“Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình (SKSS/KHHGĐ) cho người dân dễ bị tổn thương trong thiên tai” là chủ đề Ngày Dân số thế giới năm 2015. Nội dung này cho thấy, cả thế giới đều quan tâm và hướng tới những người dân thiệt thòi ở những vùng thiên tai.
Theo ghi nhận của các cơ quan hữu quan, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất của hiện tượng khí hậu khắc nghiệt trong vài chục năm gần đây (là một trong năm nước chịu ảnh hưởng lớn nhất, thậm chí đứng thứ 3 vào năm 2008). Biến đổi khí hậu đã làm gia tăng các loại hình thiên tai cả về số lượng, cường độ và mức độ ảnh hưởng. Hậu quả của thiên tai vô cùng lớn, thiệt hại về người, phá hoại cơ sở hạ tầng, làm ảnh hưởng đến nhiều thành quả phát triển kinh tế - xã hội và gia tăng tình trạng đói nghèo, bệnh tật, việc chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là SKSS... làm giảm thiểu chất lượng cuộc sống, chất lượng dân số.
Đối tượng dễ bị tổn thương là nhóm người có đặc điểm và hoàn cảnh khiến họ phải chịu nhiều tác động bất lợi hơn từ thiên tai so với những nhóm người khác trong cộng đồng. Đặc biệt, phụ nữ và trẻ em gái là nhóm dân số dễ bị tổn thương, những nhu cầu cụ thể của họ thường không được đáp ứng khi xảy ra thiên tai. Vì vậy, chúng ta cần phải chú trọng tới nhu cầu về chăm sóc SKSS cho phụ nữ và trẻ em gái trong độ tuổi sinh sản. Việc bảo đảm sự an toàn, sức khỏe cho nhóm người này sẽ góp phần đảm bảo hạnh phúc cho gia đình và cộng đồng.
Chủ đề Ngày Dân số thế giới năm nay là một chủ đề mang tính nhân văn của Liên Hợp Quốc, phản ánh một vấn đề to lớn của cộng đồng toàn cầu; trong đó có việc đáp ứng nhu cầu về SKSS, sức khỏe tình dục đối với nhóm dân số dễ tổn thương, nhất là phụ nữ, trẻ em gái.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng cục DS-KHHGĐ về hưởng ứng nội dung này, Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên triển khai nhiều hoạt động. Cụ thể như tăng cường năng lực điều hành, quản lý; công tác chuẩn bị, đáp ứng và tham gia khắc phục hậu quả thiên tai của ngành từ tỉnh đến cơ sở; các hoạt động được chuẩn bị ứng phó nếu thiên tai xảy ra gồm giải quyết các vấn đề liên quan tới chăm sóc SKSS và sức khỏe tình dục; khuyến khích sự tham gia của thanh niên, thiếu niên vào quá trình chuẩn bị sẵn sàng ứng phó; tạo lập mối liên kết giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ cho thanh niên, thiếu niên với các dịch vụ khác như SKSS/sức khỏe tình dục, sức khỏe tâm thần và hỗ trợ tâm lý, cuộc sống, giáo dục… Trong thời gian tới, ngành DS-KHHGĐ sẽ chú trọng nhiều hơn đối với việc tăng cường bảo đảm dịch vụ SKSS/KHHGĐ cho người dân ở khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai; xây dựng kế hoạch chuẩn bị, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.
Bên cạnh đó, Chi cục DS-KHHGĐ tăng cường năng lực của đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ hiệu quả và kịp thời trong tình huống thiên tai; thiết lập cơ chế thông tin trong ngành để đánh giá tác động thiên tai và làm cơ sở cho việc chủ động chuẩn bị, ứng phó với thiên tai; nâng cao chất lượng hoạt động, kỹ năng ứng phó với thiên tai của cán bộ trong ngành. Cùng với đó, ngành chú trọng tổ chức tốt chiến dịch truyền thông, lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ đến vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, chú trọng ba gói dịch vụ: KHHGĐ, làm mẹ an toàn và phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản. Ngoài ra, ngành còn quan tâm đến việc tầm soát ung thư cổ tử cung; sàng lọc trước sinh cho các bà mẹ mang thai từ 11 đến 13 tuần và trẻ sơ sinh, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Nguồn gốc của Ngày Dân số thế giới (11/7)
Ngày 11/7/1987, lúc 6 giờ 35 (giờ Anh), cậu bé người Nam Tư Matej Gašpar ra đời tại TP Zagreb (nay là thủ đô của Croatia). Đây cũng là công dân thứ 5 tỉ của thế giới. Lúc đó, nhiều nước trên thế giới đã tổ chức lễ kỷ niệm vì coi đó là một chiến thắng mà loài người đã đạt được trong cuộc đấu tranh chống lại những thế lực đã kìm hãm sự sinh trưởng trong lịch sử.
Nhưng với dân số 5 tỉ người lúc đó, loài người cũng nhận thức được hiểm họa lớn xảy ra do bùng nổ dân số đưa đến. Do đó, ngày thế giới 5 tỉ người được coi là tiếng chuông cảnh tỉnh, nhắc nhở mọi người trên trái đất về sự cạn kiệt tài nguyên, môi trường sống bị ô nhiễm, mất cân bằng sinh thái…
Trước hiểm họa của bùng nổ dân số, Diễn đàn Dân số thế giới do Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tổ chức tại Amrterdam (thủ đô Hà Lan) tháng 11/1989 đã quyết định lấy ngày sinh của bé Matej Gašpar 11/7 hàng năm là Ngày Dân số thế giới, để nhắc nhở các quốc gia và mỗi người trên trái đất về nguy cơ dân số tăng quá nhanh, con người không đủ điều kiện sống với đầy đủ quyền chính đáng như: quyền học hành, có việc làm, đủ dinh dưỡng, nhà ở, bảo vệ sức khỏe…
Trên cơ sở đó, mỗi quốc gia, mỗi người tự liên hệ với dân số của địa phương mình để có suy nghĩ và hành động đúng, tìm mọi biện pháp tích cực, góp phần giảm sự gia tăng dân số, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng dân trí và cải tạo môi trường sinh thái.
Hàng năm, nhân Ngày Dân số thế giới, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc lựa chọn một chủ đề cấp thiết mang tính toàn cầu để kêu gọi sự quan tâm của toàn nhân loại.
TUYẾT TRẦN (tổng hợp) |
VŨ NGỌC DỮNG
Phó chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên