Thứ Ba, 15/10/2024 20:23 CH
Tăng cường bình đẳng giới trong tham chính
Thứ Sáu, 22/04/2016 09:24 SA

Đó là một trong những thông điệp nhằm tăng tỉ lệ nữ tham chính được đưa ra tại hội thảo Định hướng truyền thông nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong Quốc hội và HĐND các cấp do Bộ LĐ-TB-XH, Ủy ban quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam và Chính phủ Australia phối hợp tổ chức mới đây.

 

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Trọng Đàm cho biết: Thực tế của Việt Nam trong hoạt động của Quốc hội và HĐND cho thấy mặc dù hiện nay, tỉ lệ đại biểu nữ còn phổ biến dưới 30%, nhưng các đại biểu nữ đã mang tới diễn đàn chính sách ở Trung ương cũng như địa phương những ý kiến và quan điểm thu hút sự quan tâm, chú ý về tầm quan trọng của vấn đề, về tác động xã hội, các góc nhìn về giới, các vấn đềcủa phụnữ, vấn đề môi trường, bạo lực gia đình, sinh kế, lao động, giáo dục, bảo vệ trẻ em, phát triển bền vững… Do đó, theo thứ trưởng, việc hỗ trợ nâng cao nhận thức của công chúng để phá vỡ định kiến cho rằng nam giới phù hợp với vị trí lãnh đạo hơn so với nữ giới là rất cần thiết.

 

Xét về khía cạnh đại diện, tham gia cơ quan dân cử là đại diện cho cộng đồng dân cư thuộc mọi tầng lớp xã hội, nghề nghiệp và giới tính. Phụ nữ chiếm tới hơn một nửa dân số thế giới và tỉ lệ này cũng đúng với nước ta. Vì vậy, phụ nữ càng phải tham gia vào cơ quan dân cử để có tỉ lệ đại diện bình đẳng với nam giới. Mặt khác, phụ nữ không thua kém nam giới vềnăng lực, nhất là năng lực trong công tác cộng đồng, tiếp xúc và thuyết phục. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nữ giới muốn có được tiếng nói quyết định thì cần có ít nhất 30% đại diện trong cơ cấu bộ máy nhà nước. Cũng chính vì vậy, chỉ tiêu tăng tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp là một chỉ tiêu đặc biệt quan trọng trong mục tiêu “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị” của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020. Đây cũng là thước đo quan trọng và cần có để đánh giá sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia trên thế giới.

 

Trong thời điểm cả nước đang hướng tới kỳ bầu cử Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, hội thảo được tổ chức là một sáng kiến rất có ý nghĩa nhằm trao đổi, chia sẻ, tìm ra cách thức truyền thông hiệu quả nhất để đạt được mục tiêu mong muốn.

 

Theo gợi ý của TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, trong thời điểm quan trọng này, các cơ quan truyền thông có thể tập trung tuyên truyền cụ thể đối với từng nhóm đối tượng, truyền thông sẽ góp phần nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong tham chính. Cụ thể như bảo đảm sự cân bằng về giới trong các cơ quan có quyền ra quyết định về bầu cử tại địa phương; tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong ủy ban bầu cửcác cấp tại địa phương; tránh xếp nữ ứng cử viên vào cùng những người ứng cử có khả năng trúng cử cao hơn; truyền thông góp phần nâng cao hiểu biết về vai trò, vị trí của phụ nữ trong bộ máy lãnh đạo, quản lý; giảm thiểu định kiến giới và tích cực ủng hộ phụ nữ tham chính. Đặc biệt đối với cử tri là nam giới, truyền thông cần xây dựng hình ảnh nam giới cùng gánh vác công việc gia đình, vợ chồng chia sẻ quyền ra quyết định đối với những việc quan trọng trong cuộc sống, nam giới và phụ nữ chia sẻ quyền ra quyết định tại cộng đồng và tại nơi làm việc. Và trách nhiệm của nữ cử tri phải tham gia bầu cử trực tiếp, không được “nhờ người đi bầu hộ”, đánh mất quyền, nghĩa vụ công dân của mình…

 

Thực tiễn cho thấy các thông điệp truyền thông liên quan đến bình đẳng giới nói chung và phụ nữ tham gia chính trị nói riêng hiện nay còn tập trung vào mô tả những khía cạnh tiêu cực như bạo lực gia đình; phụ nữ là lãnh đạo phải gánh thêm trách nhiệm do vừa phải cố gắng làm người lãnh đạo giỏi, vừa phải là người phụ nữ theo đúng chuẩn mực và phong cách truyền thống hoặc đưa ra các lời kêu gọi mang tính khẩu hiệu chỉ định. Mặc dù những thông tin như vậy cũng có đóng góp vào việc nâng cao nhận thức, tuy nhiên, sự lặp đi lặp lại những thông điệp như trên sẽ gây hiệu ứng ngược lại cho người đọc và trong nhiều trường hợp có thể tạo phản ứng ngược lại…

 

TRUNG KIÊN (Sở LĐ-TB-XH)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek