Bên cạnh việc yếu và thiếu kiến thức về chăm sóc SKSS, nữ công nhân tại các khu công nghiệp cũng chưa quan tâm, nắm được những quyền lợi của mình trong lĩnh vực này. Nhiều chính sách quy định có lợi cho công nhân nữ đã bị người sử dụng lao động bỏ qua hoặc không biết để thực hiện theo luật.
Tại Thông tư 14-2013/TT/BYT ngày 6/5/2013 của Bộ Y tế quy định, các cơ quan, doanh nghiệp phải có trách nhiệm khám sức khỏe định kỳ cho người lao động ít nhất 1 lần/năm và 6 tháng/lần đối với các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Thế nhưng, một số công ty, doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện đúng. Số công ty, doanh nghiệp có quan tâm, thực hiện đúng các quy định pháp luật, thì ý thức của chính công nhân nữ, những người trực tiếp thụ hưởng quyền lợi lại không thực sự quan tâm. Thực tế, trong các đợt khám phụ khoa cho phụ nữ, các chị em khi đến khám thường ngần ngại và chủ quan không chịu khám hay chữa trị triệt để.
Đợt khám sức khỏe, khám phụ khoa cho công nhân nữ trong Tháng công nhân 2015 vừa qua tại Khu công nghiệp Đông Bắc Sông Cầu (TX Sông Cầu) là một ví dụ. Chị Nguyễn Thị Linh, 20 tuổi, đã tỏ ra bất ngờ và e ngại khi nghe công ty điền tên mình vào giấy khám phụ khoa. Chị Linh đã không tham gia vì cho rằng “mình còn nhỏ, chưa có chồng nên không cần khám”. Đó cũng là suy nghĩ chung của nhiều chị em công nhân ở các khu công nghiệp mỗi khi có đợt khám và phát thuốc miễn phí.
Do đặc thù làm việc theo ca, thường xuyên phải tăng ca, làm thêm giờ… nên công nhân nữ không có điều kiện cập nhật, tìm hiểu sâu kiến thức chăm sóc SKSS khiến việc chủ động khám phụ khoa, khám SKSS… còn hạn chế.
Chị Sầm Thị Chất đang làm việc tại Khu công nghiệp An Phú (TP Tuy Hòa), tâm sự: “Nếu có thời gian rảnh, công nhân nữ thường tìm hiểu thông tin mà mình quan tâm bằng cách truy cập internet từ điện thoại di động. Thông tin tràn lan rất khó lựa chọn đối với những công nhân nữ chưa có kiến thức về chăm sóc sức khỏe, SKSS, sức khỏe tình dục hay KHHGĐ…”. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của công nhân nữ mà còn tác động tới chất lượng nguồn nhân lực của xã hội.
Theo Bộ luật Lao động, khi người lao động đi giải quyết các vấn đề liên quan đến KHHGĐ thì được nghỉ từ 7 đến 10 ngày hoặc hơn nữa, tùy theo tình trạng sức khỏe, tuổi thai và được hưởng nguyên lương những ngày nghỉ do bảo hiểm chi trả. Thế nhưng, nhiều công nhân nữ không biết quy định này và cũng không dám đăng ký với người sử dụng lao động để được hưởng chế độ thai sản. Vì vậy, trong những trường hợp này, công nhân nữ thường chịu thiệt thòi.
Ông Vũ Ngọc Dững, Phó chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ, cho biết: Trong thời gian tới, Chi cục DS-KHHGĐ tăng cường phối hợp với các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh tuyên truyền và khám sức khỏe cho công nhân. Để người lao động hiểu, nắm rõ quyền và lợi ích của mình trong vấn đề SKSS/KHHGĐ thì các ngành có liên quan cần quan tâm hơn nữa đến đời sống của công nhân nữ tại các khu công nghiệp, nhằm góp phần nâng cao chất lượng dân số, tạo nguồn lao động có chất lượng cao.
NHƯ NGUYỆN