Trong thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra những chuyện bất an đối với trẻ em. Dư luận phải thảng thốt, nao núng, lo âu vì những thông tin rất đau lòng về các vụ trẻ em bị hành xử bạo lực, xâm hại tình dục, bị tử vong vì đuối nước, tai nạn giao thông, điện giật... Thậm chí có vụ trẻ em bị bắt cóc để tống tiền rồi sát hại và có không ít vụ án chính cha mẹ vì oán hận nhau mà giết hại dã man con mình.
Trong số các vụ trẻ em bị tử vong, đa số là bị chết đuối, có những vụ cùng lúc 2 đến 4 trẻ chết đuối, đã thấy quá đau xót, nay cùng lúc có đến 9 học sinh lớp 6 Trường THCS Nghĩa Hà (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) chết đuối, cho thấy tình trạng bất an đối với trẻ em đã đến mức báo động.
Thật đau lòng với con số thống kê bình quân hàng năm ở nước ta có gần 6.000 trẻ em bị chết đuối. Và tình trạng xâm hại tình dục trẻ em cũng đang diễn ra hết sức nghiêm trọng, có xu hướng gia tăng, chỉ trong 5 năm (2011-2015) cả nước có tới 8.200 vụ xâm hại trẻ em, trong số đó có 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Nạn nhân chủ yếu là trẻ em ở độ tuổi từ 12 đến 16, có những trường hợp nạn nhân chỉ mới 2 - 3 tuổi.
Dân số tăng cao, kinh tế - văn hóa - xã hội biến chuyển quá nhanh, khiến tình hình trật tự - an toàn giao thông và tình hình tội phạm ngày càng phức tạp. Trẻ em là những thành viên nhạy cảm, mong manh nhất, nên dễ bị tổn thương khi đối mặt với những nguy cơ.
Trong thời hội nhập, thời công nghệ phát triển quá nhanh, có tình trạng gia tăng khoảng cách giữa các thế hệ, khiến suy nghĩ và hành động của lớp trẻ vượt quá tầm kiểm soát của cha mẹ; cha mẹ cũng ít có thời gian gần gũi con cái để giáo dục về nhân cách, ứng xử, kỹ năng sống. Điều dễ thấy nhất là nhiều trẻ em ở các vùng thôn quê sông nước lại không biết bơi - do không được cha mẹ, anh chị, bạn bè kèm cặp, hướng dẫn; bản thân trẻ cũng không thích dành thời gian học bơi, vì phải bận bịu túi bụi với việc học ở trường, làm bài ở nhà, và mải mê với truyện tranh, ti vi, game, internet...
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất an đối với trẻ em hiện nay, bên cạnh sự chủ quan, dại dột, nông nổi của trẻ, nguyên nhân chính là người lớn thờ ơ, lơi lỏng việc giám sát, nhắc nhở trẻ, và quan trọng nhất là gia đình và chương trình giáo dục ở nhà trường thiếu quan tâm trang bị kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ an toàn cho trẻ. Nếu được chăm chút trang bị các kỹ năng đó, trẻ sẽ không liều lĩnh tắm sông ở nơi nguy hiểm; trẻ sẽ tuân thủ đúng Luật Giao thông đường bộ khi đến trường; trẻ sẽ biết báo ngay cho cha mẹ, thầy cô khi bị bạn học bạo hành hoặc khi bị kẻ biến thái xâm hại tình dục; trẻ cũng sẽ không dễ dàng bị kẻ xấu bắt cóc hay dụ dỗ bỏ học trốn nhà đi bụi.
Nhưng nhiều trường hợp chính phụ huynh vẫn chưa ý thức bảo vệ an toàn cho con em mình. Xem những hình ảnh các cháu bé mệt mỏi, hoảng loạn khóc la khi bị chen lấn xô đẩy rất nguy hiểm tại các lễ hội đông người, ai cũng phải giật mình lo lắng và không thể không trách cha mẹ các cháu đã quá chủ quan.
Để xảy ra những chuyện bất an cho trẻ em, chính là lỗi của người lớn, do vậy phải khắc phục từ ý thức và hành động có trách nhiệm của người lớn. Gia đình và trường học phải thực sự là nơi an toàn, thân thiện, đem đến những điều kiện tốt nhất để trẻ được nâng cao thể lực, giáo dục thể chất, tri thức, đạo đức, nhân cách và kỹ năng sống.
Rất cần những biện pháp hữu hiệu giúp trẻ có thể ứng phó khi gặp nguy hiểm; đồng thời tuyên truyền giáo dục pháp luật và hoàn thiện pháp luật để không còn những trường hợp chính những người lớn trong gia đình và trong nhà trường lại bao che cho những hành vi xâm hại trẻ em.
Các tổ chức đoàn thể, chính quyền, công an, cơ quan chức năng liên quan cần vào cuộc ngăn chặn thật quyết liệt, kiên quyết đấu tranh đưa ra xử lý pháp luật đối với các hành vi bóc lột lao động trẻ em, xâm hại trẻ em, và cả các hành vi thiếu trách nhiệm trong việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Theo SGGPO