Trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do virus corona (còn gọi là MERS-CoV) đang bùng phát ở các nước Trung Đông, Hàn Quốc và hoàn toàn có khả năng xâm nhập vào Việt Nam, Bộ Y tế đã mở rộng mức độ sàng lọc.
Theo đó, bất cứ trường hợp nào có biểu hiện sốt, ho, đau đầu… và trở về từ vùng dịch trong vòng 14 ngày thì phải đưa đi xét nghiệm.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chỉ đạo như trên khi thực hiên kiểm tra các bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh về tình hình phòng chống dịch bệnh MERS-CoV, vào chiều 4/6.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, Bộ Y tế đã trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới và Tổ chức kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, vấn đề trọng tâm đầu tiên trong phòng chống dịch bệnh MERS-CoV là phát hiện sớm từ bệnh viện.
Bệnh này có triệu chứng tương tự với các bệnh thông thường khác như viêm đường hô hấp, cúm… Do đó, Bộ Y tế lưu ý các bệnh viện phải kiểm tra yếu tố dịch tễ học. Từ đó, khi phát hiện ca bệnh đầu tiên có thể triển khai các biện pháp cảnh báo, theo dõi, cách ly các trường hợp từng tiếp xúc với người bệnh để thực hiện các biện pháp dự phòng.
Mặt khác, thực hiện nghiêm ngặt các quy định về phòng ngừa lây nhiễm chéo trong bệnh viện, đảm bảo có lối đi riêng, phòng cách ly.
Khi bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính, cần cách ly tất cả những trường hợp từng tiếp xúc với bệnh nhân này và cung cấp thông tin cụ thể cho người nhà bệnh nhân.
Qua kiểm tra công tác cách ly tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh cho thấy, cả 2 bệnh viện đã triển khai các biện pháp cần thiết theo yêu cầu của Bộ Y tế và sẵn sàng đối phó với dịch bệnh, đã có kế hoạch ứng phó với dịch bệnh này cũng như thành lập Ban chỉ đạo, tập huấn cho cán bộ nhân viên…
Cụ thể, Bệnh viện Chợ Rẫy đã thành lập ban chỉ đạo và các tổ chuyên môn nghiệp vụ phòng chống bệnh MERS-CoV ngay từ tháng 6/2014 khi dịch bệnh này đang hoành hoành ở các nước Trung Đông. Bệnh viện cũng có hệ thống cảnh báo và thuốc, hậu cần cần thiết khi có trường hợp bệnh được phát hiện.
Bác sĩ Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết hiện Bệnh viện có 110 máy thở nhưng đều đang được sử dụng hết. Tuy nhiên, giữa tháng 6, bệnh viện sẽ tiếp nhận hơn 30 máy thở nữa thì hy vọng đáp ứng được nhu cầu cần thiết khi có dịch bệnh xảy ra.
Tương tự, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh cũng đã có kế hoạch ứng phó dịch bệnh như xây dựng quy trình tiếp nhận bệnh nhân MERS-CoV tại khoa Khám bệnh. Hiện bệnh viện này có hơn 1.000 tranh phục bảo hộ cho nhân viên, 36 máy thở, thuốc, hóa chất… đầy đủ.
Do bệnh viện thường xuyên phải ứng phó với các bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm nên đã có kinh nghiệm trong việc sàng lọc, cách ly và điều trị bệnh. Phòng xét nghiệm của Bệnh viện cũng đã có khả năng có thể xác định virus Corana gây bệnh MERS-CoV.
Liên quan đến công tác phòng ngừa, phát hiện sớm, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê lưu ý các bệnh viện khi triển khai công tác phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này cần phải nêu cao ý thức của người bệnh.
Bệnh viện cần có các pano, bộ phận hướng dẫn để khuyến cáo cho người bệnh ý thức vấn đề này. Đồng thời, tiếp tục tổ chức các buổi tập huấn cho cán bộ nhân viên trong bệnh viện và các cơ sở y tế tuyến dưới; chuẩn bị sẵn các trang thiết bị, cơ sở vật chất cần thiết không chỉ sử dụng trong bệnh viện mà còn sẵn sàng chi viện cho các bệnh viện khác.
Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết hiện nay, Việt Nam đã có đầy đủ khả năng để ứng phó với dịch bệnh này. Hiện Bộ Y tế cũng đã triển khai bổ sung việc thực hiện khai báo y tế đối với hành khách trở về Việt Nam từ Hàn Quốc và Bahrain.
Ngay trong ngày 4/6, Bộ Y tế đã kích hoạt đội đáp ứng nhanh đối với dịch bệnh MERS-CoV trên cơ sở bệnh dịch Ebola để khi xảy ra dịch thì có thể đáp ứng được nhu cầu dập dịch. Sắp tới, Bộ Y tế sẽ tổ chức các buổi tập huấn cho đội ngũ nhân viên y tế ở các địa phương về công tác ứng phó với dịch bệnh nguy hiểm này.
Theo ghi nhận của Tổ chức Y tế thế giới, tốc độ lây lan của dịch bệnh MERS-CoV ở Hàn Quốc nhanh hơn nhiều so với tình hình dịch xảy ra các nước khu vực Trung Đông. Bộ Y tế đánh giá bệnh dịch này hoàn toàn có thể xâm nhập vào Việt Nam, nhất là thông qua con đường du lịch, đào tạo, làm việc...
Hiện nay, trung bình mỗi ngày có khoảng 3.000 lượt khách từ Hàn Quốc trở về Việt Nam. Tính trong năm 2014, đã có 840.000 du khách Hàn tới Việt Nam, chủ yếu ở các tỉnh khu vực phía Nam.
Bộ Y tế quan ngại tốc độ dịch bệnh ở Hàn Quốc khá nhanh, hiện đã xảy ra tình trạng lây nhiễm từ thế hệ thứ 2, 3 và có thể lây nhiễm sang thế hệ thứ 4.
Theo TTXVN/Vietnam+