Từ TP Tuy Hòa, theo Quốc lộ I đi về phía bắc độ 5km, chúng ta bắt gặp một khu nhà đẹp đẽ, dáng vẻ như biệt thự của một doanh nhân, một “đại gia” nào đó. Nhưng đó lại là mái ấm dành cho các đồng chí thương binh, gia đình có công với cách mạng, những người già yếu, không nơi nương tựa và các cháu mồ côi. Đó là Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và bảo trợ xã hội (Trung tâm), một cơ sở của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Phú Yên.
Đồng chí Đinh Thanh Đồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh thăm Trung tâm. Người đứng là Giám đốc Trần Văn Thống - Ảnh: BẰNG TÍN
Nơi này trước đây vốn là trạm cơ khí nông nghiệp Bắc Phú Khánh, sau đó là Khu điều dưỡng thương binh nặng. Giờ đây sau hai lần tu sửa, nâng cấp, Trung tâm đã có một bộ mặt khang trang. Dãy nhà dành cho thương binh, bệnh binh, bà mẹ Việt
Mỗi năm Trung tâm tổ chức phục vụ hàng chục đợt điều dưỡng ngắn ngày cho hàng trăm người. Riêng 6 tháng đầu năm 2007, Trung tâm đã đón tiếp 7 đợt điều dưỡng cho 298 đối tượng gồm 169 thương, bệnh binh, 70 thân nhân liệt sĩ, 30 cựu tù chính trị yêu nước và các đối tượng người có công khác. Chỉ cần 10 ngày điều dưỡng tại Trung tâm, từ các đồng chí thương, bệnh binh đến các cụ lão thành cách mạng đều thấy sức khỏe được nâng lên rõ rệt.
Ngoài việc phục vụ các đợt điều dưỡng ngắn ngày, Trung tâm còn có nhiệm vụ nuôi dưỡng các đối tượng chính sách, các cụ già yếu không nơi nương tựa và các cháu mồ côi. Hiện Trung tâm đang nuôi dưỡng 69 người (12 cụ diện chính sách, 42 cụ diện bảo trợ xã hội và 15 trẻ mồ côi). Các cụ xem Trung tâm như nhà mình, gắn cả cuộc đời còn lại với Trung tâm. Ai đến thăm Trung tâm cũng đều xúc động vì nghĩa cử cao đẹp của cán bộ, nhân viên. Bởi vì các anh, chị ở đây chẳng những tận tình thương yêu, chăm sóc các cụ khi còn sống, mà còn lo khi các cụ đã về cõi vĩnh hằng. Trung tâm đã xây dựng một nhà thờ nhỏ trang nghiêm để thờ phụng những người đã mất tại đây. Khi các cụ qua đời, nếu còn người thân thì Trung tâm và gia đình cùng chung lo việc mai táng. Cụ nào không có thân nhân thì Trung tâm lo mồ yên mả đẹp và đặt bài vị thờ phụng tại nhà thờ của Trung tâm. Đã có 16 cụ vì già, yếu, bệnh tật qua đời đã được thờ phụng tại đây.
Trong các ngày lễ, tết, ngoài số quà của các cơ quan, đoàn thể đến thăm tặng Trung tâm, bằng những sản phẩm do công sức tăng gia sản xuất (nuôi heo, bò, trồng rau) góp thêm vào cho bữa ăn ngày Tết thêm dồi dào. Dịp Tết Đinh Hợi 2007 vừa qua, Trung tâm đã chuẩn bị trên 120kg thịt heo và các thực phẩm, bánh tét, hoa quả, tổ chức bốn ngày Tết cho các cụ tươm tất. Phòng ở các cụ có bình hoa, cỗ chuối làm cho khung cảnh thêm tươi vui, ấm cúng.
Tôi đã đọc quyển sổ ghi cảm tưởng và nghe những lời góp ý chân tình của các đồng chí thương binh, các bà mẹ Việt Nam anh hùng và các đối tượng chính sách, tất cả đều tỏ lòng cảm ơn về sự phục vụ tận tình của anh, chị em cán bộ, nhân viên Trung tâm. Một cán bộ cách mạng lão thành đã nói: Công việc của các anh, chị em ở đây âm thầm, lặng lẽ, nhưng mang nhiều ý nghĩa. Có thể nói chính họ đã thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà thực hiện một phần chính sách thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn trái nhớ người trồng cây” của dân tộc ta làm vơi đi phần nào nỗi đau mất mát của những người đã đổ xương máu vun trồng “cây độc lập” cho nó nở “trái tự do” hôm nay. Đồng thời các anh, chị cũng bồi đắp, làm giàu thêm truyền thống nhân ái, “thương người như thể thương thân” của dân tộc, góp phần đùm bọc, cưu mang, an ủi những mảnh đời bất hạnh cho cuộc đời, cho xã hội bớt cảnh đau thương.
Toàn thể cán bộ, nhân viên Trung tâm làm việc tận tụy, hết lòng hết sức, vì họ thấy rõ trách nhiệm nặng nề của công việc mình làm. Nhưng trước hết chính là bắt đầu từ tình yêu con người, tình yêu đồng chí đồng đội sâu nặng của họ. Trong hơn một tiểu đội cán bộ, nhân viên Trung tâm thì có hai chị là vợ thương binh, còn lại hầu hết là vợ bộ đội. Giám đốc Trần Văn Thống là thương binh loại 2/4 thời chống Mỹ. Anh bị vết thương khá nặng, nằm liệt một chỗ, tưởng đời đã tàn. Nhưng nhờ các thầy thuốc giỏi và sự nỗ lực của bản thân mà sức khỏe phục hồi dần như hiện nay. Là thương binh nặng, tôi đã nhiều lần được về điều dưỡng tại Trung tâm. Nhiều lần, giữa đêm khuya, mọi người đã chìm vào giấc ngủ, tiếng ì ầm của động cơ xe ô-tô, xe máy lưu thông trên quốc lộ đã im ắng, cả tiếng gió cũng không còn xào xạc trong các lùm cây. Bỗng nghe tiếng “cộp, cộp” phát ra từ chiếc chân giả của anh Thống đi canh chừng giấc ngủ của đồng chí, đồng đội mình, lòng tôi dấy lên niềm xúc động, xốn xang.
Tình yêu và trách nhiệm. Hai phẩm chất cao đẹp đó hòa quyện vào nhau, bổ sung cho nhau, như đôi cánh lớn, giúp giám đốc Trần Văn Thống và các cán bộ, nhân viên Trung tâm, vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ, lúc nào cũng vui vẻ, miệng nói tay làm.
Cùng với các chương trình “đền ơn đáp nghĩa” khác được các cấp, các ngành, các đơn vị, địa phương và các tầng lớp nhân dân triển khai sâu rộng trong phạm vi cả tỉnh, những việc làm của Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và bảo trợ xã hội tỉnh, không chỉ mang ý nghĩa chính trị sâu sắc, thể hiện giá trị nhân văn và đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, mà còn có ý nghĩa thực tiễn góp phần ổn định đời sống để các đồng chí thương binh, bệnh binh, các gia đình liệt sĩ, gia đình chính sách vươn lên phấn đấu trở thành “người công dân kiểu mẫu”, “gia đình cách mạng gương mẫu” như sinh thời Bác Hồ kính yêu từng căn dặn.
BẰNG TÍN