Thứ Hai, 30/09/2024 10:24 SA
Khi việc làm trở thành hàng hóa
Thứ Sáu, 20/07/2007 07:07 SA

Gần đây, nhiều điểm giao dịch việc làm đã được tổ chức tại các huyện ở Phú Yên, mô hình này sẽ được tổ chức định kỳ để tạo cơ sở hướng đến những “sàn giao dịch việc làm” trong nay mai. Tại những điểm giao dịch việc làm, các doanh nghiệp, trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức tiếp cận với người lao động có nhu cầu để giới thiệu thông tin về việc làm, trực tiếp tuyển dụng lao động và đã có tính chất “mua- bán” về việc làm. Điều này cho thấy việc làm đã và đang thực sự trở thành một dạng hàng hóa.

 

Tuy nhiên, thời gian qua các điểm giao dịch việc làm vẫn chưa thu hút được nhiều người lao động. Thậm chí, nhiều “phiên chợ” việc làm lại đìu hiu như…chợ chiều. Chẳng hạn, tại điểm giao dịch việc làm tổ chức tại huyện Tuy An mới đây, trong khi cùng lúc có bốn đơn vị tuyển dụng tham gia giới thiệu hàng trăm việc làm nhưng chỉ tuyển dụng được…ba lao động! Hàng trăm chỗ làm đưa ra “bán” tại “phiên chợ” này đều không có người “mua”!

 

Tình trạng các doanh nghiệp, trung tâm dịch vụ việc làm không tuyển dụng được lao động đã xảy ra lâu nay và trở thành vấn đề bức xúc, chưa giải quyết được. Thực tế, chưa bao giờ, các doanh nghiệp đang “khát” lao động như hiện nay. Trong khi đó, hàng vạn lao động ở nông thôn hiện vẫn đang thiếu hoặc chưa có việc làm. Phân tích nguyên nhân thực trạng này, các ngành chức năng cho rằng do thông tin về việc làm chưa đến được với nhiều người lao động; đa số lao động ở nông thôn ngại đi làm ở xa; mức lương chưa hấp dẫn người lao động… Chính vì thế, các điểm giao dịch việc làm được xem là cách làm mới nhằm đưa thông tin về thị trường lao động, đưa việc làm đến gần hơn với những người có nhu cầu. Đây cũng là mô hình mới để các nhà tuyển dụng và người lao động xích lại gần hơn, có điều kiện tiếp xúc với nhau. Thế nhưng, các điểm giao dịch việc làm vẫn tiếp tục trống vắng người lao động.

 

Hiện nay, người lao động đến các điểm giao dịch việc làm chủ yếu để xem, nghe giới thiệu thông tin về việc làm mà chưa có sự trao đổi trực tiếp, chưa được thỏa thuận với nhà tuyển dụng về các điều kiện làm việc, mức lương, điều kiện ăn ở. Điều này rất cần thiết đối với đa số người lao động. Lâu nay, các doanh nghiệp có tâm lý “ban ơn” khi tuyển dụng những người lao động thất nghiệp. Ngược lại, người lao động hầu như không dám đưa ra các điều kiện, hay thương lượng với nhà tuyển dụng. Do chưa được trao đổi với nhau, nhà tuyển dụng và người lao động thường ít tìm được tiếng nói chung.

 

Khi việc làm đã là hàng hóa, nhà tuyển dụng và người lao động cần tăng tính chất “mua- bán”, trao đổi, nhất là tính “sòng phẳng” trong giao thương. Hai bên đều có quyền đưa ra các điều kiện với nhau để trao đổi, thương lượng và có sự cam kết lâu dài trong quá trình làm việc. Việc “mua- bán” này cần có một cơ quan, đơn vị làm trung gian để giám sát việc thực hiện các cam kết sau này. Và điều quan trọng là cả nhà tuyển dụng và người lao động cần gần nhau hơn, tìm tiếng nói chung trong quá trình “mua- bán” loại hàng hóa rất đặc thù này.

 

TẤN LỘC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek