Trong khi mùa bão, lũ đang đến gần song hiện nay các phương tiện, thiết bị dự báo, ứng phó với thiên tai vẫn còn lạc hậu. Trong đợt lũ bất thường vừa qua, chính quyền các địa phương và người dân không nhận được thông báo về lũ. Mặt khác, nhận thức về phòng chống thiên tai của nhiều người vẫn còn hạn chế.
Lực lượng cứu hộ cứu nạn của Bộ Chỉ huy Quân sự Phú Yên đang ứng cứu người trên sông Ba trong cơn lũ ngày 5/8/2007 – Ảnh: L.K
Phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, giảm nhẹ thiên tai là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Tuy nhiên, đến nay các phương tiện, thiết bị dự báo, ứng phó với bão lũ vẫn còn lạc hậu.
DỰ BÁO LẠC HẬU, PHƯƠNG TIỆN LẠC HẬU
Ông Phan Khánh, Trưởng Phòng Kinh tế, Phó trưởng Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão, tìm kiếm- cứu nạn (BCH PCLB-TKCN) TP Tuy Hòa, bày tỏ bức xúc: “Bão số 2 vừa qua đã gây ra lũ trên sông Ba. Tuy đỉnh lũ trên cấp 2 chỉ trong vài giờ nhưng vẫn để xảy ra chuyện người chết, mất mát tài sản lớn. Nguyên nhân là người dân cũng như tất cả các cấp, ngành chức năng của thành phố không hề nhận được thông báo lũ trước đó”. Nhiều ý kiến cho rằng công tác dự báo lũ hiện nay… có vấn đề. Nếu lớn hơn, không biết hậu quả sẽ đến mức nào.
Máy liên lạc với tàu thuyền của Trạm kiểm soát biên phòng Đà Rằng đã rất lạc hậu, không đảm bảo cho yêu cầu hiện nay. - Ảnh: KHOA THY
Về thông tin liên lạc, nhất là liên lạc với các phương tiện trên biển, trang thiết bị hiện nay quá lạc hậu. Trạm kiểm soát biên phòng Đà Rằng của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Phú Yên chỉ có một chiếc máy… cổ lỗ sĩ. Thực tế, trạm này chưa bao giờ liên lạc được với tất cả các tàu hoạt động trên biển khi thời tiết xấu. Ông Phan Khánh đề xuất xây dựng trạm thông tin liên lạc tàu thuyền trên biển, trang bị máy móc hiện đại hơn cho trạm của bộ đội biên phòng.
Ông Nguyễn Văn Luyện, Phó chủ tịch UBND huyện Sông Cầu, cho rằng hiện nay trang thiết bị cứu hộ tại các địa phương còn quá lạc hậu. Hiện Sông Cầu có tới 2.100 phương tiện đánh bắt trên biển, 8.000 lồng và 966 bè tôm hùm, 201 hộ với 1.625 nhân khẩu sống trong vùng nguy cơ triều cường…Thế nhưng, mỗi khi có bão xảy ra, khả năng ứng cứu, di chuyển tài sản trên biển đến nơi an toàn của huyện và các lực lượng vũ trang trên địa bàn huyện là rất khó khăn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó trưởng BCH PCLB&TKCN huyện Đồng Xuân, cũng cho biết những năm gần đây công tác dự báo, chỉ đạo sản xuất vụ đông xuân sau mưa bão cũng có vấn đề. Thông thường, ngành nông nghiệp ra lịch sản xuất đông xuân cho nông dân sau 23 tháng 10 âm lịch. Thế nhưng, 5 năm gần đây, nhiều đợt mưa, lũ lại diễn ra sau khoảng thời gian này, làm cho nông dân bị mất giống, mất mùa, gặp nhiều khó khăn trong sản xuất.
HẠN CHẾ VỀ NHẬN THỨC
Nhiều ý kiến cho rằng để khắc phục những thiệt hại do bão lũ gây ra, các cơ quan chức năng cần có những dự báo chính xác, kịp thời trước, trong, sau mưa bão; thông báo kịp thời, đúng quy định về thời gian để các lực lượng thực hiện nhiệm vụ của mình - kể cả việc cưỡng chế người dân trong vùng nguy hiểm di dời đúng thời điểm.
Ông Nguyễn Lý Nguyên cho hay, đợt bão số 2 vừa qua diễn ra trong hai ngày nghỉ, nguy cơ xảy ra lốc, sạt lở, lũ quét rất cao, thế nhưng khi liên lạc đến UBND các xã thì gần như tất cả đều…nghỉ. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Luyện cho biết: Ở Sông Cầu, ngoài số nhân khẩu sống trong vùng nguy hiểm như trên còn có 4 vùng có nguy cơ sạt lở lớn và 760 lao động thường xuyên sống trên biển để giữ các lồng, bè tôm. Khi có bão, con số này không những không giảm mà còn tăng thêm.
Tại các vùng ven biển, ngư dân làm nghề đánh cá gần bờ thường ra khơi ngay trước thời điểm bão đổ bộ vào vì với địa hình bãi ngang, trước khi có bão cá thường tụ về những điểm gần bờ. Tại các vùng sông, suối, khi có bão, lũ người dân cũng kéo nhau ra giữ tài sản của họ. Chính những điều này làm cho nguy cơ bị thiệt hại về người càng tăng lên và cũng thể hiện nhận thức của nhiều người còn rất hạn chế.
LY KHA