Thứ Hai, 30/09/2024 10:33 SA
Sức sống của một dự án
Thứ Sáu, 10/08/2007 08:00 SA

Tưởng như mọi hy vọng đã lụi tàn bên những thân hình méo mó, nằm bất động bởi di chứng bạo tàn của chiến tranh. Nhưng điều kỳ diệu đã đến từ những tấm lòng nhân ái, từ vòng tay yêu thương của cộng đồng...

 

070810-NUOI-BO.jpg

Đàn bò trong dự án của gia đình chị Nguyễn Thị Lệ -  Ảnh: NGỌC HÂN

 

Nhờ có dự án hỗ trợ trẻ em bị nhiễm chất độc da cam (CĐDC) của Hội Người Việt Nam tại Pháp và sự tận tâm, nhiệt tình của những cộng tác viên trực tiếp hướng dẫn tập luyện, niềm vui đã đến với cậu học trò Thiều Minh Giang (thôn Ngọc Lâm, xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa), bị bại liệt hai chân không thể đi lại được. Giờ đây, Giang có thể tự đến trường mà không cần sự trợ giúp của bạn bè và người thân. Giang nói: “Được đi học là ước mơ lớn nhất của em. Nếu như trước đây để đến được trường, mẹ phải cõng em đi rất vất vả. Bây giờ được đến trường trên đôi chân của mình, em cảm thấy thật may mắn”. Còn Huỳnh Thị Lệ (thôn Quảng Mỹ), trước đây không ý thức được mọi hành vi, thường bỏ nhà đi lang thang. Nhờ có sự giúp đỡ tích cực của cộng tác viên dự án Lê Thị Hương, tinh thần em đã ổn định và tiến bộ nhiều. Em Nguyễn Thị Mỹ (thôn Thạnh Phú), trước bị bại liệt toàn thân, qua sự giúp đỡ của chị Trịnh Thị Trị, em đã đi lại được trong niềm vui khôn xiết của gia đình.

 

070810-me-con.jpg

Bà Nguyễn Thị Gái đang chăm sóc cháu Nguyễn Thị Nga bị nhiễm chất độc da cam - Ảnh: NGỌC HÂN

Vui nhất có lẽ là cô bé Lê Thị Kim Anh, vì em vừa đoạt hai chiếc huy chương đồng trong môn bơi tại Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh năm học 2006-2007. Từ lúc mới sinh ra, Kim Anh đã bị hở hàm ếch không thể nói được nên cô bé không dám đi học vì mặc cảm. Nhờ có dự án em được phẫu thuật và luyện nói. Giờ cô bé đã phát âm khá chuẩn. Kim Anh bộc bạch: “Em sẽ cố gắng học thật tốt để mang lại niềm vui cho gia đình và cũng là cách để cảm ơn những tấm lòng nhân ái đã giúp đỡ những đứa trẻ có số phận không may mắn như chúng em”. Còn bạn Huỳnh Ngọc Tú, sinh viên ngành công nghệ thông tin Trường Đại học Phú Yên nói: “Tuy bị bại liệt hai chân nhưng nhờ có sự trợ giúp của cộng đồng, em thấy mình vững vàng. Em cố gắng học thật tốt, sau này làm người có ích cho xã hội”.

 

Không chỉ giúp trẻ bị nhiễm chất độc da cam phục hồi chức năng, dự án còn hỗ trợ vốn cho những gia đình khó khăn có con em bị nhiễm CĐDC/dioxin cải thiện cuộc sống. Với 10 triệu đồng dự án đã hỗ trợ, 25 hộ nuôi heo, mua phân bón lúa, mì, vươn lên làm kinh tế thoát nghèo. Số vốn này được các hộ sử dụng trong vòng 1 năm và sẽ trả lại để tiếp tục cho hộ khác vay. Dự án tiếp tục cho mỗi hộ vay 5 triệu để nuôi bò nên đời sống đã dần ổn định, nỗi đau dần vơi và các con của họ đang được phục hồi chức năng để hòa nhập cộng đồng. Bà Nguyễn Thị Lệ - một người mẹ có con bị nhiễm CĐDC bày tỏ: “Nó không may bị nhiễm chất độc dioxin, không thể đi lại được. Thương con đứt ruột mà tui không biết làm sao. May nhờ dự án hỗ trợ mà sức khỏe con tui được phục hồi, gia đình được vay vốn nuôi bò. Tôi không biết lấy gì để cảm ơn”.

 

Dự án chăm sóc trẻ em bị nhiễm chất độc da cam do Hội Người Việt Nam tại Pháp tài trợ được triển khai từ năm 2002-2005 với tổng số tiền 215 triệu đồng. Trong 25 em thuộc diện phục hồi chức năng thì đến nay đã có 16 em luyện tập tiến bộ, hòa nhập cộng đồng. Đàn bò trong dự án từ 25 con/25 hộ đã tăng lên trên 30 con.

Các gia đình có con bị nhiễm CĐDC ở xã Hòa Mỹ Tây có được cuộc sống như ngày hôm nay không thể không kể đến công lao đội ngũ cộng tác viên của dự án. Hàng ngày, họ vẫn âm thầm dành tình yêu thương cho những đứa trẻ khuyết tật, đến từng nhà  xoa bóp, tập luyện… tiếp thêm sức sống cho các em. Trong số những người làm công việc thầm lặng ấy, nổi bật có bà Nguyễn Thị Gái (63 tuổi). Hàng ngày, bà Gái cọc cạch đạp xe đến từng gia đình có con bị nhiễm CĐDC  trong xã Hoà Mỹ Tây để xoa bóp, tập đi, tập nói cho các em. Những ngày đầu, nhiều gia đình không chịu hợp tác nhưng bà vẫn kiên nhẫn tìm mọi cách tiếp cận và tạo niềm tin cho  người nhà các em. Sau một thời gian luyện tập, trong 5 em ở thôn Ngọc Lâm do bà trực tiếp hướng dẫn, đã có 3 em tiến bộ. Đó là Lê Văn Liễu, trước đây không làm chủ được bản thân, thường xuyên mang những con vật hôi thối về nhà nấu ăn. Bây giờ em đã ổn định tinh thần. Em Huỳnh Thanh Lễ gương mặt bớt biến dạng. Em Lê Thị Kim Anh không còn nói ngọng do bị hở hàm ếch. Hai em Nguyễn Thị Nga và Huỳnh Thị Diễm do bị bại não nặng nên bà dành rất nhiều thời gian theo dõi diễn biến tâm lý và thể  chất để kịp có biện pháp xử lý.

 

Bà Gái là cộng tác viên chương trình phục hồi chức năng thuộc dự án này. Bà hiểu rằng nỗi đau của các em bị nhiễm CĐDC là nỗi đau chung của xã hội và bà muốn chia sẻ một phần gánh nặng. Bà tâm sự: “Các cháu đã không có tuổi thơ, kém may mắn cả về thể xác lẫn tinh thần thì chúng ta phải biết san sẻ. Đem niềm vui cho các  cháu là nhận lấy hạnh phúc về mình.”

 

Khi được hỏi động lực nào thúc đẩy tham gia công tác này, bà Gái nói giản dị: Tôi là người mẹ và có những đứa con. Các cháu  được phục hồi là tiếp thêm sức sống  niềm vui cho tôi.

 

NGỌC HÂN - THÙY THẢO

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek