Trong khi học sinh ở các trường học của tỉnh được thụ hưởng đầy đủ dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, nhân viên y tế học đường được trả thù lao công việc theo đúng quy định thì tại huyện Đông Hòa trong suốt năm học 2015-2016, hàng chục ngàn học sinh lại không được thụ hưởng dịch vụ y tế - dù có tham gia bảo hiểm y tế; còn nhân viên y tế học đường bị nợ tiền thù lao công việc, khiến họ bức xúc phải nghỉ việc.
Ông Lê Tấn Sang, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Đông Hòa, cho biết: Sự việc xảy ra là do quá trình thực hiện Thông tư liên tịch 41/2014 của Bộ Tài chính và Bộ Y tế gặp nhiều vướng mắc. Dù Phòng GD-ĐT huyện đã làm việc với đại diện Bảo hiểm xã hội, báo cáo sự việc lên UBND huyện và Sở GD-ĐT để có hướng giải quyết, nhưng đến nay vẫn chưa được tháo gỡ, gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của học sinh và nhân viên y tế.
Chỉ với quyết định bố trí nhân viên y tế học đường này, bà Nguyễn Thị Liễu đã làm việc từ năm 2002, nhưng hiện nay cả ngành Bảo hiểm xã hội lẫn GĐ-ĐT không công nhận bà thuộc biên chế của ngành - Ảnh: Q.THUẦN |
NHÂN VIÊN Y TẾ: NGUY CƠ MẤT TRẮNG TIỀN THÙ LAO
Ông Đặng Lê Tiến, Giám đốc Sở Nội vụ Phú Yên, cho biết: “Việc tạm dừng tuyển dụng viên chức chuyên trách làm công tác y tế tại các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập là theo sự chỉ đạo của Chính phủ và UBND tỉnh nhằm kiện toàn, tăng cường hiệu quả công tác y tế trường học. Quyết định này áp dụng từ tháng 4/2015 đến nay”. |
Với tấm bằng trung cấp điều dưỡng, năm 1997, bà Nguyễn Hoàng Ngọc Diễm được Bảo hiểm y tế Phú Yên ký hợp đồng làm nhân viên y tế học đường tại Trường tiểu học số 2 Hòa Vinh. Từ năm học 2014-2015 trở về trước, thù lao công việc của bà Diễm tại trường này được trả từ việc trích một phần kinh phí của 12% tổng số thu bảo hiểm y tế do học sinh đóng được Bảo hiểm xã hội chuyển cho trường mua sắm thiết bị y tế phục vụ việc sơ cứu ban đầu cho học sinh. Tiền thù lao phụ thuộc vào số lượng học sinh tham gia bảo hiểm y tế của từng năm học. Tuy nhiên, từ năm học 2015-2016, khi Bảo hiểm xã hội huyện Đông Hòa thực hiện Thông tư liên tịch 41/2014 hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế thì bà Diễm không được chi trả tiền thù lao cho công việc này - dù hàng ngày bà vẫn đến phòng y tế của trường để làm việc.
Bức xúc trước sự tắc trách này, hơn 1 tháng trước khi Trường tiểu học số 2 Hòa Vinh tổng kết năm học 2015-2016, bà Diễm không làm công việc này nữa và phòng y tế của trường đóng cửa. Đến nay, bà Diễm vẫn không biết cơ quan nào trả khoản thù lao công việc nhân viên y tế cho bà suốt năm học qua.
Cùng tình cảnh như bà Diễm, y sĩ Nguyễn Thị Liễu, làm nhân viên y tế học đường tại Trường tiểu học số 2 Hòa Tân Đông và Trường THCS Hoàng Hoa Thám (xã Hòa Tân Đông) từ năm 2002, phải cầm đơn đi gõ cửa nhiều cơ quan nhờ xem xét việc chi trả tiền thù lao cho công việc y tế học đường của bà trong năm học 2015-2016, nhưng vẫn không có được câu trả lời xác đáng. Dù bà không nghỉ việc hẳn, nhưng cũng chỉ đến trường khi nhà trường có việc cần.
Hay như ông Trương Tứ Vinh - y tá quân y, được Bảo hiểm y tế Phú Yên ký quyết định điều động làm nhân viên y tế học đường tại Trường tiểu học số 1 Hòa Hiệp Bắc từ năm 2002. Đến năm học 2015-2016, ông làm nhân viên y tế học đường của ba trường, gồm: tiểu học số 1, tiểu học số 2 Hòa Hiệp Bắc và Trường THCS Trường Chinh, thế nhưng suốt năm học vừa qua, ông cũng không nhận được một đồng thù lao nào từ công việc này.
Bà Diễm trải lòng: “Làm nhân viên y tế học đường vất vả nhất là những đợt có dịch bệnh. Mỗi ngày, chúng tôi phải sơ cứu cho nhiều học sinh bị bệnh, rồi liên lạc với gia đình đưa các em đi điều trị ở các cơ sở y tế. Khi tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân, trường đặt áp lực cho các giáo viên và nhân viên y tế học đường phải thu đủ số học sinh tham gia bảo hiểm y tế và lập danh sách để gửi lên Bảo hiểm xã hội huyện. Tuy vậy, do có nhiều năm gắn bó với công việc nên tôi không nề hà gì. Chỉ có điều tôi nhận thấy mình không được quan tâm đúng mức khi mà chẳng thấy cơ quan nào lên tiếng!”.
Theo ông Nguyễn Xuân Vỹ, Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Đông Hòa, từ sau năm 2002, khi Bảo hiểm y tế và Bảo hiểm xã hội sáp nhập thành một đơn vị (Bảo hiểm xã hội - PV) thì đơn vị này không còn hợp đồng với nhân viên y tế tại các trường học trên địa bàn huyện Đông Hòa nữa, nên không có trách nhiệm trả lương cho những người này. Trong khi đó, lãnh đạo các trường học cũng khẳng định, trường không ký hợp đồng lao động với nhân viên y tế, vì vậy không có trách nhiệm trả lương cho họ.
“Theo quy định của Thông tư 41/2014, Bảo hiểm xã hội trích lại cho các trường học 7%/tổng số thu bảo hiểm y tế để các trường mua sắm thiết bị y tế phục vụ việc sơ cứu ban đầu cho học sinh. Số tiền này tuyệt đối không được sử dụng vào việc trả thù lao cho nhân viên y tế học đường”, ông Vỹ khẳng định.
Ông Lê Tấn Sang cho biết, Phòng GD-ĐT huyện đang quản lý 41 trường học từ bậc mầm non đến THCS. Tuy nhiên, hiện chỉ có 16 nhân viên y tế học đường làm việc tại 31 trường tiểu học và THCS (có nhân viên y tế làm việc tại 2-3 trường - PV); 10 trường mầm non, tất cả đều không có nhân viên y tế. Trong số này chỉ 7 người có trình độ phù hợp làm nhân viên y tế học đường.
QUYỀN LỢI CỦA HỌC SINH BỊ BỎ RƠI
Thông tư liên tịch 41/2014 quy định, để được trích khoản kinh phí 7%/tổng số thu bảo hiểm y tế, các trường phải ký hợp đồng với nhân viên y tế có trình độ chuyên môn từ trung cấp y trở lên, có cơ sở vật chất đảm bảo cho hoạt động y tế. Tuy nhiên, theo Bảo hiểm xã hội huyện Đông Hòa, qua khảo sát tại các trường học ở địa phương này, phần lớp nhân viên y tế không tốt nghiệp trung cấp y; cơ sở vật chất không đảm bảo cho hoạt động y tế ban đầu. Chính vì vậy, dù năm học 2015-2016 đã kết thúc, nhưng đến nay Bảo hiểm xã hội vẫn chưa thể chuyển số tiền này cho các trường. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các trường không có kinh phí để mua sắm thiết bị y tế phục vụ việc sơ cứu ban đầu cho hơn 21.600 học sinh từ bậc mầm non đến THCS - dù những học sinh này có tham gia bảo hiểm y tế.
Để “chữa cháy” cho tình trạng này, một số lãnh đạo trường học phải linh động dùng kinh phí khác để tạm ứng cho việc mua sắm thiết bị y tế. Ông Nguyễn Hữu Trung, Hiệu trưởng Trường tiểu học số 1 Hòa Vinh, cho biết: “Để đảm bảo quyền lợi của học sinh khi tham gia bảo hiểm y tế, trong khi chờ kinh phí của Bảo hiểm xã hội trích chuyển, nhà trường phải sử dụng nguồn kinh phí khác để mua sắm các loại thuốc, thiết bị y tế phục vụ trong năm học 2015-2016”.
Tuy nhiên, do không được trả thù lao nên nhân viên y tế ở trường này thường xuyên vắng mặt, khiến việc sơ cứu ban đầu khi học sinh không may gặp tai nạn, hay bệnh sốt thông thường không được kịp thời, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của học sinh.
Tương tự, tại Trường THCS Hoàng Hoa Thám (xã Hòa Tân Đông), Trường THCS Trường Chinh (xã Hòa Hiệp Bắc), lãnh đạo các trường này cũng phải dùng các khoản kinh phí khác để mua sắm thiết bị y tế phục vụ trong năm học vừa qua. Tuy nhiên, dù có thuốc, có thiết bị y tế, nhưng học sinh các trường này cũng không thể thụ hưởng trọn vẹn dịch vụ y tế mà đáng lẽ ra các em được hưởng, khi mà nhân viên y tế không còn toàn tâm toàn ý cho công việc.
Ông Lê Tấn Sang bức xúc: “Nói là tạm ứng kinh phí cho y tế học đường, chứ khó khăn lắm, vì kinh phí cấp cho mỗi trường đều sử dụng vào từng mục đích cụ thể cả rồi. Lấy đâu ra tiền mà tạm ứng cho y tế, chăm sóc sức khỏe cho học sinh”. Cũng theo ông Sang, nếu bây giờ Bảo hiểm xã hội có trích chuyển 7%/tổng số thu bảo hiểm y tế thì một số trường cũng không biết dùng vào việc gì, vì năm học đã kết thúc.
Trong khi đó, ông Vỹ lại cho rằng, nếu khoản quỹ 7% các trường không sử dụng thì sẽ chuyển trả lại cho Bảo hiểm xã hội để nhập vào Quỹ Bảo hiểm y tế chung. Đây là thiệt thòi lớn đối với học sinh mà ai cũng thấy.
VẪN CHƯA CÓ LỜI GIẢI
Trước sự việc trên, Phòng GD-ĐT huyện Đông Hòa có văn bản báo cáo lên UBND huyện để có hướng giải quyết. Báo cáo gửi cho UBND huyện Đông Hòa do ông Lê Tấn Sang ký, nêu rõ: Hiện tại, Phòng GD-ĐT huyện không quản lý nhân viên y tế học đường nào. Nhân viên y tế học đường hiện có là do Bảo hiểm xã hội tỉnh, huyện hợp đồng, điều động từ những năm trước đây và một số trường tự hợp đồng. Trong khi đó, theo quy định của Bộ GD-ĐT, y tế học đường là một trong những tiêu chí để xây dựng trường chuẩn quốc gia, nhưng Sở Nội vụ tỉnh lại có công văn yêu cầu tạm dừng việc tuyển dụng người, nên đa số các trường học trong huyện khuyết vị trí này. Điều này dẫn đến các trường đạt chuẩn quốc gia đề nghị công nhận lại, hoặc đề nghị công nhận mới trường chuẩn quốc gia sẽ không đạt tiêu chí về y tế.
“Hiện tại, Đông Hòa đang có 41 trường học từ bậc mầm non đến THCS, vì vậy nhu cầu nhân viên y tế các trường đang cần là 41 người (mỗi trường một nhân viên). Trước tình hình này, chúng tôi đề xuất huyện có kế hoạch tuyển dụng nhân viên y tế học đường theo quy định và chỉ đạo thực hiện đúng quy định tại Thông tư liên tịch 41/2014 về hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế”, ông Sang nói.
Theo đề xuất của Phòng GD-ĐT huyện Đông Hòa thì những nhân viên y tế làm việc lâu nay tại các trường học ở địa phương này sắp tới phải nghỉ việc, do không có trình độ phù hợp. Còn theo công văn của Sở Nội vụ Phú Yên thì UBND huyện Đông Hòa lại không được phép tuyển viên chức chuyên trách là công tác y tế. Vì vậy, nguy cơ trong năm học 2016-2017 tới, các trường học sẽ không có nhân viên y tế học đường.
Ông Lê Tấn Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa, nói: Huyện đã tổ chức họp bàn vấn đề này, nhưng vẫn chưa tìm ra lời giải cho bài toán y tế học đường theo Thông tư liên tịch 41/2014 của Bộ Tài chính và Bộ Y tế.
Nếu không có giải pháp sớm tháo gỡ những vướng mắc trong y tế học đường thì e rằng bước vào năm học 2016-2017, các trường học ở Đông Hòa sẽ không có người đảm trách công việc này. Các trường học cũng không đạt tỉ lệ 100% học sinh tham gia bảo hiểm y tế theo như chỉ đạo của UBND tỉnh. Đặc biệt là quyền lợi của học sinh khi tham gia bảo hiểm y tế không được đảm bảo, khi các trường không được trích kinh phí mua sắm thiết bị y tế.
Ông Nguyễn Xuân Vỹ, Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Đông Hòa |
QUANG THUẦN - THÁI HÀ