Ngày 20/11/2014, Chính phủ ban hành Nghị định 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế. Nghị định này nhằm tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế khu vực hành chính, sự nghiệp công lập để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, góp phần nâng cao chất lượng nền công vụ trong thời gian tới, nên rất được sự quan tâm của đông đảo CNVCLĐ. Trước vấn đề này, vai trò của Công đoàn khá quan trọng.
ĐỐI TƯỢNG, TRƯỜNG HỢP THUỘC DIỆN TINH GIẢN
Công đoàn các cấp phải thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện đúng đối tượng, đúng diện tinh giản, được hưởng đầy đủ chế độ, chính sách theo quy định để đảm bảo việc tinh giản biên chế phải được thực hiện khách quan, công bằng, công khai, dân chủ, đúng pháp luật. |
Trước hết, đối tượng áp dụng của Nghị định 108 là cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp xã; viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập; người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn quy định tại Nghị định 68/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số công việc trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp; chủ tịch công ty, thành viên hội đồng thành viên, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng, kiểm soát viên trong các công ty TNHH một thành viên do Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội làm chủ sở hữu; những người là cán bộ, công chức được cơ quan có thẩm quyền cử làm đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn nhà nước; người làm việc trong biên chế được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao tại các hội đặc thù.
Các trường hợp nào thì thuộc diện tinh giản biên chế? Đó là cán bộ công chức viên chức (CBCCVC) dôi dư do rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, hoặc do đơn vị sự nghiệp công lập sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự để thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm; những người bị dôi dư do cơ cấu lại vị trí việc làm nhưng không thể bố trí, sắp xếp được việc làm khác; những người chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ quy định theo vị trí việc làm đang đảm nhiệm nhưng không có việc làm khác phù hợp để bố trí và không thể bố trí đào tạo lại để chuẩn hóa về chuyên môn; những người có chuyên ngành đào tạo không phù hợp với vị trí việc làm đang đảm nhiệm nên bị hạn chế về năng lực hoàn thành công việc được giao nhưng không thể bố trí việc làm khác; những người có 2 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, được phân loại, đánh giá xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực; những người trong 2 năm liên tiếp, mỗi năm có tổng số ngày nghỉ làm việc vượt quá số ngày nghỉ tối đa do ốm đau theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.
CHÍNH SÁCH, CHẾ ĐỘ ĐƯỢC HƯỞNG
Khi thuộc diện tinh giản biên chế, CNVCLĐ được hưởng những chính sách, chế độ tùy theo đối tượng cụ thể, độ tuổi, thời gian tham gia BHXH, môi trường và điều kiện làm việc, mức độ công việc nặng nhọc, độc hại và khu vực công tác... mà chính sách, chế độ cũng khác nhau nhưng lưu ý có 3 nhóm chính.
Một là nhóm những người về hưu trước tuổi, tuổi đời từ 55-58 (đối với nam); 50-53 (đối với nữ) và có 20 năm đóng BHXH trở lên, nếu thuộc diện tinh giản biên chế sẽ được hưởng chính sách, chế độ sau: Được về hưu trước tuổi mà không bị trừ tỉ lệ phần trăm lương hưu do về trước tuổi; được trợ cấp 3 tháng tiền lương cho 1 năm về hưu trước tuổi; được hưởng 5 tháng tiền lương cho 20 năm làm việc có đóng BHXH, từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm được trợ cấp 1/2 tháng lương. Chính sách, chế độ này cũng áp dụng đối với CBCCVC làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại và khu vực có hệ số phụ cấp 0,7 trở lên nhưng được tính sớm hơn 5 năm so với làm việc trong môi trường bình thường.
Hai là nhóm những người chuyển công tác sang khu vực ngoài Nhà nước, đối tượng này sẽ được hưởng 3 tháng tiền lương hiện hưởng; trợ cấp 1/2 tháng lương cho mỗi năm làm việc có đóng BHXH.
Ba là nhóm những người thôi việc, sẽ được trợ cấp 3 tháng tiền lương để tìm việc và được 1/2 tháng lương cho mỗi năm làm việc có đóng BHXH.
Vấn đề việc làm, tinh giản biên chế luôn là vấn đề rất khó khăn và rất phức tạp vì đụng chạm đến quyền lợi của từng con người, tới việc làm, đời sống, thu nhập, danh dự... của CBCCVC. Chính vì vậy, tổ chức công đoàn, nhất là CĐCS, nơi thực hiện tinh giản biên chế có vai trò, trách nhiệm rất lớn trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động khi thực hiện tinh giản biên chế. Trước hết, ban chấp hành CĐCS cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền, chuyên môn tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung chính sách, chế độ theo tinh thần Nghị định 108/2014/NĐ-CP tới CBCCVC để mọi người hiểu đầy đủ quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Công đoàn phải tham gia xây dựng, góp ý đề án tinh giản biên chế, đề xuất với chính quyền, chuyên môn các tiêu chí mang tính định lượng cụ thể để xét các trường hợp thuộc diện tinh giảm đúng đối tượng, hạn chế tối đa các tiêu chí định tính chung chung, như vậy sẽ thuận tiện hơn trong việc xét duyệt. Tổ chức hội nghị lấy ý kiến tham gia của CBCCVC vào các nội dung đề án, nội dung các tiêu chí tinh giản biên chế, các chính sách, chế độ đãi ngộ... để nhận được sự đồng tình, ủng hộ của CBCCVC thì khi triển khai sẽ thuận lợi hơn.
Lưu ý các trường hợp chưa xem xét tinh giản biên chế như những người đang trong thời gian ốm đau, bệnh tật có xác nhận của cơ quan y tế; CBCCVC và NLĐ đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; những người đang trong thời gian xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời tổ chức tiếp CBCCVC và người lao động để kịp thời trả lời các thắc mắc, khiếu nại và tư vấn các nội dung có liên quan đến tinh giản biên chế, giải quyết tốt mọi khiếu nại, kiến nghị ngay từ cơ sở.
HUỲNH KIM HÙNG
Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh