Trong nhiều trường hợp, chuyện cơm áo lớn hơn chữ nghề. Tin viết vội, ảnh chụp nhanh… trở thành năng lực sinh tồn của phóng viên, nhất là giai đoạn này, báo điện tử phát triển mạnh. Nhu cầu có những khuôn hình “hot” thường trực ép lên người cầm máy; điều kiện tác nghiệp, sống trong hiện tại khiến người ta dễ dối trá trong nghề”, Xuân Trường nhấn mạnh.

 

Mãi đến gần đây, tôi mới biết Xuân Trường là con trai của nhiếp ảnh gia chiến tranh lừng danh Lương Nghĩa Dũng. Và tôi thầm nghĩ “đúng là con nhà tông…”. Vừa rồi, tôi bấm điện thoại thì biết anh đang lang thang với máy ảnh và cây bút ở vùng núi Tây Bắc. Mộc mạc, chân tình, anh thổ lộ: “Chẳng tết nào tớ ở Hà Nội, hai chữ “đi” và “chụp” đã ám vào đời tớ rồi…”.

 

Nhà báo Lương Ngọc An - Ảnh: CTV

NHÀ THƠ LANG BẠT…TÌM BÁO

 

Nhắc đến chuyện viết bài theo tàu câu cá ngừ đại dương Phú Yên, không thể không nhắc đến một… nhà thơ, đó là Lương Ngọc An - người nắm 2 giải đầu bảng trong cuộc thi bút ký, phóng sự của Báo Lao Động và Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Hai giải thưởng này là kết quả của chuyến chu du cùng ngư dân đánh bắt xa bờ. Ban đầu, nghe danh anh là một nhà thơ ở Văn Nghệ Trẻ, lại dân gốc Hà Nội, ai nấy đều chẳng tin anh dám leo lên tàu cá gian nan xa đất liền hàng tháng ròng. Thế nhưng anh đi thật…

 

Chính Lương Ngọc An thuật lại: Khi biết tôi có ý định theo tàu đi câu cá ngừ đại dương, bạn bè ở Phú Yên nhìn từ đầu đến chân rồi bảo: "Sức mấy ông chịu nổi. Trước đây đã có hai tay phóng viên đi một chuyến rồi; say sóng chỉ là một chuyện, nhưng coi chừng buồn lắm đó. Nhưng ông đã có tiền chưa?". “Tiền gì vậy?" - "Tiền đặt cọc. Dân biển ở đây có quy định mỗi người lạ xuống tàu đều phải đặt cọc từ 10-15 triệu đồng. Đó là khoản tiền đủ chi phí cho một chuyến biển; phòng khi ông đau ốm hoặc say sóng phải bỏ dở chuyến đi để đưa ông vào bờ thì ông sẽ phải chịu toàn bộ khoản chi phí đó...". Thôi thì đã chơi, chơi tới bến. Sẵn có chiếc xe máy đem theo, nay xuống biển không cần nữa, đặt luôn. Cũng may mà được chấp nhận. Ông Bảy Sót, chủ tàu, bảo: "Cốt là để chú phải lượng sức mình và có thêm trách nhiệm với anh em thôi...". Nhưng khi được biết tôi từng là lính xe tăng, lại cũng từng "hành quân" ra tới Trường Sa thì ông cười thật to và vỗ mạnh vào vai tôi: "Được!"...

 

Thế rồi Lương Ngọc An đã “vô tư” sống cùng những gian khó của ngư dân lấy biển làm nhà. Rồi tiếp đó là những chuyến đi dài ngày nơi ngun ngút núi đèo Tây Bắc, Tây Nguyên, Quảng Trị, Quảng Nam…, với những ký sự tràn chất sống lãng mạn. Giờ này, làm Thư ký tòa soạn Báo Văn Nghệ, An vẫn không thể bỏ được “tật” đi với những ký sự thấm đẫm tình đất, tình người.

 

Nhà báo Nguyễn Hồng Lam - Ảnh: CTV

“NGƯỜI CỦA GIANG HỒ”

 

Tôi chả thấy gì lăn tăn khi Nguyễn Hồng Lam lấy hiệu trên mạng là “Người của giang hồ”, bởi hành trình dấn thân, nếm trải và những loạt tác phẩm báo chí, văn chương hấp dẫn, ăm ắp chất liệu cuộc đời. Đơn giản hơn, ấy là tựa của tập truyện trinh thám hình sự đình đám của cây bút ký sự Báo An ninh Thế giới Văn nghệ Công an do NXB Công an nhân dân ấn hành (2004-2006). Niềm đam mê nghề báo đã giúp anh có trong tay một “bộ sưu tập” khá độc đáo và lý thú về các nhân vật giang hồ lừng danh đất miền Nam thế kỷ XX.

 

Có thể bắt đầu bằng một vẻ đẹp hư ảo của huyền thoại. Có thể bắt đầu bằng một dấu vết tưởng chừng tầm thường, nhạt nhòa, chìm khuất trong đời sống. Nhưng với Nguyễn Hồng Lam thì huyền thoại ấy, dấu vết ấy đã ám ảnh anh không ngừng. Tất nhiên, sự ám ảnh ấy không phải để anh ngẫu hứng sáng tác mà tạo cho anh sức hấp dẫn để “truy tìm”, nhận diện nhân vật giang hồ như: Sơn Vương Trương Văn Thoại, Đại Cathay, Sơn Đảo, Lâm chín ngón, Điền Khắc Kim, Tín Mã Nàm… Mỗi nhân vật, mỗi tính cách, số phận khác nhau đã được Nguyễn Hồng Lam phục hiện gần như toàn bộ một cách sống động và hấp dẫn.

 

Thế nhưng “giang hồ, hình sự” chỉ là một phần “mực” của ngòi bút Nguyễn Hồng Lam. Anh đã có biết bao chuyến băng rừng lội suối, đến những nơi tận cùng heo hút để tìm gặp và “nói dùm” những thân phận tuyệt cùng bi thương. Rất nhiều tác phẩm của cây bút đầy nội lực này đã lay động trái tim biết bao bạn đọc, kết nối những tấm lòng thơm thảo. Lặng lẽ đi, lặng lẽ đến và những dòng thông tin ấm tình người đã nhen lên bao niềm tin cho những số phận tưởng như đã cùng đường. Trong ký sự “Mười năm, trở lại…”, Nguyễn Hồng Lam đã đưa bạn đọc trở về với những cảnh đời mà anh đã trực tiếp phản ánh. Từng con chữ reo vui với những cảnh ngộ đã được cộng đồng sẻ chia và tiếp thêm sức mạnh để vươn lên giữa cuộc mưu sinh. Trong đó, Nguyễn Hồng Lam không quên nhắc đến những thân phận ngặt nghèo, những chuyến tác nghiệp nhọc nhằn nhưng đầy cảm khái trên đất Phú Yên…

 

ĐÀO ĐỨC TUẤN 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek