Năm 2016 được tỉnh xác định là Năm Doanh nghiệp nên việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác cải cách hành chính, rút ngắn tối đa thời gian giải quyết thủ tục hành chính trên từng lĩnh vực, nhất là thủ tục liên quan đến người dân và doanh nghiệp là việc làm hết sức cần thiết.
NHANH CHÓNG, MINH BẠCH
Nhiều doanh nghiệp, cá nhân cho biết họ rất hài lòng với công tác tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một của liên thông hiện đại tại Sở KH-ĐT. Bởi phần mềm điện tử đã giúp giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân qua hệ thống CNTT, đáp ứng các yêu cầu công khai, giải quyết nhanh thủ tục hành chính, giảm thiểu chi phí đi lại, tăng cường tính kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng và người dân. Nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư của tỉnh còn đánh giá cao việc hiện đại hóa quy trình phối hợp liên thông giữa Sở KH-ĐT, Cục Thuế và Công an tỉnh trong cấp phép thành lập doanh nghiệp và hiện đại hóa quy trình quản lý thu nộp thuế giữa cơ quan Thuế - Kho bạc Nhà nước - Hải quan - Tài chính cùng cấp đã làm giảm đáng kể thời gian, thủ tục và chi phí của doanh nghiệp trong việc đăng ký kinh doanh và kê khai thuế.
Theo ông Lê Văn Thứ, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT, từ khi thực hiện đề án một cửa, một cửa liên thông đến nay, số thủ tục hành chính trễ hạn ngày càng giảm dần, đặc biệt số lượng thủ tục giải quyết trước hạn ngày càng tăng, nhất là thủ tục đăng ký kinh doanh được giải quyết trong vòng 3 ngày; cấp đăng ký doanh nghiệp chủ yếu trên môi trường mạng. Bước đầu đạt mục tiêu văn minh, lịch sự, hiện đại, hoạt động chuyên nghiệp, đảm bảo điều kiện cho sự phối hợp chặt chẽ giữa sở với các cơ quan, ban, ngành, địa phương trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên thông. Đồng thời giúp các tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm hiểu tình hình đầu tư, xúc tiến đầu tư và doanh nghiệp…
Các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, điều hành và bước đầu giải quyết một số thủ tục hành chính. Theo ông Nguyễn Văn Danh, Phó Chủ tịch UBND xã An Hải (huyện Tuy An), việc ứng dụng CNTT trong công tác hành chính vừa thuận lợi cho cán bộ, công chức vừa hữu ích cho các cá nhân, tổ chức. Nhờ việc kết nối internet mà nhiều văn bản được chỉ đạo, triển khai kịp thời. Còn người dân thì phấn khởi vì các thủ tục được giải quyết nhanh, thường chỉ trong ngày tại bộ phận một cửa. Còn ông Bùi Thanh Thành ở thị trấn Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa), cho biết: “Ngày trước, tôi đi làm các thủ tục cho một chiếc xe máy mới mua rất là rườm rà, còn bây giờ chỉ lên bấm trên máy một cái rồi ngồi chờ là có ngay, tiện ích lắm”.
Theo ông Lê Văn Trúc, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, việc ứng dụng CNTT trong công tác cải cách hành chính đã rút ngắn tối đa thời gian giải quyết thủ tục hành chính trên từng lĩnh vực, nhất là thủ tục liên quan đến người dân và doanh nghiệp, góp phần thực hiện nhiệm vụ “Nâng cao các chỉ số PCI, PAPI, tạo môi trường đầu tư cởi mở và lành mạnh”. Việc ứng dụng CNTT tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp cũng như nâng cao mức độ hài lòng của người dân đối với các dịch vụ do bộ máy nhà nước cung ứng. Đồng thời giúp cơ quan chính quyền các cấp đổi mới, làm việc có hiệu lực, hiệu quả và minh bạch hơn; cung cấp thông tin, dịch vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp và các tổ chức; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện quyền dân chủ và tham gia quản lý nhà nước.
CẦN ĐẦU TƯ ĐỒNG BỘ
Theo ông Đào Đình Khả, Vụ trưởng Vụ CNTT (Bộ TT-TT), CNTT đã và đang mang lại những thay đổi to lớn trong đời sống kinh tế - xã hội. Nhận thức được tầm quan trọng này, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách quan trọng về CNTT. Theo đó, bước đầu Phú Yên cũng quan tâm đến việc đầu tư cho ứng dụng và phát triển CNTT. “Nếu chúng ta ứng dụng CNTT tốt sẽ giúp các doanh nghiệp dễ dàng đến với Phú Yên, biết được nhu cầu, chiến lược, các quy trình hành chính, các thủ tục thì sẽ mạnh dạn đầu tư. Bản thân lãnh đạo tỉnh tập trung đầu tư CNTT tốt cũng rất dễ dàng trong việc quyết định cho một dự án, ý định của các nhà đầu tư”, ông Khả chia sẻ.
Theo ông Lê Tỷ Khánh, Phó Giám đốc phụ trách Sở TT-TT, thực tế hiện nay trên địa bàn tỉnh, việc triển khai ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước vẫn còn bất cập, chưa đáp ứng tốt yêu cầu cải cách hành chính. Một số vấn đề trong quy hoạch CNTT của tỉnh đã lạc hậu, không còn phù hợp. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí đầu tư CNTT không tập trung nên dẫn đến tình trạng đầu tư manh mún, dàn trải, không thống nhất, không hiệu quả. Tình trạng sử dụng các phần mềm dùng chung mỗi sở, ngành, huyện, thị, thành phố đều khác nhau, chưa “dùng chung” và liên thông với nhau và với UBND tỉnh. Cán bộ, công chức thường xuyên sử dụng hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh trong công việc chiếm tỉ lệ thấp (chỉ khoảng 30%). Theo quy định của tỉnh và một số quy định của Chính phủ thì tất cả các đơn vị quản lý hành chính sẽ thực hiện công khai, minh bạch những việc mình làm qua trang thông tin điện tử. Điều này rất đúng. Tuy nhiên, do một số vấn đề về hạ tầng, nhân lực nên một số trang sau khi thành lập nhưng không cập nhật thông tin, chất lượng cung cấp thông tin trên trang còn hạn chế, thông tin cập nhật chưa kịp thời, nhất là thông tin về giải quyết thủ tục hành chính. Điều này gây lãng phí khá lớn. Tình trạng lãng phí trong việc đầu tư thành lập các trang thông tin điện tử, UBND tỉnh đã có nhắc nhở. Sắp tới, sở sẽ tham mưu UBND tỉnh kiểm tra tất cả các trang này, yêu cầu phải cập nhật thường xuyên và công khai thông tin của đơn vị lên trang thông tin để người dân được biết. Đồng thời trong thời gian tới, sở có một chương trình xây dựng khung chính quyền điện tử, khi ấy toàn tỉnh sẽ có một khung thống nhất, đồng bộ trong các sở, ban, ngành…
Năm nay tỉnh xác định là Năm Doanh nghiệp và CNTT sẽ là phương tiện đắc lực hỗ trợ các doanh nghiệp. Trong đó, chú trọng công khai, minh bạch thông tin về quản lý nhà nước, cải cách hành chính giúp doanh nghiệp nắm bắt và thực hiện nhanh, đúng. Thực tế lâu nay do nguồn kinh phí có hạn nên gây ra nhiều khó khăn về vấn đề đầu tư phần mềm, phần cứng và đồng bộ thiết bị nên Sở TT-TT tiếp tục tham mưu UBND tỉnh có lộ trình đầu tư.
Để cải thiện những khó khăn mà Phú Yên đang gặp phải, cần sự cố gắng từ nhiều hướng, có một kế hoạch chung và sự đồng nhất. Đồng thời, các doanh nghiệp, sở, ngành cũng phải chủ động cùng ngồi với nhau xác định nhu cầu và khả năng thì mới tăng hiệu quả. Ứng dụng CNTT là cung cấp thông tin, nếu chúng ta có một ứng dụng duy nhất cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thì qua đó họ có những thông tin cần thiết. Cần tích hợp các yếu tố: môi trường, thế mạnh, cơ cấu dân số, con người… của Phú Yên bằng một cái lick chuột thì sẽ tạo ra những đột phá trong phát triển.
Ông Đào Đình Khả, Vụ trưởng Vụ CNTT (Bộ TT-TT) |
PHONG NHÃ