Thứ Tư, 16/10/2024 02:22 SA
Khởi sắc từ một vùng quê nghèo
Chủ Nhật, 17/04/2016 13:00 CH

Ông Nguyễn Điệp chuyển vùng ruộng sản xuất lúa không hiệu quả sang trồng sen - Ảnh: T.HÀ

Nhờ lao động chăm chỉ, sáng tạo, người dân thôn Nam Bình, xã Hòa Xuân Tây (huyện Đông Hòa) đã biến vùng đất từng đi vào các câu hát dân gian vì có nhiều sản vật phong phú trở nên trù phú.

 

SẢN VẬT PHONG PHÚ

 

Theo ông Đặng Ngọc Anh, Chủ tịch UBND xã Hòa Xuân Tây, thôn Nam Bình nằm dọc sông Bến Lớn (năm 2002, được tách ra là Nam Bình 1 và Nam Bình 2) ngày trước là xứ sở của khoai lang, sắn mì, khoai môn và mía đường. Là vùng đất không thực sự trù phú vì đất đai không màu mỡ; có nhiều vùng cát và các soi, bầu quanh năm hoang hóa, thế nhưng nhờ người dân cần cù, chịu khó nên đây lại là nơi có sản vật phong phú và được nhắc đến nhiều trong ca dao, hò vè: “Nam Bình nhiều mía, nhiều đường/ Nhiều khoai môn ấp đầy sàng dễ bưng/ Lại thêm ba bó rau vừng/ Ba khoanh bông súng, anh đừng bỏ em…”.

 

Cũng theo ông Đặng Ngọc Anh, mặc dù nổi tiếng là vùng đất có nhiều sản vật, con người bình dị, chân chất hay lam, hay làm nhưng Nam Bình cách đây khoảng 20 năm vẫn là một vùng quê nghèo một mặt giáp sông, một mặt tựa vào núi; giao thông cách trở; trình độ dân trí chưa cao và các hoạt động nông nghiệp chủ yếu canh tác theo tập quán cũ, làm nhiều nhưng hiệu quả thấp. Người lớn phải làm việc nặng nhọc và trẻ con phải tập lao động sớm. Thế nhưng, dù chăm chỉ, vẫn có nhiều gia đình khó khăn, con em họ phải bỏ dở chuyện học hành để phụ cha mẹ lao động kiếm sống.

 

Những ngày đó, thu nhập chính của người dân vẫn là các sản phẩm từ nông nghiệp. Tuy nhiên, việc vận chuyển nông sản lại không được thuận lợi vì Nam Bình chỉ có con đường đất gập ghềnh. Để thuận tiện, người dân thường tự chèo đò mang những nông sản của gia đình làm ra theo dòng sông Bến Lớn, xuôi xuống chợ Bàn Thạch (nay là chợ Hòa Xuân Tây, huyện Đông Hòa) hoặc đi đò ngang sang chợ Đông Mỹ (nay đã chuyển sang địa điểm mới, lấy tên là chợ Hòa Vinh, huyện Đông Hòa) để bán.

 

KHỞI SẮC TỪ VÙNG QUÊ NGHÈO

 

Những năm sau này, cùng với sự phát triển chung của cả huyện Đông Hòa, Nam Bình đã bắt đầu đổi thay với bộ mặt mới. Nhiều con đường được mở rộng; nhiều ngôi nhà khang trang mọc lên; cuộc sống vật chất, tinh thần của người dân cũng nâng lên rõ rệt.

 

Ông Đặng Ngọc Anh cho biết, giờ đây Nam Bình 1 và Nam Bình 2 là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả xã. Không chỉ chạy theo xu thế thị trường, người dân đã biết chọn loại cây trồng phù hợp, trồng theo quy hoạch của địa phương và biết ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất. Nhờ vậy, họ đã chuyển đổi các vùng chân ruộng cao sang trồng cây công nghiệp ngắn ngày theo hướng thâm canh, luân canh để cây trồng cho năng suất cao. Vùng chua phèn thì trồng bắp. Vùng màu mỡ, đủ nước thì làm ruộng. Vùng chân ruộng thấp, các ao hồ hay soi, bầu, đầm trước đây canh tác không ổn định và bỏ hoang thì cải tạo lại để trồng sen. Hiện tại, ngoài trồng 12ha sắn, 30ha đậu phộng, 15ha bắp, người dân nơi đây còn trồng dưa hấu, lúa với diện tích rất lớn. Sen cũng trở thành sản phẩm chủ lực của Nam Bình. Không chỉ mạnh về trồng trọt, Nam Bình cũng là vùng chăn nuôi lớn của xã với nhiều trâu, bò. Đặc biệt gần đây, khi giá dê thương phẩm phục hồi, cả hai thôn lại bắt đầu đầu tư để phát triển đàn dê núi lên gần 100 con, gầy dựng lại nghề chăn nuôi trước đó mai một do thịt dê rớt giá.

 

Là một vùng sản xuất nông nghiệp, hai thôn này cũng là nơi tập trung rất nhiều nhà nông sản xuất giỏi. Con người Nam Bình giờ đã đổi thay, đất đai cũng thay da đổi thịt. Đến Nam Bình vào ban đêm, đường to ngõ nhỏ đều có điện thắp sáng; 100% nhà tạm đã được xóa, địa phương rất quan tâm đến vấn đề an sinh xã hội nên chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện hơn. Đặc biệt là từ năm 2014, cầu Bến Lớn đưa vào sử dụng nối xã Hòa Xuân Tây và thị trấn Hòa Vinh (huyện Đông Hòa) đã làm cho bộ mặt của xã Hòa Xuân Tây nói chung, thôn Nam Bình 1 và Nam Bình 2 nói riêng ngày càng đổi thay mạnh mẽ. Bên cạnh đó, khi giải tỏa khu sản xuất lò gạch ngói thủ công ở huyện Đông Hòa, Cụm công nghiệp Nam Bình được thành lập và HTX Gạch ngói Hiệp Thành đã vào đây hoạt động giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Không dừng lại ở đó, địa phương đang quy hoạch vùng trồng rau sạch và đã đăng ký với Phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa xây dựng vùng trồng rau an toàn có diện tích khoảng 30ha ở soi Ngòi và soi Lót với mong muốn đưa ngành trồng trọt nơi đây phát triển theo hướng an toàn, hiệu quả.

 

Đến Nam Bình hôm nay, sản vật vẫn phong phú nhưng tất cả đều được trồng theo quy hoạch, và người dân tuy vẫn phải lao động vất vả nhưng thu nhập cao hơn hẳn trước đây. Vùng đất nằm bên bờ sông này đang chuyển mình, vươn vai đứng dậy với một tâm thế mới, sức sống mới.

 

THÁI HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek