Thời gian qua, Đảng bộ và chính quyền xã Đa Lộc đã triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo an ninh - quốc phòng, từng bước làm thay đổi bộ mặt của xã miền núi còn nhiều khó khăn này.
Đại hội Đảng bộ xã Đa Lộc lần thứ XIII mới đây đưa ra mục tiêu là tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn đảng bộ, phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, huy động mọi nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội theo hướng CNH, HĐH, xây dựng xã Đa Lộc đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới. Trong đó, xã phấn đấu giảm tỉ lệ hộ nghèo hàng năm từ 7 đến 8%; ưu tiên đầu tư xây dựng những công trình phát triển sản xuất, công trình thủy lợi; hỗ trợ vốn, đất sản xuất cho bà con trồng rừng sản xuất, chăn nuôi trang trại; tạo điều kiện cho bà con tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững... |
Xã Đa Lộc (huyện Đồng Xuân) có 1.129 hộ, với 4.820 nhân khẩu, trong đó, người đồng bào dân tộc thiểu số có 246 hộ. Ông Trần Quốc Huy, Bí thư Đảng ủy xã Đa Lộc, cho biết: “Những năm qua, Đa Lộc đã triển khai nhiều giải pháp giảm nghèo sát với thực tế để giúp đỡ người dân. Ban Chỉ đạo giảm nghèo của xã đã xây dựng quy chế hoạt động và có kế hoạch thực hiện giảm nghèo; đồng thời có sự phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đoàn thể và từng cán bộ, đảng viên”.
Từ nguồn vốn của các chương trình, chính sách giảm nghèo của Chính phủ hỗ trợ…, xã đã lồng ghép với các chương trình, dự án khác, như hỗ trợ về an sinh xã hội, nước sạch, xóa nhà tạm, giới thiệu việc làm, triển khai đến từng hộ gia đình. Cùng với đó, chính quyền xã còn tích cực phối hợp với cán bộ phòng nông nghiệp huyện tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho bà con. Đặc biệt, đối với những hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, xã trực tiếp cử cán bộ hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, tuyên truyền, vận động giúp bà con thay đổi nhận thức về tập quán lạc hậu…
Cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng để nâng cao đời sống người dân, những năm qua, hệ thống giáo dục của xã cũng được quan tâm, đầu tư phát triển. Nhiều năm trước, cả lãnh đạo xã và nhà trường ai cũng lo ngại vì tình trạng học sinh bỏ học theo cha mẹ làm rẫy. Nhưng năm học 2014-2015 vừa qua, một kết quả rất phấn khởi là tất cả học sinh trong độ tuổi đều đến trường.
Bà Phạm Thị Thúy Ngân, Phó chủ tịch UBND xã, nói: “Bà con ở đây rất chịu khó làm ăn, nhưng để thoát nghèo bền vững còn rất khó khăn. Hiện nay, tổng diện tích gieo trồng các loại cây hàng năm đạt 1.008ha, trong đó tập trung chủ yếu là cây mía 440ha, cây sắn 200ha… Ngoài ra, trên địa bàn xã hiện có 6 trang trại nuôi heo thịt với quy mô lớn 500 đến 600 con/trại. Tuy nhiên, khó khăn của xã là công tác chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi chưa đáp ứng, tỉ lệ hộ nghèo vẫn còn cao, kinh tế gia đình quy mô đầu tư còn nhỏ…”.
Một trong những giải pháp hàng đầu đã và đang được xã Đa Lộc chú trọng, hướng tới để giảm nghèo hiệu quả là chuyển đổi giống cây trồng, khuyến khích phát triển kinh tế trang trại kết hợp chăn nuôi. Đến nay, Đa Lộc đã có nhiều hộ đạt mức thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Điển hình như anh Nguyễn Đức Lộc ở thôn 4, với mô hình trang trại 1.500m2 nuôi heo thịt với quy mô 700 con, đến nay gia đình anh đã nuôi được lứa thứ hai với thu nhập bình quân trên 300 triệu đồng/năm. Ngoài ra, gia đình anh Lộc còn đầu tư trồng cây keo, tạo công ăn việc làm cho thanh niên trong xã… Theo Phó chủ tịch UBND xã Phạm Thị Thúy Ngân, để các hộ thoát nghèo nhanh, bền vững và tránh tình trạng “tái nghèo”, chính quyền địa phương khuyến khích họ tự đăng ký thoát nghèo, đồng thời phối hợp với các ngành chức năng của huyện để rà soát, đánh giá lại các hộ đã thoát nghèo tại địa phương. Năm 2014, xã có ông Nguyễn Văn Cu ở thôn 4 đã tự nguyện làm đơn xin thoát nghèo sau một thời gian áp dụng các mô hình kinh tế hiệu quả.
KIM CHI