Có dịp đi qua thôn Xuân Thạnh 2, xã Hòa Tân Tây (huyện Tây Hòa), mọi người sẽ bắt gặp rất nhiều tấm gỗ tạp được phơi thành những hàng ngay ngắn hai bên đường. Từ nhiều năm nay, công việc xẻ gỗ tạp không chỉ mang lại cuộc sống khấm khá cho gia đình chị Lê Thị Dương mà còn tạo công ăn việc làm với thu nhập khá cho nhiều người dân trong xã.
PHÁT TRIỂN NGHỀ XẺ GỖ TẠP
Bà Nguyễn Thị Hồng Hoa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Tân Tây, cho biết: “Từ ngày xưởng chế biến gỗ của gia đình chị Dương đi vào hoạt động đã giải quyết được khá nhiều lao động nông nhàn, góp phần nâng cao thu nhập của nhiều người dân trong thôn, xã”. |
Khoảng 3 năm trở lại đây, sân nhà chị Lê Thị Dương trở thành xưởng chế biến gỗ, góp phần phát triển kinh tế gia đình và giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Chia sẻ về buổi đầu làm công việc này, chị Dương cho biết: “Nghe bạn bè nói công việc xẻ gỗ tạp mang lại nhiều lợi nhuận nên hai vợ chồng mua máy về làm. Ban đầu, do chưa hiểu hết máy móc cộng với vốn liếng ít và công nhân chưa có tay nghề nên cơ sở chỉ sản xuất cầm chừng”. Không chế tác đồ gỗ cao cấp, cũng như không buôn bán gỗ xây dựng, xưởng chế biến gỗ của chị Dương chỉ nhập về những cây gỗ tạp được cắt thành súc dài một mét, rồi xẻ ra thành những tấm ván mỏng, cung cấp cho các công ty chuyên sản xuất mặt hàng gỗ.
Chị Dương cho biết, các loại gỗ dùng để xẻ là gỗ trồng như keo, bạch đàn, cây tạp... Những năm trước, khi người dân vùng Tây Nguyên chặt bỏ cây cao su già cỗi, chị Dương cũng thu mua về để xẻ ra ván. Gỗ để xẻ ván không yêu cầu phải tròn đẹp, thậm chí những cây xù xì cũng sử dụng được, bằng cách cho qua máy gọt vỏ cho tròn rồi xẻ ra ván.
Hiện tại, sản phẩm gỗ tấm của gia đình chị Dương được tiêu thụ chủ yếu ở TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Công việc chế biến gỗ tạp hàng năm mang lại cho gia đình chị Dương thu nhập hàng trăm triệu đồng, kinh tế gia đình chị khấm khá dần lên.
TẠO CÔNG VIỆC CHO NGƯỜI DÂN
Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, từ hơn 3 năm nay, công việc xẻ gỗ tạp của gia đình chị Dương cũng góp phần tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều người dân thôn Xuân Thạnh.
Chị Ngô Thị Liễu (thôn Xuân Thạnh 2, xã Hòa Tân Tây) cho biết, chị đã làm trong xưởng gỗ hơn một năm nay. Công việc hàng ngày của chị là sáng sớm trải gỗ đã xẻ ra phơi và đến đầu giờ chiều thì gom lại, bó thành từng bó cho lên xe đẩy về và chất thành khối. Nếu như làm mỗi ngày 8 tiếng, chị Liễu nhận được 100.000 đồng, còn nếu như làm khoán thì cứ 1.000 tấm sẽ được 130.000 đồng. Chị Liễu nói: “Công việc đơn giản, nhưng khá vất vả, nặng nhọc nhất là khi phải xếp gỗ thành những khối cao, nhiều chị em phụ nữ vào làm nhưng trụ không nổi, bỏ việc. Tuy vậy, nhờ làm quen nên công việc này mang lại nguồn thu ổn định”.
Còn chị Ngô Thị Tuyết Diễm thì chia sẻ: “Chúng tôi chủ yếu là dân làm nông. Quanh năm quanh quẩn với mấy sào lúa nên thu nhập bấp bênh. Nhờ công việc này mà tôi không phải đi xa, mỗi tháng thu nhập 2 đến 3 triệu đồng. Con cái nhờ vậy có điều kiện tốt hơn để đi học”.
Những phụ nữ ở đây chủ yếu làm công việc phơi ván. Còn công nhân đứng máy đòi hỏi phải có sức khỏe mới đưa được những cây gỗ vào máy nên chủ yếu là thanh niên, đàn ông có sức khỏe. Bù cho công việc cực nhọc, tiền công của những công nhân này cũng tương xứng hơn. Bình quân cứ xẻ được 1.000 tấm gỗ thì hưởng tiền công là 220.000 đồng. Thông thường, mỗi người có thể xẻ được 2.000 tấm gỗ, nên thu nhập của họ lên đến 400.000 đến 500.000 đồng/ngày.
Anh Lưu Quang Hiệp ở khu phố Phước Mỹ (thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa) làm việc ở đây cho biết, bình quân mỗi tháng anh kiếm được 7 đến 8 triệu đồng từ công việc đứng máy xẻ gỗ. Đối với người dân nông thôn thì số tiền này đủ trang trải chi phí cho cuộc sống nên anh Hiệp và nhiều người đã gắn bó với công việc này nhiều năm nay.
Hiện tại, cơ sở xẻ gỗ của gia đình chị Lê Thị Dương có 30 người làm việc thường xuyên, trong đó có 7 công nhân đứng máy, còn lại làm công việc bóc dỡ gỗ và phơi ván. Nếu kiên trì, những người làm công đều có thu nhập khá và quan trọng hơn là họ được ở gần nhà nên có thể vừa làm, vừa chăm lo con cái, gia đình.
THÁI HÀ