Thứ Ba, 01/10/2024 11:24 SA
Chung tay vì một chính sách an sinh xã hội
Bài 2: Còn rào cản từ nhiều phía
Thứ Ba, 30/12/2014 10:00 SA

Người dân đăng ký mua BHYT tự nguyện tại Bưu điện Trung tâm TP Tuy Hòa - Ảnh: K.CHI

Tính đến cuối năm 2014, Phú Yên mới chỉ có gần 66% người dân tham gia BHYT. Còn lại phần lớn những lao động tự do, hộ buôn bán nhỏ, lao động ở lĩnh vực nông nghiệp, khu vực nông thôn, hộ cận nghèo thì còn gặp khó khăn khi tham gia. Như vậy, tiềm năng phát triển BHYT tự nguyện là rất lớn.

 

MỞ RỘNG DỊCH VỤ, VẬN ĐỘNG BHYT TỰ NGUYỆN

 

5 năm thực hiện Luật BHYT, đối tượng tham gia và tỉ lệ bao phủ BHYT ở Phú Yên tăng qua từng năm. Năm 2009, tỉ lệ bao phủ BHYT là 49,2%, năm 2013 là 61% và cuối năm 2014 là gần 66%. Công tác khám chữa bệnh từng bước được cải thiện, quyền lợi của bệnh nhân tham gia BHYT được đảm bảo với tần suất khám chữa bệnh ngày càng tăng, từ năm 2009 đến nay, tần suất khám chữa bệnh BHYT trung bình là 2,6 lần/thẻ. Tuy nhiên, so với cả nước, tỉ lệ người dân tham gia BHYT ở Phú Yên còn thấp; chưa đạt kế hoạch tỉnh giao. Đây sẽ là một thách thức không nhỏ cho lộ trình tiến tới BHYT toàn dân của tỉnh.

Toàn tỉnh hiện có 131 đại lý thu BHYT tự nguyện thông qua hệ thống bưu điện và 297 đại lý thu BHYT tự nguyện do UBND các xã, phường, thị trấn giới thiệu và bảo lãnh.

 

Ông Huỳnh Công Định, Phó giám đốc Bưu điện tỉnh, cho biết: “Công tác thu BHYT tự nguyện qua hệ thống bưu điện được triển khai từ tháng 10/2011 và mới đây, Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm thu BHYT tự nguyện qua hệ thống bưu điện ở 15 tỉnh, thành phố, trong đó có Phú Yên. Điều thuận lợi của Bưu điện Phú Yên khi triển khai dịch vụ này chính là hệ thống bưu cục, điểm bưu điện văn hóa xã được phân bổ đều khắp các xã, phường, thị trấn trong tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận, liên hệ tham gia BHYT tự nguyện”. Gần 3 năm triển khai dịch vụ thu BHYT tự nguyện qua hệ thống bưu điện cho thấy công tác thu BHYT tự nguyện luôn có sự phát triển và tăng đều qua các tháng.

 

Chị Nguyễn Thị Hiền, 45 tuổi, tiểu thương phường 3 (TP Tuy Hòa) cho rằng, trước đây, vì chưa được thông tin đầy đủ về quyền lợi nên chị không mua BHYT. Nay thấy có BHYT sẽ yên tâm hơn khi không may đau bệnh, chị đã đến Bưu điện Trung tâm TP Tuy Hòa đăng ký tham gia.

 

Không những thế, hiện nay, tại các xã, phường đều có đại lý thu BHYT tự nguyện, nên người dân có điều kiện tham gia BHYT hơn. Chị Nguyễn Thị Xuân Hiền, chủ đại lý thu BHYT tự nguyện ở phường 5 (TP Tuy Hòa), cho biết: “Hiện nay, mỗi thẻ BHYT có giá 621.000 đồng/năm, không quá cao so với mức thu nhập của người dân thành phố. Có tháng tôi tư vấn được 20 đến 30 người tham gia”.

 

Với BHYT học sinh, sinh viên, nhờ làm tốt công tác vận động và giao chỉ tiêu về các trường, nên năm học 2014-2015, toàn tỉnh có khoảng 95% học sinh, sinh viên có thẻ BHYT, tăng 6% so với năm học trước. Có nhiều trường, tỉ lệ học sinh tham gia BHYT đạt 100%. Cô Nguyễn Thị Họa My, nhân viên y tế Trường THCS KPá KLơng, xã Cà Lúi (huyện Sơn Hòa) cho biết: “Để đảm bảo đạt chỉ tiêu trên 95% học sinh tham gia BHYT, tôi tuyên truyền cho các em và phụ huynh về lợi ích của BHYT và định hướng tiến tới BHYT toàn dân. Cùng với hoạt động này, trong năm, trường đã củng cố phòng khám chữa bệnh, hướng dẫn, giúp đỡ các em các thủ tục khám chữa bệnh BHYT”.

 

Phú Yên hiện có hơn 200.000 phụ nữ trong độ tuổi lao động. Ngoài hơn 30.000 phụ nữ đã tham gia BHYT bắt buộc, số còn lại thuộc đối tượng tham gia BHYT tự nguyện, trong đó hầu hết là hội viên thuộc Hội LHPN cơ sở. Xuất phát từ thực tiễn và yêu cầu mở rộng đối tượng tham BHYT tự nguyện của tỉnh cũng như nguyện vọng và đặc thù giới nữ, 5 năm qua, BHXH tỉnh và Hội LHPN Phú Yên phối hợp triển khai kế hoạch liên ngành tuyên truyền vận động hội viên phụ nữ tham gia BHYT tự nguyện. Theo đó, Hội LHPN các cấp chủ động lồng ghép vào các hoạt động của đơn vị để tuyên truyền chính sách BHYT tự nguyện phù hợp với từng địa bàn, đưa công tác vận động thực hiện chính sách này ở mỗi địa phương vào nội dung nâng cao chất lượng hoạt động và xây dựng tổ chức hội, phát triển hội viên. Mỗi cấp hội phấn đấu hàng năm vận động ít nhất từ 20% hội viên tham gia BHYT tự nguyện. Tổng số nữ tham gia BHYT tự nguyện hàng năm chiếm khoảng 65%, một số huyện trên 75%.

 

CÒN NHỮNG RÀO CẢN

 

Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng phần lớn người cận nghèo không mặn mà với BHYT là do khó khăn về kinh tế. Theo Luật BHYT, dù hộ cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ 70% mức phí BHYT, nhưng mỗi người dân vẫn phải nộp gần 200.000 đồng/người/năm để mua BHYT. Nếu một gia đình có 4 người, thì việc bỏ ra gần 1 triệu đồng để mua BHYT là điều rất khó so với thu nhập của họ. Chính vì vậy, rất nhiều hộ cận nghèo không thể tham gia BHYT.

 

Mặt khác, nhiều người dân, nhất là hộ lao động chưa nhận thức được hết lợi ích khi tham gia BHYT. Như trường hợp của chị Võ Thị Thanh (xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa), là lao động tự do, làm thuê làm mướn, thu nhập bấp bênh qua ngày, chồng bị bệnh nặng. Chị Thanh thổ lộ: “Do không có BHYT nên tôi phải tự lo mọi khoản chi phí khám, chữa bệnh cho chồng. Số tiền hơn 20 triệu đồng viện phí là quá sức đối với gia đình tôi. Biết rằng tham gia BHYT là để dự phòng, nhưng nhà tôi phải bỏ ra hơn 3 triệu đồng để mua 5 thẻ BHYT thì cũng xót”.

 

Một nguyên nhân nữa khiến việc khám, chữa bệnh bằng BHYT chưa thu hút được người dân là do chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế chưa bảo đảm. Mặc dù hệ thống khám chữa bệnh, trong đó có y tế cơ sở trong những năm gần đây đã được chú trọng đầu tư, nâng cấp về trang thiết bị kỹ thuật và củng cố, nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ y tế, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân nói chung và của người tham gia BHYT nói riêng.

 

Một thực tế nữa là quy định về thời điểm mua BHYT không bó buộc, người dân có tiền mua BHYT tự nguyện lúc nào cũng được. Do vậy dẫn đến tình trạng người dân không mặn mà tham gia BHYT ngay từ đầu, mà chỉ khi bị mắc bệnh thì họ mới nghĩ đến việc mua BHYT.

 

Theo quy định, người dân đăng ký mua BHYT ở đâu thì khám, chữa bệnh ban đầu ở đó. Phần lớn, người cận nghèo đều đăng ký mua BHYT ở trạm y tế xã, phường nên đây cũng là nơi khám chữa bệnh ban đầu của người cận nghèo. Trong khi trên thực tế, hầu hết trạm y tế xã, phường vẫn còn thiếu về trang thiết bị. Nếu trong trường hợp mắc bệnh nặng, phải chuyển lên tuyến trên người bệnh sẽ rất mất thời gian, nhiều thủ tục rườm rà. Hơn nữa, các danh mục thuốc được phát theo diện BHYT vẫn chỉ là loại thuốc thông thường; những thuốc đặc trị, đắt tiền vẫn nằm ngoài danh mục được thanh toán. Công tác tuyên truyền tới hộ cận nghèo về BHYT ở nhiều địa phương chưa được chú trọng, dẫn tới tình trạng, nhiều người trong diện cận nghèo không biết mình được hưởng lợi ích gì từ BHYT.

 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng: BHYT cũng giống như một loại hàng hóa. Muốn thu hút người dân không chỉ giá rẻ là đủ mà chất lượng cũng phải đảm bảo. Tình trạng quá tải ở các bệnh viện khiến cho chất lượng khám, chữa bệnh không đảm bảo là điều bức xúc nhất hiện nay của người dân.

 

Mới đây, tại Hội nghị triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn thực hiện luật, bà Tống Thị Song Hương - Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết: BHYT có thể đóng hàng tháng, hàng quý hoặc định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng. Người tham gia BHYT được Quỹ BHYT chi trả các chi phí sau: khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con; vận chuyển người bệnh từ tuyến huyện lên tuyến trên trong trường hợp cấp cứu hoặc khi đang điều trị nội trú phải chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật. Các trường hợp không được hưởng BHYT là điều dưỡng, an dưỡng tại cơ sở điều dưỡng, an dưỡng, khám sức khỏe; xét nghiệm chẩn đoán thai không nhằm mục đích điều trị; sử dụng dịch vụ thẩm mỹ... Người tham gia BHYT có quyền đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến xã, huyện hoặc tương đương; trừ trường hợp được đăng ký tại cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh hoặc tuyến Trung ương theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế. Trường hợp người tham gia BHYT phải làm việc lưu động hoặc đến tạm trú tại địa phương khác thì được khám chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám chữa bệnh phù hợp với tuyến chuyên môn kỹ thuật và nơi người đó đang làm việc lưu động, tạm trú theo quy định. Người tham gia BHYT được thay đổi cơ sở khám chữa bệnh ban đầu vào mỗi đầu quý...

 

Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 705/QĐ-TTg về việc nâng mức hỗ trợ đóng BHYT cho một số đối tượng thuộc hộ cận nghèo. Theo đó, người thuộc hộ cận nghèo mới thoát nghèo từ ngày 1/1/2013 được hỗ trợ 100%, thời gian hỗ trợ 5 năm. Người thuộc hộ cận nghèo đang sinh sống tại các huyện Đồng Xuân, Sông Hinh cũng được hỗ trợ 100% chi phí mua thẻ BHYT. Hộ cận nghèo còn lại được Nhà nước hỗ trợ 70% giá trị của thẻ BHYT. Hiện nay, người cận nghèo ở Phú Yên chiếm tỉ lệ 11,42% dân số toàn tỉnh. Năm 2014, chỉ có 14.000 người cận nghèo tham gia BHYT tự nguyện.

 

Bài Cuối: Vào cuộc đồng bộ tháo gỡ vướng mắc

 

NHÓM PV VĂN HÓA - XÃ HỘI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek