Trong giai đoạn từ năm 2011-2015, vùng bãi ngang ven biển Phú Yên đã có sự thay đổi tích cực, đời sống nhân dân được nâng lên, tỉ lệ hộ nghèo giảm… Có được điều này là nhờ thực hiện hiệu quả Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng thiết yếu cho các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển của Chính phủ.
Theo thống kê của Sở LĐ-TB-XH, qua 5 năm thực hiện, các địa phương đã xây dựng kế hoạch và đầu tư 85 công trình phục vụ dân sinh; trong đó, 50 công trình đường giao thông nông thôn, 6 công trình trường học, 3 chợ, 2 hệ thống thủy lợi; 1 kè ngăn mặn; 2 công trình nước sạch; 1 công trình mở rộng trạm y tế; 3 công trình điện đường; 16 công trình nhà văn hóa; 1 sân vận động và duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng 22 công trình. Tổng kinh phí thực hiện trên 81 tỉ đồng; trong đó Trung ương hỗ trợ trên 65 tỉ đồng, ngân sách địa phương hơn 15 tỉ đồng, còn lại do người dân đóng góp. |
Năm 2013, Phú Yên có thêm 8 xã được đưa vào kế hoạch đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu xã bãi ngang ven biển, nâng tổng số xã bãi ngang ven biển toàn tỉnh lên 16 xã. Đây là những xã nằm ngoài Chương trình 135, có tỉ lệ hộ nghèo 25% trở lên, dưới 30% hộ sử dụng nước sạch, còn thiếu kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất nuôi trồng thủy sản…
Ông Võ Văn Binh, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH, cho biết: “Chương trình vùng bãi ngang làm thay đổi hẳn bộ mặt nông thôn các xã vùng ven biển. Tại các địa phương này, nhiều công trình dân sinh đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Trong giai đoạn 2011-2015, Nhà nước hỗ trợ mỗi xã bãi ngang ven biển hơn 1 tỉ đồng/năm để xây dựng các kết cấu hạ tầng thiết yếu, như đường giao thông nông thôn, bờ bao chống triều cường, kè, công trình thủy lợi, trạm bơm cấp nước biển cho nuôi trồng thủy sản, làm đường ra bến cá, chợ cá…”.
Xã An Chấn được công nhận xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển từ năm 2013. Đến nay, trên địa bàn xã, ba công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu được xây dựng; trong đó, công trình chợ trung tâm xã được Trung ương hỗ trợ 800 triệu đồng. Sau khi đưa vào hoạt động từ cuối năm 2013 đến nay, chợ trung tâm xã đã đáp ứng nhu cầu của đại bộ phận người dân trong xã. Bà Nguyễn Thị Hồng ở thôn Mỹ Quang Bắc, nói: Từ ngày có chợ mới khang trang, sạch sẽ, đường sá được bê tông, bà con chúng tôi vui mừng lắm. Còn chị Nguyễn Thị Hoa ở xã An Hải (huyện Tuy An) phấn khởi: “Mấy năm nay, nhiều tuyến đường ven biển đã được bê tông xi măng nên việc đi lại, buôn bán rất thuận tiện”.
Ngoài ra, các xã bãi ngang còn lại ở các huyện Tuy An, Đông Hòa, TX Sông Cầu, TP Tuy Hòa… cũng được đầu tư nhiều công trình và phát huy hiệu quả. Tất cả công trình đã đáp ứng nhu cầu và mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, góp phần cải thiện đời sống người dân, xóa đói giảm nghèo. Các chợ nông thôn cũng làm cho bộ mặt các xã vùng biển có nhiều khởi sắc, góp phần đáng kể phục vụ sinh hoạt đời sống, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Hệ thống kênh mương thủy lợi của địa phương đã chủ động tưới tiêu, giúp nhân dân sản xuất ổn định…
“Khai thác tiềm năng để phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân là mục tiêu mà Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng thiết yếu cho các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển hướng đến. Trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và tập trung đầu tư những công trình giải quyết nhu cầu bức xúc nhất của nhân dân, tổ chức có hiệu quả việc huy động nguồn vốn trong nhân dân và vốn đối ứng của các địa phương. Riêng một số hạng mục công trình của năm 2015, các chủ đầu tư tiếp tục đẩy mạnh công tác thi công và phấn đấu đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão năm 2015”, ông Võ Văn Binh cho biết.
HOÀNG LÊ