Thời gian qua, cùng với những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và sự quan tâm của toàn xã hội, cuộc sống của người khuyết tật nói chung và phụ nữ khuyết tật nói riêng phần nào giảm bớt khó khăn. Tuy nhiên, để phụ nữ khuyết tật xóa bỏ mặc cảm, phấn đấu vươn lên khẳng định mình thì sự chung tay góp sức của cộng đồng rất quan trọng.
NỖ LỰC SẺ CHIA
Hơn 4 năm nay, chị Trần Thị Sương ở thôn Ngọc Phước 1 (xã Bình ngọc, TP Tuy Hòa) bị tai biến, khiến một người đang khỏe mạnh, lành lặn bỗng chốc trở thành người tàn phế. Chị Sương ứa nước mắt nói: “Ngày trước, khi còn khỏe, tôi còn buôn bán túc tắc ở chợ kiếm tiền để trang trải cuộc sống hàng ngày. Bây giờ, chân tay tê liệt, tôi không còn làm được gì nữa rồi”. Với người phụ nữ 50 tuổi này, từ ngày bị bệnh, chị suốt ngày quanh quẩn trong nhà, không thể đi ra ngoài kiếm tiền trong khi cuộc sống gia đình bộn bề khốn khó. Anh Nguyễn Văn Hở, chồng chị, hàng ngày đi xúc cát thuê ở sông Ba, mùa nắng làm mùa mưa nghỉ, thu nhập bữa đực bữa cái. Gia đình lại không có ruộng đất nên cuộc sống “ăn gạo chợ, uống nước sông” của vợ chồng chị Sương hết sức bấp bênh.
Thấu hiểu cuộc sống khó khăn của chị, chính quyền và Hội LHPN xã Bình Ngọc đã tổ chức đi quyên góp được trên 2 triệu đồng để giúp chị chữa bệnh; làm chế độ nhận tiền trợ cấp của người khuyết tật 270.000 đồng/tháng cho chị. Ngoài ra, hội phụ nữ, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã còn hỗ trợ cho vợ chồng chị xóa nhà ở tạm, có nơi che mưa che nắng. Chị Sương nói rằng: Trong những lúc khó khăn nhất, gia đình đã nhận được sự chia sẻ, giúp đỡ của hội phụ nữ, chính quyền địa phương. Chúng tôi sẽ không quên tấm lòng cũng như sự quan tâm của mọi người dành cho mình.
Chị Đinh Thị Huệ, Phó chủ tịch Hội LHPN xã Bình Ngọc, cho hay: Ngoài chị Sương, trong xã còn nhiều chị em khác rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Điển hình như các chị Lê Thị Liễu, Nguyễn Thị Phượng, Nguyễn Thị Kim Dung… người khuyết tật, người mắc bệnh hiểm nghèo… Thời gian qua, Hội LHPN xã Bình Ngọc cùng các ban ngành đoàn thể địa phương cũng đã triển khai các hoạt động vận động trợ giúp gạo, tiền, hỗ trợ xóa nhà ở tạm… tạo điều kiện cho chị em thụ hưởng các chế độ trợ cấp theo quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, khó khăn mà chị em phải đối mặt với cuộc sống hàng ngày còn rất lớn.
Không chỉ Hội LHPN xã Bình Ngọc mà tổ chức hội phụ nữ ở các địa phương khác trong tỉnh cũng đặc biệt lưu tâm đến việc trợ giúp phụ nữ khuyết tật, phụ nữ nghèo đơn thân… vươn lên hòa nhập cuộc sống cộng đồng. Theo thông tin từ Hội LHPN tỉnh, từ năm 2010 đến 2014, các cấp hội đã tạo điều kiện hỗ trợ cho gần 51.000 hội viên tiếp cận nguồn vốn vay với số tiền gần 957 tỉ đồng. Qua đó, 43.141 phụ nữ nghèo, 20.241 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ được giúp xóa đói giảm nghèo, trong đó có 4.578 hộ thoát nghèo. Ngoài ra, với nhóm phụ nữ yếu thế này, các cấp hội còn vận động các đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và cán bộ, hội viên phụ nữ trong tỉnh huy động trên 3,9 tỉ đồng xây 210 “Mái ấm tình thương” cho phụ nữ nghèo, đơn thân, khuyết tật có nhà ở ổn định, an cư lạc nghiệp...
CẦN SỰ CHUNG TAY GÓP SỨC
Theo thống kê của Bộ LĐ-TB-XH, Việt Nam hiện có khoảng 6,7 triệu người khuyết tật, trong đó có 3,6 triệu người khuyết tật là nữ. Người khuyết tật gặp rất nhiều trở ngại trong cuộc sống, trong đó phụ nữ khuyết tật gặp khó khăn rất nhiều so với nam do những định kiến về giới.
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, chương trình và triển khai các hoạt động trợ giúp cho phụ nữ khuyết tật giảm bớt khó khăn, phát huy năng lực bản thân, vươn lên hòa nhập với xã hội. Phụ nữ, trẻ em gái thuộc nhóm đối tượng này được hưởng các chính sách ưu đãi về tín dụng, giáo dục, đào tạo, y tế; được ưu tiên trong các chương trình giảm nghèo, việc làm quốc gia… Tuy nhiên thực tế, người khuyết tật ít được tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, tìm việc làm…
Mới đây, Tỉnh hội cũng đã tổ chức truyền thông đề án “Trợ giúp người khuyết tật” năm 2015 cho 600 cán bộ, hội viên và phụ nữ khuyết tật ở 12 xã, thị trấn trong tỉnh. Đợt truyền thông này tập trung vào các nội dung như: phổ biến các chủ trương, chính sách của Nhà nước đối với người khuyết tật; Luật Người khuyết tật và quyền bình đẳng của phụ nữ khuyết tật; đề án Trợ giúp người tàn tật tỉnh giai đoạn 2012-2020; các luật Bình đẳng giới, Phòng chống bạo lực gia đình; chống phân biệt đối xử đối với phụ nữ khuyết tật; nêu gương người tốt việc tốt, những điển hình vượt khó của người khuyết tật, những mô hình hoạt động hiệu quả trong việc giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng... Thông qua đó, tổ chức hội giúp phụ nữ khuyết tật ở các địa phương được giao lưu, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng trong cuộc sống, công việc; nắm bắt thông tin về quyền của người khuyết tật... từng bước giúp chị em xóa bỏ mặc cảm, phấn đấu vươn lên khẳng định mình.
Làm thế nào để tăng cường năng lực cho phụ nữ khuyết tật nghèo, tạo cơ hội cho chị em hòa nhập xã hội, giảm bớt mặc cảm tự ti của bản thân; chăm sóc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật, vận động xã hội hỗ trợ phụ nữ khuyết tật tiếp cận các dịch vụ xã hội hiệu quả nhất; giúp đỡ người khuyết tật có việc làm ổn định thực sự hòa nhập được với cộng đồng theo hướng “Cho con cá không bằng cho cần câu cá”… là những vấn đề không nhỏ. “Để thực hiện được những điều này rất cần sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng ở địa phương và toàn xã hội”, Trưởng ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Thanh Hà chia sẻ. |
LAN KHANH