Thứ Bảy, 30/11/2024 14:38 CH
Làm ruộng thời nay
Thứ Sáu, 22/04/2016 13:00 CH

Nông dân TP Tuy Hòa thu hoạch lúa - Ảnh: PV

Những năm gần đây, nhờ đẩy mạnh cơ khí hóa trong lĩnh vực nông nghiệp, người làm nông không còn phải thức khuya dậy sớm, không phải đầu tư nhiều công sức, chi phí sản xuất giảm đáng kể, trong khi năng suất đạt cao hơn.

 

CƠ KHÍ HÓA LÊN NGÔI

 

Nếu như cách đây vài năm, cánh đồng lúa Tuy Hòa phải mất cả tháng trời để thu hoạch thì nay, nhờ có máy móc hiện đại, thời gian được rút ngắn hơn một nửa. Không chỉ giảm thiểu về mặt thời gian, cơ khí hóa trong nông nghiệp đã và đang giúp cho công việc nhà nông bớt phần vất vả và tiết kiệm chi phí hơn.

 

Trong trí nhớ của chàng sinh viên Nguyễn Văn Hội (thôn Hội Cư, xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa), mùa gặt thường sôi nổi khắp cả làng và kéo dài cả tháng trời với nhiều nỗi lo toan, vất vả. “Mới 2-3 giờ sáng, cả xóm đã thức giấc; điện ở các nhà bếp bật lên; tiếng xoong nồi lẻng xẻng; tiếng gọi nhau ra đồng... Những phụ nữ trong làng trở dậy, nấu cơm ăn lót dạ hay nhúng bánh tráng cuốn cơm nguội với cá kho để mang ra đồng. Có tiếng mở cửa ngõ và rồi chiếc xe đạp này nối đuôi chiếc kia, lọ mọ đi trong đêm tối làm cho đường cái giữa khuya chộn rộn hẳn lên. Ra đến cánh đồng, trời vẫn tối như bưng, nhưng mọi người bắt tay vào làm việc ngay. Đến gần sáng, những người cắt lúa gom lúa bó gánh vào góc ruộng để cộ bò kéo về sân phơi”, anh Hội nhớ lại. Thế nhưng, chàng thanh niên trẻ rất ngạc nhiên bởi lần đầu tiên sau 4 năm học đại học, anh trở về nhà đúng vào mùa gặt thì nhận ra không khí thu hoạch lúa ở làng quê đã đổi thay đáng kể. Anh vui vẻ nói: “Cứ nghĩ lần này về là “trúng mánh” rồi vì phải giúp ba mẹ gánh lúa, đập lúa, bốc vác, sẽ phải thức khuya dậy sớm, làm “trầy vi tróc vảy”, nhưng thật bất ngờ vì hầu hết các khâu thu hoạch lúa đều được cơ giới hóa, nhà nông cứ ngủ đẫy giấc cho đến khi chủ máy gặt đập liên hợp gọi ra đồng. Nhờ máy móc hiện đại, máy có thể vừa cắt, vừa tuốt, lại có người đứng trên máy cho lúa vào bao nên chỉ vài tiếng đồng hồ là từng bao lúa được xe cải tiến chở về nhà, chẳng cần phải chờ đợi máy tuốt, chẳng cần tranh giành sân phơi, không cần thức đêm canh lúa!”.

 

Cả đời gắn bó với mảnh ruộng, lão nông Lê Hậu (thị trấn Hòa Vinh, huyện Đông Hòa) vừa hớp ngụm trà vừa bàn về chuyện làm nông. Ông bảo cả đời làm nông, đến cái tuổi gần thất thập, chưa lúc nào ông thấy công việc nhà nông khỏe đến thế. Nhờ công nghiệp hóa, hiện đại hóa ứng dụng vào nông nghiệp, giờ đây làm việc gì cũng có máy móc công cụ hỗ trợ. Sạ cũng có máy sạ hàng, lúa mọc đều thẳng tắp, tiết kiệm giống, tiết kiệm công nhổ bỏ chỗ lúa dày. Công việc cấy dặm trước đây khó nhọc bây giờ đã có công cụ hỗ trợ là cuốc chỉa, giúp người làm nông không phải khom lưng, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Đến khi lúa chín, máy gặt đập liên hợp chạy một loáng trên ruộng là xong; đến cái xúc lúa cũng được cải tiến thật tiện lợi…

 

Còn ông Phạm Đình Tâm (xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa) rất phấn khởi khi cơ giới hóa không chỉ giảm thiểu sức lao động mà còn giúp tiết kiệm đáng kể chi phí thu hoạch lúa. Ông Tâm cho biết, nếu như thu hoạch theo kiểu thủ công, mỗi khẩu (450m2) ruộng cần 3 công cắt (mỗi công 50.000 đồng), một công gánh (mỗi công 100.000 đồng), khoảng 100.000-150.000 đồng tiền tuốt và kéo lúa về nhà thì khi sử dụng máy gặt đập liên hợp chỉ phải tốn 165.000 đồng và vài chục nghìn đồng cho chi phí vận chuyển lúa về nhà. Như vậy, nhờ cơ giới hóa, chi phí thu hoạch lúa đã giảm gần một nửa. Kèm theo đó, việc thất thoát lúa trong quá trình vận chuyển, gặt, đập cũng giảm thiểu đáng kể.

 

NGHỀ ĐAN NIA, THẮTGIÓNG MAI MỘT

 

Trước đây, để phục vụ cho sản xuất lúa, nhiều ngành nghề thủ công phát triển rất mạnh. Tuy nhiên, cùng với quá trình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, nhiều nghề đang dần mai một.

 

Không còn cắt lúa theo lối thủ công, những người cắt lúa cũng tìm công việc khác; nghề rèn câu liêm, thắt gióng, làm đòn gánh, nghề đan nia, thúng, rổ cũng dần thu hẹp, thậm chí không còn chỗ đứng. “Nghề làm nia, thúng mủng, thắt gióng… trước đây rất đắt hàng, nhưng giờ đây thì không thể tiếp tục. Trong xóm chỉ còn vài nhà làm công việc này, nhưng số lượng rất ít. Thôn Phú Khánh trước đây tập trung rất nhiều người làm nghề đan đát mây tre và nhà nào cũng ăn nên làm ra, nhất là vào mỗi vụ mùa thu hoạch lúa thì nay rất bình lặng. Tôi chỉ thấy tiếc là những nghề thủ công này rồi cũng tới lúc mai một theo thời gian”, bà Nguyễn Thị Sáo ở thôn Phú Khánh, xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa, chia sẻ.

 

Không chỉ làng nghề làm mây tre, mà vài năm trở lại đây, các lò rèn đồ sắt cũng trở nên hiu hắt khi mà chiếc lưỡi liềm, công cụ thiết thân của người làm nông giờ không còn nhiều nữa. Những chuyến xe chở đầy hàng đan đát từ mây tre chạy trên đường thôn xóm thường thấy mỗi khi vào vụ gặt giờ cũng vắng bóng. Ngay cả những người lỡ đầu tư mua máy tuốt lúa phun rơm thông thường, làm không kịp những năm trước thì bây giờ cũng phải bỏ xó vì máy gặt đập liên hợp hiện đại hơn, nhiều chức năng hơn và sẵn sàng đi đến tận chân ruộng xa xôi.

 

Anh Nguyễn Minh Hoàng, một thợ rèn trẻ tuổi ở xã Hòa Tân Đông, huyện Đông Hòa, cho biết: “Tôi theo nghề của gia đình nên bắt đầu làm nghề rèn từ khi mới mười tám, đôi mươi. Đến nay, sau hơn 10 năm gắn bó với nghề, tôi phải đi làm cho các công ty vì thu nhập từ nghề này không còn đủ để nuôi sống gia đình”.

 

Theo sự phát triển chung, ngày nay, nhiều máy móc, công cụ hiện đại phục vụ sản xuất nông nghiệp dần thay thế các công cụ thô sơ, giúp nông dân giải phóng sức lao động, giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất cây trồng. Cạnh đó, những ngành nghề thủ công phụ trợ, liên quan đến nông nghiệp đang mai một dần. Tuy nhiên, với bản tính siêng năng, cần cù, sáng tạo, người làng nghề vẫn sẽ tìm cách để lao động mưu sinh, phát triển kinh tế gia đình.

 

THÁI HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek