Thứ Sáu, 10/01/2025 15:00 CH
Thực hiện Luật lưu trữ ở Phú Yên: Còn nhiều việc phải làm
Thứ Sáu, 14/08/2015 11:00 SA

Qua 3 năm thực hiện Luật Lưu trữ ở Phú Yên, công tác lưu trữ tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến tích cực. Công tác này góp phần lưu giữ nhiều tài liệu lịch sử quý giá giúp các tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm hiểu, tra cứu khi cần.

 

Phú Yên đăng cai tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Luật Lưu trữ - Ảnh: T.THẢO

 

NHỮNG CHUYỂN BIẾN TÍCH CỰC

 

Theo Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Cự, sau khi Luật Lưu trữ có hiệu lực thi hành, công tác văn thư, lưu trữ tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến tích cực và từng bước đi vào nề nếp; vai trò của công tác văn thư, lưu trữ được nhìn nhận đúng đắn. Việc lập hồ sơ và nộp lưu hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ theo quy định tại Thông tư 07 của Bộ Nội vụ ngày càng được quan tâm. Từ đó, giá trị tài liệu lưu trữ được phát huy, góp phần đảm bảo bí mật Nhà nước và kịp thời cung cấp thông tin phục vụ cho việc chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo, duy trì hoạt động của cơ quan, đơn vị, địa phương; đồng thời đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, tiết kiệm chi phí cho việc chỉnh lý tài liệu tồn đọng.

 

Ba năm qua, Sở Nội vụ đã tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đến công chức, viên chức từ tỉnh đến huyện, xã về nội dung Luật Lưu trữ và kết hợp tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Nội vụ, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã rà soát, ban hành các văn bản về công tác văn thư, lưu trữ phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và thực tế của cơ quan, đơn vị mình; công tác thu thập, chỉnh lý, xác định giá trị tài liệu, thống kê lưu trữ được quan tâm thực hiện với chất lượng được nâng lên.

 

Theo bà Đặng Thị Nhung, Phó chi cục trưởng Chi cục Văn thư - Lưu trữ (Sở Nội vụ), tổ chức bộ máy văn thư, lưu trữ thời gian qua ngày càng được kiện toàn, củng cố. Hàng năm, công chức, viên chức đều được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ văn thư, lưu trữ, giúp nâng cao trình độ nghiệp vụ và nhận thức. Công tác kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện các quy định về công tác văn thư, lưu trữ được triển khai thường xuyên. Qua đó góp phần nắm bắt tình hình thực tế công tác văn thư, lưu trữ của các cơ quan, tổ chức để kịp thời phát hiện những thiếu sót, hướng dẫn khắc phục và phát huy những mặt đạt được trong công tác lưu trữ.

Công tác tổ chức sử dụng tài liệu tại Lưu trữ lịch sử tỉnh cũng ngày càng được chú trọng với nhiều hình thức được triển khai; công tác phục vụ khai thác cơ bản đáp ứng được nhu cầu sử dụng chính đáng của tổ chức, cá nhân; số lượng tài liệu đưa ra sử dụng ngày càng tăng, cung cấp những thông tin quý giá phục vụ cho việc giải quyết công việc của các cơ quan, tổ chức; giải quyết chế độ chính sách cho công dân; nghiên cứu lịch sử, văn hóa của địa phương...

 

NHỮNG KHÓ KHĂN CẦN THÁO GỠ

 

Theo báo cáo của UBND tỉnh, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện Luật Lưu trữ của tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là biên chế làm công tác lưu trữ ở các cơ quan, tổ chức và địa phương còn thiếu về số lượng và yếu về chuyên môn so với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Công tác thu thập, chỉnh lý tài liệu chưa được quan tâm thực hiện, tình trạng tài liệu tồn đọng, tích đống tại các huyện, thị xã, thành phố còn khá nhiều. Một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa có kế hoạch bố trí kinh phí hàng năm để tổ chức chỉnh lý và lựa chọn những hồ sơ, tài liệu có giá trị bảo quản vĩnh viễn giao nộp vào Lưu trữ lịch sử tỉnh theo đúng quy định. Bên cạnh đó, kho Lưu trữ lịch sử tỉnh và kho lưu trữ tại các cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc tỉnh được bố trí tạm thời, diện tích chật hẹp, trang thiết bị bảo quản tài liệu còn thiếu, sơ sài, không đảm bảo các quy định của Nhà nước về bảo quản hồ sơ, tài liệu lưu trữ, dẫn đến công tác thu thập, bảo quản tài liệu gặp nhiều khó khăn…

 

Để khắc phục những tồn tại hạn chế nêu trên, UBND tỉnh đã kiến nghị Bộ Nội vụ sớm ban hành quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong công tác văn thư, lưu trữ; tham mưu Chính phủ xem xét, bố trí phần vốn từ ngân sách Trung ương hỗ trợ theo Quyết định 1784/QĐ-TTg để sớm triển khai dự án Xây dựng kho lưu trữ chuyên dụng tỉnh. Đây là nhu cầu thực sự cần thiết và cấp bách, đáp ứng yêu cầu về thu thập, tiếp nhận tài liệu, góp phần bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ. Đồng thời, tỉnh cũng đề nghị quan tâm bố trí đủ chỉ tiêu biên chế làm công tác văn thư, lưu trữ tại các cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến địa phương theo đúng lộ trình Quyết định 579 của Bộ Nội vụ về phê duyệt quy hoạch ngành Văn thư, lưu trữ đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030. Đồng thời có văn bản quy định cụ thể của ngành Nội vụ về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp độc hại, bồi dưỡng bằng hiện vật đối với cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp làm công tác văn thư, lưu trữ; xây dựng và chuyển giao phần mềm quản lý công tác văn thư, lưu trữ để thực hiện thống nhất trong cả nước và có văn bản hướng dẫn cụ thể về chế độ, chính sách đối với những trường hợp còn kiêm nhiệm công tác lưu trữ và công tác khác. Ngoài ra, theo UBND tỉnh, chỉnh lý tài liệu lưu trữ là một nghề đặc thù, đề nghị Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước sớm có văn bản hướng dẫn về việc dịch vụ chỉnh lý tài liệu không qua đấu thầu để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong việc giải quyết tài liệu tồn đọng, tích đống.

 

PHONG NHÃ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek