Hát rong bây giờ không chỉ là việc mưu sinh của những người yếu thế mà đã trở thành việc làm thu hút nhiều người trẻ. Tiền “cát xê” của họ bằng không, thu nhập dựa vào những sản phẩm bán được cho khách, nhưng quan trọng là họ được thỏa niềm đam mê ca hát.
THU NHẬP KHÁ
Dân nhậu ở TP Tuy Hòa không lạ gì những người hát rong bán kẹo kéo, kẹo mút, kẹo cao su, bút bi… vì họ có mặt ở hầu hết các quán xá trên địa bàn thành phố. Tuổi đời khá trẻ, họ đến từ nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh và chọn hát rong làm kế sinh nhai.
Tôi gặp Nguyễn Kim Hậu (SN 1997, ở phường 9, TP Tuy Hòa) khi em đang hát trong một quán nhậu trên đường Trần Phú. Nhìn cách Hậu biểu diễn tự tin, ít ai nghĩ em chỉ mới vào nghề một năm nay. Dứt câu hát, Hậu cầm vài phong kẹo cao su đến từng bàn chào mời khách. Có bàn ủng hộ, có bàn không nhưng Hậu vẫn cười tươi cảm ơn. Khi đã vòng quanh tất cả các bàn, Hậu thu dọn đồ nghề di chuyển đến địa điểm khác. Hậu cho biết, ba em mất lúc em còn nhỏ, nhà có chị gái hơn em 2 tuổi và hai em còn nhỏ nên một mình mẹ em làm lụng không đủ để nuôi cả nhà. Vì muốn đỡ đần cho mẹ, Hậu đã phải nghỉ học sớm, làm nhiều nghề và cuối cùng bám trụ với việc hát rong.
Chỉ với một chiếc loa đặt trên xe máy cùng bộ ắc quy, các “ca sĩ” đường phố như Hậu dễ dàng di chuyển khắp các nẻo đường để hát rong bán kẹo, kiếm tiền. Xuất phát từ chiều, Hậu cũng như nhiều người làm việc này, hát cho đến khi khách ở các quán ra về hết. Sau một đêm làm việc, nếu may mắn Hậu có thể kiếm được khoảng 300.000 đến 400.000 đồng. Đêm ít khách, Hậu cũng kiếm được 100.000 đồng. Số tiền này một phần Hậu để dành chi tiêu cho bản thân, một phần phụ mẹ trang trải cuộc sống gia đình.
Chia sẻ về công việc của mình, Hậu cho biết: “Việc này mới nhìn vào tưởng nhàn nhã nhưng mất nhiều công sức. Bình thường, người ta nói nhiều đã mệt, tụi em hát cả đêm càng mệt hơn nên khi về đến nhà là cơ thể rã rời. Bởi vậy, đa số những người làm nghề này ai cũng gầy ốm vì họ phải làm việc cật lực”.
PHẢI ĐAM MÊ MỚI GẮN BÓ
Hiện ở TP Tuy Hòa có không dưới vài chục người hát rong bán hàng. Những người này chủ yếu là dân trong tỉnh. Cá biệt cũng có người ở tỉnh khác đến thuê nhà trọ, rồi đi hát rong, bán hàng ở khắp các quán nhậu. Thường những người hát rong hoạt động độc lập, có khi họ kết thành nhóm hai người để hỗ trợ khi di chuyển và thay nhau hát. Nhóm hai người thường là vợ chồng, chị em, anh em, bạn bè.
Hầu hết những người hát rong bán dạo đều xuất phát từ nhu cầu mưu sinh. Nhưng không phải ai cũng có thể làm việc này. Người hát rong trước tiên phải có niềm đam mê ca hát mới thấy công việc của mình không quá mệt mỏi. Hậu tâm sự: “Nhiều người tỏ ra khó chịu với sự có mặt của tụi em, nhưng em không để ý nhiều đến việc đó. Em đi hát là vì em thích hát, sẽ có người hiểu và cả những người không hiểu công việc em đang làm nhưng với em nó chính đáng. Ít ra, việc kiếm tiền của em phải đổi bằng rất nhiều những giọt mồ hôi. Với em mỗi lần đi hát, được gặp nhiều người làm cho em thấy thú vị; đêm nào không đi là đêm ấy ở nhà thấy nhớ, bứt rứt”.
Hay như Nguyễn Hoàng Huy là một sinh viên đại học hẳn hoi, nhưng để thỏa niềm đam mê ca hát, Huy dành tiền sắm một bộ loa và đi hát rong. Cùng đi với Huy có các bạn sinh viên yêu thích ca hát khác. Huy cho biết: “Mình thích ca hát và rủ thêm nhiều bạn cùng sở thích đi hát cho vui chứ tiền bạc gia đình gửi cho cũng đủ chi tiêu. Ban đầu, chỉ nghĩ là hát chơi vậy thôi nhưng giờ đêm nào mình và nhóm bạn cũng có mặt ở khắp các quán xá. Máu “nghệ sĩ” thấm vào người nên dứt ra cũng khó”.
Đa số những người hát rong bán kẹo đều có giọng hát khá và phải trải qua nhiều thử thách mới có thể làm lâu dài. Và điều tiên quyết giúp họ vượt qua khó khăn ban đầu, ngoài mục đích mưu sinh, là niềm đam mê ca hát.
HÀ LÊ