Thời gian qua, cùng với lãnh đạo, thực hiện tốt các mặt công tác, Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Đồng Xuân đã tập trung vận động hội viên chăm lo phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống của người dân nói chung và hội viên CCB nói riêng.
Với 1.664 hội viên sinh hoạt trong 16 cơ sở hội, nhiều năm nay, qua các đợt bình xét, 100% tổ chức Hội CCB ở Đồng Xuân đã đạt trong sạch vững mạnh; gần 99% hội viên đạt danh hiệu gương mẫu; gần 98% gia đình hội viên đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Năm 2015, Hội CCB huyện Đồng Xuân được Trung ương Hội CCB Việt Nam tặng bằng khen. |
HƯỚNG DẪN CÁCH LÀM ĂN
“Chúng tôi luôn xác định việc phát triển kinh tế ở vùng miền núi có những thuận lợi nhưng đồng thời gặp không ít khó khăn. Vì vậy, trước hết, Hội phải làm tốt công tác tuyên truyền trong toàn hội viên. Thông qua các buổi họp, Ban Chấp hành Hội các cấp thường xuyên đưa ra nhiều mô hình phát triển kinh tế để hội viên trao đổi, rút kinh nghiệm”, Chủ tịch Hội CCB huyện Đồng Xuân Đoàn Cảnh Mai cho biết.
Bên cạnh tổ chức học tập, quán triệt đầy đủ các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế đối với vùng miền núi, hàng năm, Hội còn tổ chức cho hội viên tham gia các lớp tập huấn, tham quan các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi để hội viên học tập, rút kinh nghiệm. Cụ thể, năm 2015, Hội đã tổ chức cho hội viên tham gia 3 đợt tham quan các mô hình kinh tế trang trại ở các huyện Sơn Hòa, Sông Hinh. Song song đó, các thành viên trong Ban Chấp hành Hội luôn nêu cao tính tiên phong gương mẫu, vận động hội viên phát huy bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, nâng cao ý chí tự lực tự cường, khắc phục khó khăn trong cuộc sống, phát triển kinh tế, xóa đói nghèo. Trong các buổi sinh hoạt, các cấp hội ở cơ sở đề ra nhiều chương trình sinh hoạt rất thực tế để hội viên thảo luận như trồng cây gì, nuôi con gì cho phù hợp với thổ nhưỡng vùng miền núi của huyện. Tiếp nữa là việc chọn giống, chăm sóc như thế nào để đạt hiệu quả kinh tế cao, ít tốn công, lãng phí sức lao động, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường.
Không chỉ triển khai đến các cơ sở hội, Ban Chấp hành Hội CCB huyện còn thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời giúp hội viên tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.
NHIỀU MÔ HÌNH KINH TẾ HIỆU QUẢ
Hiện nay, hội viên Hội CCB huyện Đồng Xuân sở hữu 15 trang trại và gia trại, chủ yếu là chăn nuôi bò, heo kết hợp với trồng rừng mang lại thu nhập cao. Từ các mô hình kinh tế này, các hội viên CCB đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 150.000-170.000 đồng/người/ngày. Nhiều hội viên như: Phan Văn Phúc (xã Xuân Quang 3), Lê Văn Thanh (xã Xuân Quang 1), Mang Kỷ, Mang Xíu (xã Xuân Lãnh)… thu nhập từ 350-500 triệu đồng/năm, từ đó làm thay đổi tư duy làm ăn của hội viên và người dân địa phương. Đặc biệt, hội viên Nguyễn Văn Hùng (xã Đa Lộc), từ CCB nghèo đã trở nên giàu có, thu nhập ổn định nhờ mô hình nuôi heo trên nệm lót sinh học kết hợp trồng rừng cho thu nhập trên 500 triệu đồng/năm. Ông Hùng cho biết: “Tôi thấy phát triển kinh tế bằng mô hình này rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của các vùng miền núi. Nhờ đó, hội viên chúng tôi có thu nhập cao, tạo điều kiện để anh em, đồng chí, đồng đội có việc làm, ổn định cuộc sống”.
Theo ông Đoàn Cảnh Mai, nhờ phát huy hiệu quả của việc phát triển kinh tế từ các trang trại đã góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo trong toàn Hội từ 16,3% xuống còn 11,34% vào cuối năm 2015. Đời sống vật chất tinh thần của hội viên ngày càng được nâng cao. Kinh tế phát triển, công tác an sinh xã hội luôn được toàn hội chú trọng thực hiện. Riêng năm 2015, Hội đã phối hợp với các cấp, ngành trên địa bàn thăm và tặng 106 suất quà tết cho hội viên CCB nghèo, bị ốm đau, bệnh tật với tổng trị giá trên 40 triệu đồng; vận động, đóng góp xóa 16 nhà ở tạm cho hội viên nghèo, đến nay, toàn Hội không còn hội viên ở nhà tạm bợ. Hay như trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hội viên CCB huyện hiến gần 15.000m2 đất, hơn 1,5km tường rào, nhiều cây ăn quả và 2.450 ngày công lao động để làm đường bê tông nông thôn, góp phần cùng với địa phương đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
“Hội CCB huyện Đồng Xuân là một đơn vị tiêu biểu trong việc vận động hội viên phát triển kinh tế bằng mô hình nông lâm kết hợp. Nhờ vậy đã thiết thực góp phần xóa đói giảm nghèo trong hội viên, đồng thời đóng góp lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương”, Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh Nguyễn Thanh Xuyên nhấn mạnh.
HÀ THU - ĐẶNG SỸ