Làng biển Hòa Lợi, xã Xuân Cảnh (TX Sông Cầu) những ngày qua luôn rộn ràng, khi lăng Hòa Lợi được công nhận là di tích cấp tỉnh. Đây là một trong những di tích thờ cá ông điển hình của Phú Yên; và cũng là cơ sở tín ngưỡng ra đời cùng với quá trình hình thành làng Hòa Lợi.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng trao bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh cho đại diện xã Xuân Cảnh - Ảnh: K.CHI |
NIỀM VUI NHÂN ĐÔI
7 giờ sáng, bà con thôn Hòa Lợi, xã Xuân Cảnh đã tập trung về di tích Lăng Hòa Lợi để chung vui trong ngày hội của người dân xứ biển. Cụ Phạm Bình Hòa, 82 tuổi, chủ quản lăng Hòa Lợi, cho biết: 3/3 âm lịch hàng năm là lễ hội cầu ngư truyền thống của làng biển Hòa Lợi, nên bà con gần xa tụ về rất đông. Không chỉ thế, năm nay, cả làng rất vui mừng vì di tích Lăng Hòa Lợi được công nhận là di tích cấp tỉnh thờ cá ông điển hình của Phú Yên.
Lăng Hòa Lợi quay về hướng nam, nhìn về phía mặt đầm Cù Mông. Ngay phía trước lăng, dưới nước là bến neo đậu tàu thuyền, trên bãi là nơi tập trung các loại ngư cụ của người dân làm nghề biển. Lăng Hòa Lợi bảo lưu nhiều di vật, cổ vật rất có giá trị. Cụ thể là 3 bản sắc phong của các vua triều Nguyễn, bộ tượng thờ cổ bằng đất nung. Ông Lê Văn Cảnh, Chủ tịch UBND xã Xuân Cảnh, cho biết: Xã Xuân Cảnh có khoảng 600 hộ với hơn 2.000 dân, chủ yếu làm nghề biển. Trong tâm thức người dân vùng biển, cá ông là loài cá linh thiêng. Lăng Hòa Lợi đang lưu giữ 28 bộ ngọc cốt cá ông, cùng 1 bộ ngọc cốt của ông tổ (ông lụy đầu tiên)… Lăng Hòa Lợi đã được Đảng bộ, chính quyền xã Xuân Cảnh bảo tồn và phát huy giá trị của di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, là nơi diễn ra các hoạt động lễ hội văn hóa của nhân dân xã Xuân Cảnh.
Ông Lê Văn Tia, 65 tuổi, Trưởng Ban Quản lý lăng, chia sẻ: Lăng Hòa Lợi là nơi lưu giữ những giá trị truyền thống được kết tinh và lưu truyền qua nhiều thế hệ, mang đậm bản sắc của một cộng đồng cư dân làm nghề biển… Những hoạt động văn hóa ở lăng Hòa Lợi, tiêu biểu là lễ hội cầu ngư được tổ chức vào mùng 3/3 âm lịch hàng năm là sinh hoạt văn hóa cộng đồng rất đặc sắc mà chúng tôi luôn bảo tồn và phát huy.
PHÁT HUY GIÁ TRỊ CỦA DI TÍCH
Ngoài những giá trị trên, lăng Hòa Lợi có vị trí và môi trường cảnh quan mang những nét đặc thù của một làng biển, lại nằm trong khu vực có nhiều di tích, thắng cảnh khác như: đảo Hòn Nần, bãi Tràm, đầm Cù Mông,… Từ lâu nay, lăng Hòa Lợi đã trở thành một điểm tham quan của du khách trong nước và quốc tế trong hành trình du lịch xuyên Việt qua Phú Yên.
Ông Lâm Duy Dũng, Phó Chủ tịch UBND TX Sông Cầu, cho biết: Lăng Hòa Lợi là một trong những công trình có lịch sử lâu đời (từ thời trước năm 1852), kiến trúc độc đáo. Đây là một trong những di tích thờ cá ông điển hình của Phú Yên, là cơ sở tín ngưỡng ra đời cùng với quá trình hình thành làng Hòa Lợi. Đặc biệt, lễ hội cầu ngư là hoạt động văn hóa quan trọng nhất diễn ra tại di tích hàng năm. Thông qua đó, những nét đẹp phong tục được duy trì, các loại hình diễn xướng dân gian, nghệ thuật sân khấu truyền thống có điều kiện để phát huy, tinh thần gắn kết cộng đồng được củng cố. TX Sông Cầu đang thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển thị xã đạt đô thị loại 3 vào năm 2020, với nét đặc thù của một thị xã nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái biển - rừng kết hợp, gắn với du lịch văn hóa tâm linh… Và để phát huy giá trị di tích Lăng Hòa Lợi, UBND thị xã đề nghị xã Xuân Cảnh, Ban quản lý lăng cùng nhân dân chú trọng công tác đầu tư, tôn tạo di tích; tổ chức tốt lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm tại di tích để phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử…
KIM CHI