Thứ Hai, 30/09/2024 08:35 SA
Nghiên cứu chất độc da cam của Mỹ:
Một sự thật đã bị cố tình gạt bỏ
Thứ Sáu, 10/08/2007 14:01 CH

Trong khi vẫn còn nhiều tranh cãi về hậu quả của chất độc da cam quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, hai nhà nghiên cứu tham gia cuộc nghiên cứu kéo dài 25 năm về vấn đề này của Mỹ tiết lộ, nghiên cứu có “thiếu sót một cách chủ đích” khi kết luận không có mối liên hệ nào giữa chất độc da cam với bệnh ung thư.

 

SỰ THẬT VỀ ĐI-Ô-XIN BỊ GẠT RA RÌA 

 

070810-Da-cam-2.jpg

Những nạn nhân chất độc da cam ở Phú Yên -  Ảnh: NGUYÊN LƯU

 

Quân đội Mỹ đã rải các chất hóa học ở miền Nam Việt Nam từ năm 1962 đến 1971, trong đó gần 2/3 là chất độc da cam. Tuy nhiên, nghiên cứu mang tên Ranch Hand-cũng là tên chiến dịch rải chất độc da cam tại Việt Nam, không phát hiện ra căn bệnh gì khác ngoài bệnh tiểu đường liên quan tới các loại hóa chất này. Nghiên cứu đã tiến hành trên 3.000 người, trong đó đối chiếu trực tiếp các phi công làm nhiệm vụ trong chiến dịch Ranch Hand với các cựu binh phục vụ ở khu vực Đông Nam Á, song chẳng có vai trò gì trong chiến dịch này.

 

Thực chất nghiên cứu Ranch Hand là một cuộc điều tra do không quân Mỹ tiến hành với kinh phí 140 triệu USD, nhằm kêu gọi bồi thường cho các cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam. Hai nhà khoa học Giô-en Mi-cha-lếch và Ron Trê-uyn coi thiếu sót có chủ đích này đã dẫn tới những phát hiện thiếu chính xác trong cuộc nghiên cứu suốt 25 năm qua. Họ cho rằng, nghiên cứu đã đánh giá thấp các nguy cơ gây bệnh ung thư của chất độc da cam đối với các cựu binh Mỹ.

 

Nhà khoa học Giô-en Mi-cha-lếch, tham gia nghiên cứu Ranch Hand ngay từ đầu và là nhà điều tra chính suốt 14 năm cho tới tháng 5 vừa rồi. Ông phẫn nộ: “Thiếu sót đó sẽ làm hỏng toàn bộ nghiên cứu”. Mi-cha-lếch là đồng tác giả hai bài viết đăng trên tạp chí Y khoa chuyên ngành và môi trường năm 2004 và 2005, trong đó phát hiện tỷ lệ mắc ung thư đáng kể trong nhóm tham gia chiến dịch Ranch Hand và cả nhóm đối chiếu. Song có điều lạ là, phát hiện của Mi-cha-lếch về bệnh ung thư trong nhóm đối chiếu không được sử dụng trong báo cáo Ranch Hand.

 

Phát ngôn viên Ét Xan-nôn của không quân Mỹ từ chối đưa ra bình luận về những tuyên bố của Mi-cha-lếch. Ông Xan-nôn bị chất vấn tại sao các phân tích của Mi-cha-lếch đăng trên tạp chí trên chỉ ra nguy cơ bị ung thư trong nhóm cựu binh đối chiếu lại không được sử dụng trong báo cáo cuối cùng của không quân Mỹ công bố năm ngoái. Qua thư điện tử, không quân Mỹ hồi âm rằng, “một phân tích công bố gần đây” đã chỉ ra điều đó rồi, ám chỉ không cần phải nhắc lại điều đó trong báo cáo cuối cùng nữa.

 

Theo nhà khoa học Mi-cha-lếch, cần phải nghiên cứu thêm nhằm củng cố các phát hiện trên và tìm ra những căn bệnh khác mà các nhà khoa học của không quân Mỹ có thể đã không phát hiện thấy. Ông cho biết, các cựu binh thuộc nhóm đối chiếu cũng như các cựu binh tham chiến ở Việt Nam, từ nhân viên y tế cho tới các lái xe, là những người dùng phần lớn thời gian ở các căn cứ. Vì vậy, các dữ liệu liên quan đến nhóm đối chiếu nên được nghiên cứu kỹ hơn.

 

Ông Ron Trê-uyn, một nhà hóa sinh và là thành viên trong ban cố vấn của nghiên cứu Ranch Hand, đã xem xét lại chương nói về ung thư trong báo cáo. Ông đã tranh cãi kịch liệt trong suốt một cuộc họp của ban cố vấn rằng, chương nói về ung thư nên bao gồm tất cả các dữ liệu về ung thư đã được sử dụng trong các bài viết đăng trên tạp chí Y khoa chuyên ngành và môi trường. Song ông thất vọng cho biết, điều đó đã không được tán thành, “họ đã đưa vào báo cáo những trang về ung thư, song đã loại tất cả các số liệu ra khỏi các trang viết về ung thư cho thấy các ảnh hưởng của chất độc da cam đối với bệnh ung thư”.

 

Kể từ năm 1984, không quân Mỹ thường thông báo định kỳ các báo cáo đã được cập nhật, trong đó các cựu binh Ranch Hand được xác định là có tình trạng sức khỏe tương tự nhóm đối chiếu và không có sự gia tăng đáng kể bệnh ung thư hay tim mạch và cả các căn bệnh nghiêm trọng khác, ngoại trừ bệnh tiểu đường.

 

TỶ LỆ MẮC UNG THƯ GẤP ĐÔI

 

070810-Da-cam-3.jpg

Nỗi đau da cam dai dẳng -  Ảnh: NGUYÊN LƯU

Mi-cha-lếch cho biết, ông phát hiện ra tỉ lệ nhiễm ung thư trong nhóm đối chiếu khi ông bắt đầu xem xét không chỉ những cựu binh trực tiếp tham gia mà cả những cựu binh ở tuyến sau họ. Ông đặt câu hỏi, nhóm cựu binh Ranch Hand và nhóm đối chiếu đã phục vụ vùng nào ở khu vực Đông Nam Á và trong bao lâu? Ông tìm được câu trả lời là có một số cựu binh Ranch Hand không tham gia rải chất độc và những người tham gia cuộc chiến tranh trước họ có tỉ lệ nhiễm đi-ô-xin cao hơn. Khi ông phân tích những thông tin này cùng với nhóm đối chiếu bị phơi nhiễm, Mi-cha-lếch cho biết đã phát hiện thấy tỉ lệ người mắc ung thư đã gấp đôi trong số các cựu binh Ranch Hand, trong đó tỉ lệ người bị nhiễm đi-ô-xin là cao nhất. Mi-cha-lếch còn phát hiện thấy tỉ lệ người mắc bệnh tiểu đường còn cao hơn cả trước đây.

 

Theo biên bản cuộc họp của ban cố vấn Ranch Hand năm 2005, các thành viên ban cố vấn muốn ông đăng những phát hiện mới này trên một tạp chí khoa học và khi đó, ông cho biết ông cũng định làm thế. Tuy nhiên, tờ The Greenville News dẫn lời đại tá Ka-ren Pho-xơ, người kế nhiệm chức điều tra chính của Mi-cha-lếch trong cuộc điều tra Ranch Hand, cho biết trong suốt cuộc họp cuối cùng của ban cố vấn ở Rốc-cơ-vin, Ma-ri-len, không hiểu sao họ lại không có ý định cho công bố những phát hiện mới này trong bất kỳ báo cáo nào của không quân cũng như tạp chí khoa học. Đại tá Pho-xơ còn tiết lộ, không quân Mỹ muốn Mi-cha-lếch hủy bỏ những số liệu đó.

 

CÒN ĐÓ NỖI ĐAU DA CAM

 

Cựu binh Mỹ Ri-chác Lê-ô-phen đã tận mắt chứng kiến những chiếc máy bay phun thuốc hóa học khi còn là lính bộ binh thuộc Sư đoàn kỵ binh số 1 giai đoạn 1968-1969 trong chiến tranh Việt Nam. Có những lúc gió đã thổi thứ chất độc chết người ấy về phía ông và những người lính khác khi họ đang mai phục. Khi ấy, ông chẳng mấy bận tâm về điều này, thậm chí có những lúc ông còn trườn qua những khu vực thấm đẫm chất diệt cỏ. “Tôi không nghĩ nhiều về chất độc da cam cho tới khi tôi trở về Mỹ, đọc và xem một số chương trình đặc biệt trên truyền hình”, ông nói. Và ông càng hiểu hơn chất độc da cam là thế nào, khi những vết tấy đỏ bắt đầu xuất hiện trên hai cẳng chân ông vào năm 1969, song khi ấy nó chỉ hơi gây khó chịu. Nhưng sau đó thì cựu binh Lê-ô-phen phải chịu những cơn đau đớn tột cùng. Lê-ô-phen đã phải trải qua 3 cơn đột quỵ vào năm 1998. Song đó chỉ là chuyện nhỏ, vì những cơn đột qụy cũng qua đi, song điều khủng khiếp là, càng ngày ông càng không thể nào điều khiển được chân trái của mình. Lê-ô-phen, 58 tuổi nhận được khoản đền bù 112 USD/tháng cho căn bệnh tiểu đường loại 2. Ông bị mất việc làm dù công việc đó hết sức đơn giản đưa thư, do chứng rối loạn thần kinh hậu chấn thương. Bộ Cựu chiến binh đã đền bù cho ông vì việc này, đền bù cho những gì mà ông tin rằng mình nên được đền bù sau những tổn hại do chất độc da cam gây ra, song thực tế không được như vậy. Trong danh sách được đền bù của Bộ Cựu chiến binh, chủ yếu vẫn là các loại bệnh liên quan tới rối loạn chức năng vận động. Và điều ngạc nhiên là Viện Hàn lâm khoa học quốc gia (NAS) đã không tìm được đủ bằng chứng để các căn bệnh liên quan tới đi-ô-xin được đưa vào danh sách đền bù.

 

Nghiên cứu Ranch Hand kết thúc, song vẫn còn nhiều tranh cãi khi hàng vạn cựu binh Mỹ đang tìm kiếm câu trả lời cho các căn bệnh mãn tính liên quan tới việc sử dụng loại hóa chất được gọi là thuốc diệt cỏ trong cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, mà họ đang phải chung sống từng ngày, từng giờ. Các phát hiện của Mi-cha-lếch là rất quan trọng đối với hàng nghìn cựu binh Mỹ tham chiến ở Việt Nam, những người chưa bao giờ nhận được tiền đền bù cho những căn bệnh mà trước kia cuộc điều tra Ranch Hand cho rằng không có liên quan tới chất độc da cam. Một phân tích của Bộ Cựu binh Mỹ năm 1998 cho biết, có hơn 92 nghìn đơn đòi đền bù của các cựu binh, trong đó hơn 5.000 đơn đã được chấp nhận.

 

(Theo website Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek