Nhiều năm qua, các chế độ, chính sách đối với công chức, viên chức ngành Y tế theo Nghị định 56 và Quyết định 73 luôn được tỉnh quan tâm triển khai. Qua đó ghi nhận sự đóng góp của cán bộ nhân viên toàn ngành, giúp họ an tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tuy nhiên, các văn bản này vẫn còn nhiều bất cập, cần được điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.
GHI NHẬN SỰ ĐÓNG GÓP
Theo báo cáo của Sở Y tế, thời gian qua, sở đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện tốt chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch theo Quyết định 73/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, Sở Y tế cũng triển khai trong toàn ngành và đã được Sở Nội vụ phê duyệt danh sách cán bộ, công chức, viên chức được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi nghề theo quy định của Nghị định 56/2011/NĐ-CP và Thông tư liên tịch 02/2012 của Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ.
Theo bà Nguyễn Thị Mộng Ngọc, Giám đốc Sở Y tế, Nghị định 56 và Quyết định 73 là những chính sách quan trọng ghi nhận sự đóng góp của cán bộ, công chức, viên chức ngành y. “Trong tình hình thiếu bác sĩ trầm trọng như hiện nay, chúng tôi càng quan tâm hơn để thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo điều kiện thuận lợi cho anh chị em cống hiến. Chính vì vậy, năm nào ngân sách nhà nước cấp đủ thì chi phí trả cho cán bộ, công chức, viên chức đầy đủ, nếu không thì sử dụng nguồn cải cách tiền lương tại đơn vị để chi trả phụ cấp đặc thù theo Quyết định 73. Những khi nguồn chi không đảm bảo, sở báo cáo UBND tỉnh, Sở Tài chính xem xét bố trí dự toán để chi. Còn với Nghị định 56, hiện sở đang gặp vướng mắc trong việc chi trả cho một số đối tượng”, bà Ngọc cho biết.
Bác sĩ chuyên khoa I Hồ Văn Thanh, Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, cho biết: “Bệnh viện chúng tôi chi trả hàng tháng theo Nghị định 56, đảm bảo đời sống cho cán bộ, công nhân viên chức và không có cá nhân nào khiếu nại, khiếu kiện. Tiền thủ thuật và các chế độ khác theo Quyết định 73 cũng được chi trả đúng theo quy định”.
KHẮC PHỤC NHỮNG BẤT CẬP
Bên cạnh những kết quả tích cực trong việc thực hiện nghị định và quyết định trên, hiện vẫn còn nhiều bất cập cần sớm điều chỉnh cho phù hợp để cán bộ, công chức, viên chức ngành Y yên tâm cống hiến. Bà Nguyễn Thị Mộng Ngọc trăn trở: “Hiện hầu hết cơ sở điều trị đều gặp khó khăn về nhân lực, vì hàng năm có nhiều viên chức nghỉ hưu, thôi việc nhưng chưa được tuyển dụng bổ sung. Đặc biệt từ năm 2012 đến nay, tỉnh chưa tổ chức thi tuyển viên chức ngành Y tế. Trong thời gian chờ thi tuyển, các đơn vị đã ký hợp đồng có thời hạn với một số y sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh, kỹ thuật viên để làm công tác chuyên môn. Nhưng theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 1 của Quyết định 73 thì đối tượng hợp đồng lao động có thời hạn không thuộc đối tượng được thanh toán tiền phụ cấp thường trực. Do đó, các đơn vị gặp khó khăn trong việc bố trí người trực 24/24 để khám, chữa bệnh, chăm sóc và phục vụ người bệnh. Định mức nhận lương trong phiên trực cho bệnh viện hạng II, III là 13 người/phiên trực/100 giường bệnh, nhưng hiện tại ngành có nhiều bệnh viện tuyến huyện, hạng III được giao chỉ tiêu từ 50-90 giường. Do cơ sở phân bố nhân lực phiên trực cho các bệnh viện này chưa được Quyết định 73 quy định cụ thể nên việc bố trí cơ cấu trực 4 cấp là không đủ nhân lực”.
Riêng việc thực hiện Nghị định 56 cũng đang gặp khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, biên chế của trung tâm DS-KHHGĐ các huyện, thị xã, thành phố được giao ít nên công chức, viên chức vừa làm công tác quản lý, phục vụ, vừa làm công tác chuyên môn nhưng không cho các đối tượng này được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề với mức phụ cấp 30% là chưa phù hợp. Mặt khác, các đơn vị này lại không có nguồn thu nên cũng không áp dụng khoản 6, Điều 3 của nghị định này để chi trả phụ cấp ưu đãi nghề. Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Hiếu Vinh, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: “Hiện nay, do tình trạng thiếu bác sĩ, nhiều bác sĩ vừa làm công tác quản lý vừa tham gia công tác chuyên môn nhưng chưa được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề là không phù hợp, không khuyến khích được các bác sĩ làm công tác quản lý tham gia vào công tác chuyên môn trong tình hình thiếu bác sĩ hiện nay của ngành”.
Theo ông Phạm Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, quan điểm của ngành là rất ủng hộ việc chi trả phụ cấp nghề cho đối tượng vừa làm công tác quản lý, phục vụ, vừa làm công tác chuyên môn để khuyến khích họ. Khi giải quyết được vấn đề này thì người dân cũng có lợi, vì hầu hết bác sĩ làm công tác quản lý là những bác sĩ có chuyên môn giỏi. Do đó, Sở Nội vụ sẽ cùng với ngành Y tế tháo gỡ điểm thắt này. Riêng về vấn đề thi tuyển công chức, ngành Y tế cần phải chờ phê duyệt đề án vị trí việc làm của tỉnh.
Qua khảo sát việc thực hiện Nghị định 56 và Quyết định 73 mới đây, đoàn khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đánh giá cao những việc đã làm được của ngành Y tế trong việc giải quyết các chế độ, chính sách cho cán bộ, viên chức. Đồng thời ghi nhận, chia sẻ những khó khăn, bất cập mà ngành còn trăn trở. Đoàn sẽ có những kiến nghị với tỉnh xem xét điều chỉnh các quy định về chế độ, chính sách còn bất cập này, để đảm bảo phù hợp với thực tế nhưng không sai pháp luật và tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các quy định hiện hành của tỉnh trên thực tế…
Ông Lê Thanh Đồng, Trưởng Ban VH-XH HĐND tỉnh |
THÙY THẢO