Từ nhiều năm nay, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở huyện Sông Cầu, nhất là cấp giấy chứng nhận lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân luôn gây nhiều bức xúc trong nhân dân khi tiến độ giải quyết của cơ quan chức năng quá chậm. Tình trạng này gây nhiều khó khăn, phức tạp cho nhân dân trong việc sử dụng đất của nhân dân và trong công tác quản lý đất đai của chính quyền các địa phương.
Nhiều lô đất ở thị trấn Sông Cầu (huyện Sông Cầu) không thể cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do “ở đỗ” - Ảnh: ĐỨC THÔNG
Từ khi Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực thi hành, trên cơ sở Quyết định 1766/QĐ-UBND ngày 23/12/2005 của UBND huyện về phê duyệt phương án cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, huyện Sông Cầu có tổng số 12.846 thửa đất các loại phải cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân; đến nay, cơ quan chức năng đã tiếp nhận được 2.283 hồ sơ do UBND các xã, thị trấn chuyển đến, trong đó tham mưu cho UBND huyện giải quyết được 1.410 thửa đất, đạt tỷ lệ 11% trong tổng số thửa đất phải giải quyết và gần 62% so với tổng số hồ sơ tiếp nhận. Tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở huyện Sông Cầu quá chậm so với chỉ tiêu và quy định của Luật Đất đai năm 2003, Nghị định 181/CP của Chính phủ, các văn bản có liên quan do Trung ương, tỉnh ban hành. Nhiều ý kiến cho rằng đến năm 2008, huyện khó có thể hoàn thành được công tác này.
Theo Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Sông Cầu, từ năm 2004 đến nay, UBND huyện đã cấp 2.150 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (tương đương 2.150 thửa đất), với tổng diện tích hơn 1.739 ha. Trong đó, năm 2004 cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được 774 thửa đất với diện tích gần 1.617 ha; năm 2005 cấp cho 216 thửa đất với diện tích hơn 17 ha; năm 2006 cấp cho 696 thửa đất với diện tích gần 65 ha. Trong 6 tháng đầu năm 2007, cơ quan chức năng đã giải quyết 714 hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong đó cấp giấy cho 464 thửa, với diện tích 40 ha. Còn 250 thửa đất được giải quyết, đến nay người sử dụng đất chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Tìm hiểu nguyên nhân thực trạng trên, chúng tôi được biết: Khối lượng thửa đất cần phải cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn huyện quá lớn, đa số lại là đất ở, trong khi đó cán bộ của Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất còn thiếu, tinh thần trách nhiệm chưa cao, chưa tận tụy với công việc được giao và hạn chế về trình độ năng lực. Bên cạnh đó, các thửa đất có sự biến động quá lớn, nhất là ở địa bàn thị trấn Sông Cầu; còn ở 2 xã Xuân Lộc và Xuân Bình thì số lượng thửa đất phải giải quyết nhiều, nhưng lại chưa có bản đồ địa chính, phần lớn các thửa đất còn lại đều có đất ở… Chính vì vậy không thể căn cứ vào bản đồ kỹ thuật (bản đồ 299 TTg) để xử lý công việc, mà phải khảo sát thực địa để trích đo, chỉnh lý lại thửa đất. Thêm vào đó, có những hồ sơ đã đủ điều kiện nhưng cơ quan chức năng vẫn thực hiện các thao tác, thủ tục không cần thiết do tư tưởng cầu toàn, từ đó càng làm ảnh hưởng đến tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân. Một nguyên nhân khác cũng làm chậm quá trình cấp giấy là một số hộ dân không có khả năng hoặc không muốn thực hiện nghĩa vụ tài chính, nên số lượng hồ sơ tồn đọng khi chuyển qua cơ quan thuế chiếm tới gần 18% trong tổng số hồ sơ đã được giải quyết.
Để đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhất là việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân trong thời gian tới, UBND huyện Sông Cầu xác định phải tập trung chỉ đạo thực hiện kế hoạch cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng và thực hiện kế hoạch giải quyết hồ sơ tiếp nhận từng tuần, từng tháng với chỉ tiêu cụ thể, bảo đảm giảm hẳn và tiến tới chấm dứt tình trạng tồn đọng hồ sơ cấp giấy tại Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất. Đồng thời, huyện có văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết các công việc do cấp xã, thị trấn phải thực hiện khi giải quyết đối với những trường hợp có giấy tờ hoặc không có giấy tờ về quyền sử dụng đất, đất được sử dụng theo từng giai đoạn, tránh tình trạng cấp xã chỉ là nơi nhận hồ sơ rồi chuyển toàn bộ lên cấp huyện, tạo khối lượng công việc nặng nề không đáng có cho cơ quan chức năng. Một giải pháp khác là cần phân định và thực hiện rõ ràng chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ phận; việc tiếp nhận hồ sơ xin đăng ký quyền sử dụng đất phải tuân thủ theo đúng quy trình cấp giấy 1717 của huyện và “cơ chế một cửa”, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất không trực tiếp tiếp nhận hồ sơ về đất đai từ hộ gia đình, cá nhân. Đồng thời phải củng cố tổ chức, tăng cường cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ, công chức của Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất để có thể đảm đương tốt nhiệm vụ được giao.
THANH HIỀN