Những năm gần đây, nhiều nhà nông ở Bình Định vào các huyện miền núi Đồng Xuân, Sông Hinh, Sơn Hòa thuê đất trồng dưa hấu. Vào mùa thu hoạch, chủ dưa thường thuê nhân công địa phương gánh dưa từ ruộng ra đường lớn đưa lên xe chở đi tiêu thụ nên cần một lực lượng lao động khỏe mạnh.
Ở thôn Thạnh Đức (xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân) có một đội ngũ chuyên đi gánh dưa thuê như vậy. Vào mùa thu hoạch dưa hấu, những người này đi gánh dưa khắp các xứ đồng trong huyện đến các huyện Sông Hinh, Sơn Hòa, thậm chí lên tận Phú Túc (Gia Lai) để gánh thuê như một nghề mưu sinh. Anh Trần Quang Lý (41 tuổi) ở thôn Thạnh Đức, được biết đến như người tiên phong đi gánh thuê. Ban đầu, anh chỉ gánh thuê ở những ruộng gần, sau đó dò hỏi chủ dưa ở những xứ đồng huyện khác. Bây giờ, hễ có chỗ nào cần gánh dưa hay nông sản thuê là anh Lý cùng bầu bạn đều có mặt.
Đội gánh thuê của anh Lý có khoảng 30 người. Công việc của đội bắt đầu vào tầm 4 giờ chiều và kết thúc khi trời tối. Làm việc từ chiều mát đến xẩm tối trời đầy sương lạnh nhưng những người gánh dưa thuê như anh Lý, mồ hôi vẫn đổ như tắm. Sức nặng của đôi quang gánh trên vai làm khuôn mặt của những người gánh dưa thuê hằn thêm những nếp nhăn vất vả. Trung bình mỗi gánh dưa nặng hơn 50kg. Gánh được 1 tấn dưa mới được 100.000 đồng, cao điểm có đêm mỗi người gánh 5 tấn dưa mới được nghỉ. “Dù vất vả nhưng người gánh dưa thuê tụi tui phải nhẹ nhàng, khéo léo khi xếp từng quả dưa to, mọng vào giỏ và xếp ra điểm tập kết, tránh làm hỏng, trầy xước vỏ dưa để khỏi bịtrừ mất tiền công”, anh Lý quệt dòng mồ hôi chảy dài nói.
Thấy gánh thuê có tiền nên nhiều người trong thôn Thạnh Đức và các thôn khác cũng làm theo. Nhiều người làm, mối gánh thuê ngày càng ít, nên sự cạnh tranh giữa các nhóm gánh thuê ngày một tăng cao. Từ đó, các chủ ruộng dưa có cơ hội để cân, đo bên nào rẻ hơn thì thuê. Anh Lý tâm sự: “Việc kiếm mối gánh dưa ngày trước còn thư thả, bây giờ phải chạy đôn chạy đáo. Nhiều khi có tới 2-3 nhóm đến hỏi cùng một lần nên xảy ra tình trạng nhóm này đi nói xấu nhóm kia chỉ để giành mối gánh thuê”. Đi gánh thuê chủ yếu là những người đàn ông có sức vóc, khỏe mạnh, có khả năng gồng gánh những gánh dưa nặng trĩu. Những hôm trời khô ráo, dù có hơi nóng một chút nhưng người gánh dưa cũng may mắn hơn gặp ngày trời mưa. Vì hễ trời mưa là đường trơn trượt, người gánh dưa khổ trăm bề. Chuyện trượt chân té ngã, dưa rơi tung tóe, dập nát, bị chủ dưa trừ vào tiền công xảy ra thường xuyên. Những ngày cao điểm, gánh xong cũng đến gần sáng, cả người nhức mỏi, ê ẩm nhưng vì cơm áo mưu sinh, những người đàn ông gồng gánh, bán sức đôi vai lâu thành quen.
Ngồi thở hổn hển sau một quãng gánh liên tục, anh Võ Chí Công ở thôn Thạnh Đức, chia sẻ: “Một con người nhỏ bé mà gánh hàng tấn dưa đêm này qua đêm khác, nghĩ lại, tôi thấy lo lắng cho sức khỏe của chính mình. Nhưng với công việc này, người có sức và chịu khó làm thì có thu nhập đáng kể. Sau khi trừ chi phí đi lại, ăn uống kham khổ một chút, mỗi người còn khoảng 5-6 triệu đồng/tháng. Số tiền kiếm được phần nào giúp trang trải cuộc sống cho gia đình, nuôi con cái ăn học và một ít để dành...”.
THIÊN LÝ