Chị Từ Thị Thắm (SN 1981) là cán bộ chuyên trách dân số xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân) đã 13 năm. Luôn nhiệt huyết và hết lòng trong công tác vận động, tuyên truyền, chị Thắm đã góp công lớn trong việc nâng cao hiểu biết chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS)/KHHGĐ của người dân nơi đây.
Chị Từ Thị Thắm (trái), trao đổi công việc với cộng tác viên dân số - Ảnh: T.DIỆU |
Trong những năm gần đây, xã Xuân Quang 1 có tỉ lệ sinh con thứ ba giảm rõ rệt. Kết quả này có được là nhờ sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo xã và nhờ chị Thắm, cán bộ dân số xã, đã nỗ lực không ngừng trong công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, người dân tham gia chăm sóc SKSS/KHHGĐ. (Ông Lê Văn Cư, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Đồng Xuân) |
Xã Xuân Quang 1 có đến một nửa dân số là người dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Chăm H’roi. Nhiều người dân ở đây vẫn giữ nếp nghĩ sinh nhiều con cho vui cửa vui nhà. Thêm vào đó, người Chăm H’roi còn rất coi trọng chuyện con cái phải có nếp, có tẻ. Những gia đình sinh con một bề rất dễ có ý định sinh thêm con. Nếu người trẻ không muốn thì người già cũng ép. Vì thế, vấn đề sinh con thứ ba tại địa phương là nỗi trăn trở lớn của chị Thắm. Chị cho biết: “Ở xã Xuân Quang 1, các gia đình đa phần làm nông, đời sống khó khăn, con cái không được học hành đầy đủ. Trong khi đó, chỉ có con đường sinh ít con thì mới mong có điều kiện tốt để nuôi dạy con và phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên, tôi phải vận động, thuyết phục dữ lắm người dân mới thông”.
Nhiều người vẫn còn nhớ chuyện chị Thắm vận động đình sản trường hợp gia đình trưởng thôn Suối Cối 2. Anh này và người vợ trước (đã mất) có với nhau năm người con, sau đó lấy thêm vợ hai. Người vợ này đã có hai con riêng, nhưng ông trưởng thôn nhất quyết phải sinh thêm con chung. Lần đầu tới nhà, chị Thắm bị ông này mắng và đuổi về. Lần thứ hai, chị vượt qua hai con suối tới ruộng mía để vận động. Đến lần thứ ba, rồi thứ tư, trưởng thôn mới đồng ý. Sáng hôm sau, chị Thắm tới nhà chở vợ ông tới bệnh viện đình sản. Lâu lâu, chị Thắm lại qua nhà thăm hỏi sức khỏe, biếu thêm hộp thuốc bổ. Chị Thắm chia sẻ: “Mưa dầm thấm lâu”, ban đầu, trưởng thôn nể mình nhiệt tình mà cho vợ đi đình sản. Sau này, vợ chồng ông cố gắng làm bằng năm bằng mười mới đủ nuôi con nên mới thấm thía cảnh khổ vì đông con. Đây là ca vận động đình sản khó khăn nhất trong thời gian tôi tham gia công tác dân số. Nhưng cũng nhờ vậy mà từ đấy, trưởng thôn trở thành cộng tác viên tích cực giúp tôi tuyên truyền KHHGĐ, đặc biệt là việc đình sản”.
Năm 2014, xã Xuân Quang 1 có 9 ca đình sản, đạt 225% chỉ tiêu đề ra. Chị Thắm cho biết thêm: “Vận động đình sản rất khó, nhưng dù khó đến mấy, cộng tác viên dân số cũng phải quyết tâm vận động cho được. Bởi những trường hợp này, gia đình đều sinh nhiều con và có kinh tế khó khăn”.
Không chỉ vận động KHHGĐ và giảm sinh con thứ ba, chị Thắm còn luôn xem trọng công tác nâng cao chất lượng chăm sóc SKSS cho người dân. Trong xã, chị Thắm duy trì sinh hoạt thường xuyên các câu lạc bộ (CLB) Tư vấn và chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân, Cha mẹ và vị thành niên/thanh niên về SKSS/sức khỏe tình dục dành cho nhóm thanh niên trẻ. Ngoài ra, chị còn duy trì CLB Người cao tuổi giúp người cao tuổi, CLB Phòng chống hôn nhân cận huyết thống ở hai thôn đồng bào dân tộc thiểu số là Phú Tâm và Suối Cối 2. Những CLB này chính là môi trường tốt để người dân cùng tìm hiểu về chính sách pháp luật của Nhà nước, nâng cao hiểu biết về chăm sóc SKSS/KHHGĐ.
TUYẾT TRẦN