Thứ Tư, 27/11/2024 07:35 SA
Người thương binh sản xuất giỏi
Thứ Năm, 05/07/2007 07:31 SA

Tuy mất một phần sức lao động nhưng ông Trần Văn Bàn đã vươn lên từ hai bàn tay trắng, trở thành chủ trang trại. Ông là thương binh sản xuất giỏi nhất xã Sơn Nguyên (Sơn Hòa).

 

NGƯỜI LÍNH CỤ HỒ

 

Năm 1964, chàng trai Trần Văn Bàn quê ở Đồng Ích (huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) lên đường nhập ngũ khi vừa tròn 22 tuổi. Sau 3 tháng huấn luyện, ông tham gia chiến đấu ở mặt trận Tây Nguyên.

 

070704-thuong-binh.jpg

Ảnh: T.HIẾU

Ông Bàn nhớ lại: “Thời gian chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên đã để lại trong tôi rất nhiều kỷ niệm. Vào năm 1967, khi đang là tiểu đội trưởng, tôi bị thương trong khi cùng đơn vị đánh một trận rất dữ dội trên sông IaSup (Đắc Lắc). Tôi được đồng đội băng bó rồi đưa về bệnh viện 2 Tây Nguyên chữa trị. Ở bệnh viện, tôi được các y bác sĩ chăm sóc rất tận tình, nhờ vậy mà sức khoẻ hồi phục”.

 

Khi vết thương đã lành, ông Bàn xin trở lại đơn vị để tiếp tục chiến đấu cùng đồng đội. Ông là một trong những chiến sĩ ngoan cường và anh dũng, lập được rất nhiều chiến công. Ông được thưởng 5 huân chương Chiến công kháng chiến chống Mỹ, 3 huân chương Chiến sĩ giải phóng, 2 huân chương Chiến sĩ vẻ vang và 1 huân chương kháng chiến. Ông Bàn sống rất hoà đồng nên được nhiều anh em trong đơn vị quí mến.  Ông nói: “Đơn vị chúng tôi sống chết có nhau, như anh em  trong một nhà. Đến giờ, tôi vẫn còn nhớ rõ hình ảnh những đồng chí ở cùng đơn vị”.      

                                                                                           

Chiến đấu ở mặt trận Tây Nguyên được 9 năm, đến năm 1972, Trần Văn Bàn được Trung đoàn 250 thuộc Cục Hậu cần Quân khu 5 cử đi học ở Trường Sĩ quan Quân khu 5 (Đà Nẵng). Sau 2 năm, ông hoàn thành khoá học, ra trường với cấp bậc trung uý, công tác tại Ban Chính trị Trung đoàn 250 Quân khu. Đến tháng 10/1975, Trần Văn Bàn được Bộ Tư lệnh Quân khu 5 điều về làm trợ lý cho trung tướng Nguyễn Huy Chương, phụ trách chính sách quân đội. Trong thời gian làm trợ lý, ông còn là cây bút cộng tác thường xuyên với Báo Quân Đội. Đến năm 1984, ông xin nghỉ hưu khi  đang là đại úy quân đội.

 

ÔNG CHỦ TRANG TRẠI

 

Cuối năm 1984, Trần Văn Bàn cùng vợ là bà Nguyễn Thị Minh Quế rời quê hương đến xã Sơn Nguyên (huyện Sơn Hoà) lập nghiệp. Ông mua 5 sào đất và cất một cái nhà vách đất. Chồng là thương binh, vợ là bệnh binh, lại lập nghiệp ở vùng đất còn hoang sơ thường xuyên nắng hạn, mất mùa nên ban đầu, cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng với ý chí, tinh thần lạc quan, chịu khó và hăng say lao động, ông quyết tâm làm giàu trên vùng đất này. Ngày qua ngày, hai vợ chồng  bỏ sức khai hoang để có đất trồng mía, sắn và lúa một vụ. Đến mùa thu hoạch, vợ chồng ông lại bỏ công ra làm nên cũng kiếm được vài triệu đồng. Tích lũy được một số vốn, ông Bàn thuê nhân công khai hoang thêm đất và đầu tư thâm canh mía, sắn. Nhờ vậy mà mỗi năm, diện tích mía và sắn mì của ông thêm mở rộng, thu nhập năm sau cao hơn năm trước.

 

Đến nay, ông đã có 15 ha đất trồng mía và sắn mì. Ngoài việc trồng trọt, vợ chồng ông còn đầu tư nuôi bò và gà nên hàng năm thu nhập của gia đình không dưới 250 triệu đồng. Điều đáng nói ở đây là vợ chồng ông là thương binh, bệnh binh cũng không phải người đến vùng đất này sớm nhất nhưng làm ăn có hiệu quả nhất. Nhiều gia đình khác trong xã và những đồng đội ngày truớc đã đến tham quan, học hỏi cách làm kinh tế của gia đình ông. Năm 1991, ông được Bộ Lao động-Thương binh và xã hội tặng bằng khen. Và nhiều năm liền, ông được UBND tỉnh tặng bằng khen. Năm 1999, ông đại diện cho những thương binh ở Phú Yên đi dự hội nghị thương binh và gia đình có công cách mạng, có thành tích trong thời kỳ đổi mới tổ chức tại TP Hồ Chí Minh.

 

Khi gia đình có kinh tế ổn định, con cái đứa nào cũng ra trường và có công việc làm, ông Bàn giúp đỡ nhiều gia đình trong xã và đồng đội của mình đang gặp khó khăn. Ông cho mỗi người mượn 10 triệu đồng để có vốn đầu tư trồng mía. Đến nay, những người mượn vốn của ông đều làm ăn khá lên, nhà nào ít nhất cũng có được 2 ha mía. Anh Cao Văn  Giáp, một người dân được ông Bàn cho mượn vốn, nói: “Trước đây gia đình tôi rất khó khăn. Nhờ ông Bàn cho mượn 10 triệu đầu tư mua giống mía và phân nên đến nay gia đình tôi đã trồng được 3 ha mía. Vụ mía vừa rồi vợ chồng tôi đã thu được 40 triệu đồng, nhờ vậy mà có tiền trang trải trong gia đình và trả nợ”.

 

Ông Lê Hữu Thọ, Chủ tịch UBND xã Sơn Nguyên nhận xét: “Vợ chồng ông Trần Văn Bàn là thương binh bệnh binh mất sức lao động, nhưng rất cố gắng làm ăn và vươn lên từ hai bàn tay trắng. Không chỉ là nông dân sản xuất giỏi nhất của xã, ông Bàn còn tạo điều kiện cho những người có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là những đồng đội ngày trước có vốn trồng trọt chăn nuôi, cải thiện đời sống. Ông là người tiêu biểu nhất xã Sơn Nguyên”.

 

TRUNG HIẾU

                         

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek