Hơn một tháng qua, nhiều người lùng sục khắp các địa phương trong tỉnh thu mua cau non bán cho thương lái xuất sang Trung Quốc. Điều bất thường ở chỗ, năm nay giá mua cau non được đẩy lên rất cao, trong khi đó, mục đích của việc thu mua này vẫn chưa được xác định.
Người dân xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa) cân cau non bán cho người thu mua lẻ để xuất sang Trung Quốc - Ảnh: K.HÀ |
LÙNG SỤC TÌM CAU NON
Thời gian qua, các thương nhân Trung Quốc đã nhiều lần sang Việt Nam thu mua các mặt hàng bất thường với giá cao. Trung Quốc từng thu mua ong bầu với giá 500.000 đồng/kg ong tươi, 1 triệu đồng/kg ong bầu khô; thu mua rễ cây sim với giá 2.500 đồng/kg rễ tươi, khiến người dân xới tung và tàn phá đồi núi, rừng tự nhiên để tìm chặt sim lấy rễ; thu mua lá điều khô để đốt; mua móng trâu, bò với giá rất cao, thậm chí, cao hơn giá bán của một con trâu, bò; thu mua mèo với giá cao dẫn đến đại dịch chuột hoành hành. Kỳ dị hơn, Trung Quốc còn mua cả đỉa khô với giá từ 1 đến 2 triệu đồng/kg khiến người dân không chỉ đổ xô ra đồng bắt đỉa mà còn thi nhau nuôi đỉa… |
Theo chân một người thu mua cau non tại phường Phú Đông, chúng tôi được biết, cách đây hơn một tháng, nhiều thương lái đã tìm về các vùng quê thu mua cau non. Tuy Phú Yên không trồng cau tập trung, chỉ trồng rải rác ở các hộ gia đình, nhưng những người thu mua lẻ vẫn không ngại đến mọi ngõ ngách để tìm mua. Họ mua những trái cau còn non, kể cả cau kiểng với giá dao động từ 10.000 đến 14.000 đồng/kg (kể cả cuống buồng). Thấy được giá, nhiều người dân đã không ngần ngại bán. Thậm chí, một số người còn kêu gọi người thân, bạn bè ở các xã, huyện khác trong tỉnh có trồng cau thu gom lại để thương lái đến nhà mua. Bà Nguyễn Thị Thành ở xã Hòa Tân Tây (huyện Tây Hòa), cho biết: “Gia đình tôi trồng được 7 cây cau, ra trái suốt. Lâu lâu mới có người trong xóm xin mấy buồng để làm mâm quả lễ cưới hỏi, còn bình thường chỉ để chưng cho đẹp nhà. Nay có người đến tận nhà hỏi mua với giá cao nên tôi lấy làm lạ. Dù không biết người ta mua cau non làm gì và xuất đi đâu, thấy có tiền tôi chặt buồng cau bán đại”. Còn chị Phạm Thị Lựu (phường Phú Đông, TP Tuy Hòa), một người thu mua cau lẻ, nói: “Tôi vốn làm nghề thu mua phế liệu, đi khắp nơi nên biết khá nhiều hộ gia đình có trồng cau trong khuôn viên nhà. Hơn một tháng nay, tôi theo mấy chị trong xóm đi khắp nơi thu mua cau non bán lại cho chủ đầu mối kiếm lời. Chúng tôi mua nguyên buồng cau, sau đó về tách trái ra khỏi cuống, cho vào thùng xốp và đợi chủ đầu mối tới chở đi. Nghe đâu họ mang cau ra Bắc, luộc chín, sấy khô rồi đóng bao xuất sang Trung Quốc”.
Hiện tượng mua cau non bất thường này không chỉ diễn ra ở Phú Yên mà còn ở nhiều địa phương trong cả nước. Thấy thu mua cau non có lời nên một số người Phú Yên đã không quản ngại xa xôi, rủ nhau ra Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, những nơi vốn nổi tiếng là “vựa” cau để thu mua cau non bán lại cho thương lái.
NHIỀU BẤT THƯỜNG
Theo nhiều người thu mua cau, bình thường, với mỗi buồng cau già, đẹp, bán giá được nhất là 5.000 đồng/kg. Nhưng năm nay, lần đầu tiên người dân bán được cau non với giá cao gấp 2 đến 3 lần. Nhiều người cho rằng, cau non có ruột màu trắng, có nước ở giữa trái, rất khó để sản xuất được sản phẩm gì.
Theo các y, bác sĩ của Hội Đông Y Phú Yên, hạt cau vị chát, tính ôn, có tác dụng diệt trùng, trừ giun sán, hành thủy; vỏ trái cau vị hơi cay, tính ôn, có tác dụng thông tiểu tiện, hạ khí. Hoa, trái, thậm chí cả rễ của cây cau đều có nhiều tác dụng chữa bệnh rất tốt, từ ho, dạ dày, khó tiêu, chán ăn, hen suyễn…
Theo một số người thu mua lẻ thì cau non được xuất sang Trung Quốc để làm kẹo. Tuy nhiên, thông tin này không có căn cứ. Ông Lê Văn Tính ở phường 8, TP Tuy Hòa, cho rằng không cần biết các thương lái thu mua cau non để làm gì và xuất đi đâu nhưng đây là một bất thường, cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng. Ông Tính nói: “Gần đây, trong nước thường xuyên xảy ra tình trạng thương lái ồ ạt mua các mặt hàng nông phẩm xuất sang thị trường Trung Quốc mà không rõ nguyên nhân. Điều này đã gây lên sự xáo trộn không nhỏ trong tâm lý người nông dân cũng như việc quy hoạch trồng cây nông sản của các địa phương”.
Theo ông Trần Văn Cư, Chủ tịch Hội Nông dân Phú Yên, cây cau không phải là cây trồng chính và cũng không mang lại hiệu quả kinh tế cao, chủ yếu trồng làm cảnh. Dù biết có tình trạng thu mua cau non trên địa bàn để bán sang Trung Quốc nhưng hội rất khó quản lý, vì người dân bán lẻ, rải rác cho những người thu mua trung gian, không bắt gặp trực tiếp người Trung Quốc đến mua. Tuy nhiên, người dân cũng cần phải đề cao cảnh giác, không nên chạy theo cái lợi trước mắt mà tiếp tay cho hoạt động mua bán này, làm ảnh hưởng đến tâm lý sản xuất nông nghiệp.
KHÁNH HÀ