Thứ Hai, 30/09/2024 04:36 SA
Nhân “ngày vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam” 10/8:
Lương tri đòi sự công bằng và công lý
Thứ Năm, 09/08/2007 16:30 CH

Chiến tranh kết thúc đã 30 năm, nhưng những vết thương do hóa chất độc mà quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam đã gây nhiều tác hại không chỉ đến môi trường sinh thái, mà còn ảnh hưởng rất nặng nề cho sức khỏe con người. Nhiều căn bệnh tiềm ẩn, nguy hiểm, có tính di truyền gây ra nhiều dạng tàn tật, gây đau đớn triền miên về thể xác, tổn thương nghiêm trọng về tinh thần cùng với nhiều hậu quả sâu sắc và lâu dài cho xã hội.

 

070807-Bui-Hoa-Tuy.jpg

Chất độc da cam để lại nỗi đau cho hàng triệu người dân nhiều thế hệ của Việt Nam. Trong ảnh: Hai cha con ông Bùi Hoa Tuy ở xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa đều bị nhiễm chất độc da cam - Ảnh: N.LƯU

 

Theo số liệu của các nhà khoa học Mỹ (Giáo sư J.M.xten-men và cộng sự - Trường đại học Cô-lôm-bi-a), từ năm 1961 đến năm 1971, đã có khoảng 80 triệu lít hóa chất độc, 61% là chất da cam, chứa 366kg đi-ô-xin rải xuống khoảng 17% diện tích trên toàn miền Nam Việt Nam (30.000/170.000km2). Đi-ô-xin là loại chất độc hại nhất mà loài người đã tìm ra được cho đến nay. Với liều lượng 1 nanôgram (một phần tỷ gam) đã có thể gây nên bệnh ung thư, tai biến sinh sản ở người và di truyền tới đời con, cháu; vài chục nanôgram, có thể lập tức gây chết người. Chính vì vậy, đã có 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc, trong đó khoảng 3 triệu người là nạn nhân, nhiều nạn nhân là trẻ em.

 

Tờ Thời Đại của Ôxtrâylia số ra ngày 26/8 đã đăng bài của phóng viên Connie-Levett viết về hậu quả của chất độc da cam do quân đội Mỹ rải xuống trong thời gian chiến tranh tại Việt Nam. Bài báo cho biết đã có khoảng 4 triệu người Việt Nam bị nhiễm chất độc, và đến Việt Nam người ta nhận thấy những hậu quả nghiêm trọng của chất độc da cam.

 

Tác giả trích dẫn lời của ông Kenet-Herman, cựu chiến binh Mỹ đang điều hành chương trình giúp đỡ trẻ em nạn nhân chất độc da cam tại Đà Nẵng: “Trong khi chính phủ Mỹ đã bồi thường cho các cựu chiến binh Mỹ, thì họ không làm như vậy đối với những người Việt Nam, vốn phải chịu hậu quả của chất độc da cam từ 30-40 năm qua”.

 

Với trách nhiệm của mình, Nhà nước Việt Nam đã thành lập Ủy ban 10-80 để điều tra về những hậu quả của chiến tranh hóa học và lập Ban chỉ đạo 33 để khắc phục hậu quả của cuộc chiến tranh đó. Tháng 2 năm 2000, Chính phủ có chính sách hỗ trợ các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/điôxin (CDDC/D) trong chiến tranh. Chính phủ còn cấp thêm kinh phí cho Hội chữ thập đỏ Việt Nam để phẫu thuật chỉnh hình cho trẻ em bị khuyết tật; ngày 24 tháng 7 năm 1998 lập Quỹ bảo trợ nạn nhân CDDC (thuộc Hội chữ thập đỏ Việt Nam) với mục đích huy động sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước dành cho các nạn nhân CDDC.

 

Tuy nhiên, sự giúp đỡ của cộng đồng xã hội còn hạn chế so với nhu cầu của các nạn nhân. Nạn nhân CDDC vẫn là những người nghèo nhất trong những người nghèo, những người đau khổ nhất trong những người đau khổ. Trong bối cảnh như vậy, ngày 10 tháng 01 năm 2004, Hội nạn nhân chất độc da cam/điôxin Việt Nam chính thức ra mắt hoạt động, có chức năng bảo vệ quyền lợi các nạn nhân CDDC và đại diện pháp lý cho nạn nhân CDDC Việt Nam với các tổ chức, cá nhân ở trong nước và ngoài nước.

 

Một trong những việc làm đầu tiên của Hội là lập đề án: “Giúp đỡ các nạn nhân CDDC trong cuộc sống”; đồng thời: “Tổ chức thu thập hồ sơ, chứng cứ, tiến hành khởi kiện dân sự các công ty Mỹ sản xuất CDDC để quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam”.

 

Ngày 30/1/2004, Hội cùng một số nạn nhân chất độc da cam đã đứng nguyên đơn khởi kiện 37 công ty Mỹ sản xuất hóa chất độc sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, tại Tòa án quận Brúc-Klin, bang Niu Óoc - Hoa Kỳ.

 

Ngày 25/2/2004, Hội ra Tuyên bố kêu gọi nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế ủng hộ Hội và các nạn nhân CDDC trong các hoạt động vì hòa bình, công bằng và công lý.

 

Ngày 25/6/2004, đại diện 32 tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam họp Hội nghị: “Vì các nạn nhân CDDC - điôxin Việt Nam”, nhất trí đề nghị lấy ngày 10/8 hàng năm (Ngày đầu tiên quân đội Mỹ rải hóa chất độc xuống miền Nam Việt Nam - năm 1961) và là ngày cả nước hành động Vì nạn nhân CDDC Việt Nam.

 

Từ năm 2004 đến nay, sự quan tâm giúp đỡ, ủng hộ của nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế đối với nạn nhân CDDC Việt Nam diễn ra thường xuyên; đặc biệt trong ngày: “Vì nạn nhân CDDC Việt Nam” ngày 10/8, trong các dịp lễ Tết… nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự các cuộc gặp mặt nạn nhân, thăm hỏi các gia đình và Trung tâm nuôi dưỡng nạn nhân CDDC.

 

Cho đến nay Trung tâm Hội nạn nhân chất độc da cam/điôxin Việt Nam đã nhận được 12,5 triệu chữ ký của nhân dân khắp mọi miền đất nước và của nhiều bạn bè quốc tế ủng hộ Vụ kiện 37 công ty Mỹ sản xuất hóa chất độc sử dụng trong chiến tranh ở  Việt Nam tới Tòa án quận Brúc-Klin, bang Niu-Oóc - Hoa Kỳ, kêu gọi lương tri của cả loài người, đòi sự công bằng và công lý: Tại sao binh lính Mỹ đi rải chất độc điôxin xuống Việt Nam thì họ được chính quyền Mỹ bồi thường khi họ nhiễm chất độc, còn nhân dân Việt Nam ở vùng bị hứng chịu chất độc do lính Mỹ rải xuống thì lại bị khước từ?

 

Ngày 21 và 22 tháng 2 năm 2006, các luật gia quốc tế đã họp Hội nghị ở Hà Nội nhất trí lên tiếng ủng hộ Vụ kiện của các nạn nhân CDDC Việt Nam tại Tòa án Hoa Kỳ. Hội nghị quốc tế nạn nhân chất độc da cam/ điôxin tại Hà Nội trong 2 ngày 28 và 29 tháng 3 năm 2006 (gồm các đoàn đại biểu nạn nhân Việt Nam, Mỹ, Hàn Quốc, Ôxtrâylia, nhiều nhà hoạt động xã hội, khoa học đến từ Niu-Di-Lân, Canada, Anh, Đức, Pháp, Nga, Thụy Sĩ…) đã ra lời kêu gọi khẳng định một số công ty hóa chất Mỹ do chạy theo siêu lợi nhuận đã gây nên nhiều thảm họa và dứt khoát họ phải đền bù thiệt hại cho các nạn nhân…

 

Cũng chính vì vậy, ngày 20 tháng 4 năm 2006, 28 nghị sĩ Anh đã trình lên Quốc hội nước này một kiến nghị đòi Mỹ phải bồi thường cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Tạp chí Nhà sinh thái học (Anh) số 5-2006 vận động mọi người ủng hộ lời kêu gọi đề nghị Liên hiệp Quốc lấy ngày 10 tháng 8 hàng năm là: “Ngày quốc tế vì các nạn nhân của vũ khí hóa học”. Tại Hội nghị Quốc tế về giải trừ vũ khí hạt nhân, hóa học và sinh học (từ 6 đến 8 tháng 5 năm 2006) tại thành phố Xanhtê thuộc vùng Poi-TuSa-vanh-tê (Pháp), ông A.Bu-ni - Chủ tịch Ủy ban quốc tế ủng hộ Vụ kiện của các nạn nhân CDDC Việt Nam, tuyên bố rằng: “Ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam chính là ủng hộ hòa bình…”

 

Nỗi đau của nạn nhân CDDC/D Việt Nam cũng là nỗi đau chung của toàn xã hội Việt Nam, và cũng chính là nỗi đau của cả loài người. Sự ủng hộ, giúp đỡ giành cho nạn nhân CDDC/D Việt Nam ngày càng rộng khắp và to lớn. Chính là lương tri và trách nhiệm của loài người đòi sự công bằng và công lý.

 

 

BẠCH NHUNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek