Ông Nguyễn Nhàn, thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống tệ nạn xã hội - ma túy, mại dâm tỉnh, cho biết: Ủy ban quốc gia Phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm, Bộ LĐ-TB-XH vừa triển khai Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020 đến các địa phương.
Theo đó, trong giai đoạn 2016-2020, cả nước sẽ xây dựng và thực hiện thí điểm các mô hình phòng chống mại dâm, như: giúp người hoạt động mại dâm trong cộng đồng và trung tâm công tác xã hội, mô hình về trợ giúp pháp lý; câu lạc bộ đồng đẳng; kiên quyết triệt phá, đấu tranh loại bỏ bóc lột tình dục, hoạt động tình dục...
Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020 lấy phòng ngừa làm trọng tâm trong công tác phòng, chống mại dâm. Chương trình chú trọng đến các giải pháp mang tính xã hội nhằm giảm tác hại do hoạt động mại dâm gây ra đối với đời sống xã hội; tăng cường xây dựng các thể chế nhằm bảo vệ quyền con người, tăng khả năng tiếp cận của các nhóm yếu thế (người bán dâm, nạn nhân bị mua bán vì mục đích mại dâm) vào hệ thống an sinh xã hội; từng bước xã hội hóa cơ chế, chính sách huy động sự tham gia của các tổ chức cộng đồng và các thiết chế xã hội vào công tác phòng ngừa mại dâm. Đồng thời, chương trình hướng đến việc tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội trong công tác phòng, chống mại dâm, giảm thiểu tác hại của hoạt động mại dâm đối với đời sống xã hội.
Mục tiêu cụ thể đặt ra đối với chương trình này giai đoạn 2016-2020 là đến năm 2017 đạt 50% và năm 2020 đạt 100% các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch lồng ghép và tổ chức, thực hiện nhiệm vụ phòng chống mại dâm với các chương trình kinh tế - xã hội tại địa phương. Theo kế hoạch, các bộ, ngành Trung ương sẽ tập trung vào việc rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm theo chức năng, nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ phân công; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về mại dâm và phòng, chống mại dâm; xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh, không có tệ nạn mại dâm; phòng ngừa và giảm thiểu tác hại của tệ nạn mại dâm đối với đời sống xã hội…
Đối với các địa phương, UBND các cấp phải đưa công tác phòng, chống mại dâm trở thành một trong các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; chỉ đạo thực hiện lồng ghép công tác phòng chống mại dâm với các chương trình an sinh xã hội ở địa phương. Đối với các địa phương, Bộ LĐ-TB-XH đề nghị cần tăng cường tổ chức nắm tình hình, điều tra cơ bản về địa bàn, đối tượng tổ chức hoạt động mại dâm; đấu tranh các chuyên án về tội phạm liên quan đến hoạt động mại dâm. Đáng chú ý, các tỉnh, thành cần xây dựng và thực hiện thí điểm 3 mô hình theo Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020.
KIM CHI