Thứ Năm, 09/01/2025 17:12 CH
Chung tay vì một chính sách an sinh xã hội
Bài 1: Bảo hiểm y tế - phao cứu sinh
Thứ Hai, 29/12/2014 07:39 SA

Kể từ ngày 1/1/2015, Quỹ BHYT chi trả điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt cho trẻ em dưới 6 tuổi. (Trong ảnh: Phẫu thuật điều trị mắt lác cho trẻ em tại Bệnh viện Mắt Phú Yên) - Ảnh: T.THỦY

Ốm đau, bệnh tật luôn là nỗi sợ hãi của con người. Bên cạnh nỗi lo cho bệnh tật, người bệnh còn nơm nớp lo về mặt tài chính. Để giảm nhẹ gánh nặng bệnh tật cho chính mình, nhà nhà cần có chiếc phao cứu sinh bền vững.

 

Thời gian qua, mặc dù chính sách BHYT cũng như vấn đề sử dụng thẻ BHYT trong khám chữa bệnh vẫn còn gặp không ít khó khăn, phiền hà nhưng BHYT vẫn là một chính sách an sinh xã hội hữu hiệu nhất đối với người dân, nhất là với những người có thu nhập thấp.

 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, người dân chưa coi BHYT như là “bùa hộ mệnh” của mình mà chỉ khi ốm đau mới tự nguyện tham gia. “Với mệnh giá như hiện nay, gói dịch vụ y tế của chúng ta khá ưu việt. Đó là quyền lợi mà người dân được hưởng nếu chẳng may ốm đau vì các dịch vụ y tế cơ bản sẽ được BHYT thanh toán”, Bộ trưởng Tiến nhấn mạnh.

NHỜ THAM GIA BHYT

 

Ông Nguyễn Như Thiên, SN 1976, ở thôn Ân Niên, xã Hòa An (huyện Phú Hòa) tham gia BHYT tự nguyện từ năm 2011. Đầu năm 2014, cảm thấy tức ngực, khó thở, ông Thiên đi khám bệnh và bác sĩ chẩn đoán ông bị bệnh tim. Ông được chuyển vào Viện Tim TP Hồ Chí Minh điều trị 25 ngày với tổng chi phí hơn 64 triệu đồng. Vì được chuyển đúng tuyến BHYT nên ông chỉ phải tốn 20% số tiền chữa bệnh. Ông Thiên chia sẻ: “Gia đình có 4 người, tôi là lao động chính nên khi xảy ra đau ốm, kinh tế gia đình rất khó khăn. Cũng nhờ trước đó đã tham gia BHYT nên khi có sự cố về sức khỏe, tôi được bên bảo hiểm chi trả phần lớn”.

 

Bà Lê Thị Mỹ Dung, SN 1964, ở khu phố 2, thị trấn Hòa Vinh (huyện Đông Hòa) là người khánh kiệt vì bệnh tật. Năm 2007, bà Dung phát hiện mình bị mắc chứng bướu độc ở cổ nên phải vào Bệnh viện Ung Bướu TP Hồ Chí Minh điều trị. Sau 2 đợt vô hóa chất, 2 đợt xạ trị, gia đình bà Dung phải chạy vạy khắp nơi để vay mượn trả tiền chữa bệnh. Gia đình đông con, lại ở tuổi ăn, tuổi học nên kinh tế rất khó khăn. Đến năm 2008, bà Dung tiếp tục trải qua 2 đợt phẫu thuật tháo răng hàm. Cũng may, lần này bà được cấp miễn phí thẻ BHYT theo diện hộ nghèo, nên chỉ thanh toán 5% chi phí điều trị. “Hồi đó, nếu không có BHYT chi trả, tôi nghĩ mình khó vượt qua”, bà Dung nhớ lại.

 

Rất nhiều trường hợp khi điều trị bệnh được bên bảo hiểm thanh toán số tiền vài trăm triệu đồng. Thế nhưng, đến nay vẫn còn phần lớn người dân không mua BHYT vì tiếc tiền hoặc vì thu nhập không đủ sống.

 

CÓ BỆNH MỚI NHỚ ĐẾN BHYT

 

Có những người lúc khỏe mạnh không bao giờ nghĩ đến việc tham gia BHYT, nhưng khi bị bệnh tật đe dọa, nhiều người lại tìm mọi cách để có được thẻ bảo hiểm.

 

Bà Nguyễn Thị Hồng (50 tuổi, ở phường 2, TP Tuy Hòa) chỉ vì tiếc số tiền mua BHYT tự nguyện, mà vừa rồi gia đình bà đã phải trả số tiền rất lớn để điều trị căn bệnh sỏi thận. Với ý nghĩ “Nếu có bệnh cũng chỉ nhức đầu, sổ mũi thông thường, uống vài viên thuốc là khỏi, việc gì phải bỏ mấy trăm nghìn đồng mua BHYT cho phí”, nên bà Hồng chưa bao giờ tham gia BHYT. Nhưng rồi lần này, bà bị sỏi thận, cần phải phẫu thuật. Chỉ tính riêng chi phí cho ca phẫu thuật đã tốn gần 100 triệu đồng, chưa kể thuốc thang và chi phí ăn ở, đi lại. “Giờ nghĩ lại thấy tiếc, mỗi năm cứ mua bảo hiểm vài trăm nghìn coi như mua sức khỏe. Như tôi bây giờ lại khốn khổ vì tiền viện phí. Gần một năm nay, tôi chạy vạy khắp nơi, nợ nần chồng chất, không biết đến khi nào tôi mới làm ra số tiền lớn như vậy để đủ trả nợ”, chị Hồng tiếc nuối.

 

Một trường hợp khác, anh Nguyễn Tâm Bình ở phường 5, TP Tuy Hòa vào viện cấp cứu với chứng bệnh tim. Chỉ vài ngày nằm tại Khoa Hồi sức cấp cứu - Chống độc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, chi phí điều trị cho anh tốn gần 20 triệu đồng. Vợ anh, chị Phương vừa loay hoay mượn tiền lo cho chồng, vừa nghiên cứu tham gia BHYT theo lời chỉ dẫn của nhiều người. Nhưng theo chỉ định của bác sĩ, thời gian anh được chuyển vào TP Hồ Chí Minh phẫu thuật phải sớm, không nên kéo dài vì bệnh nguy hiểm đến tính mạng. Lúc ấy chị có đăng ký mua BHYT cho anh, nhưng chưa đến ngày nhận thẻ, anh đã phải điều trị với một khoản phí rất lớn. Chị Phượng thổ lộ: “Tôi thấm thía với việc chạy vạy mượn tiền để lo cho chồng. Khoản tiền dành dụm bấy lâu để xây nhà đã không còn, lại gánh thêm nợ. Rút kinh nghiệm, tôi đã mua BHYT cho mình, và không ngại ngần khi tham gia BHYT học đường cho hai con khi nhà trường phát động”.

 

Cách đây không lâu, có bệnh nhân N.V.T (58 tuổi) bị chấn thương sọ não điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên. Chỉ 3 ngày điều trị, gia đình đã phải tốn gần 60 triệu đồng. Bấn quá, gia đình đăng ký mua BHYT cho ông T nhưng quá muộn. Không đủ khả năng để tiếp tục điều trị, ông T được gia đình đưa về nhà, sau đó tử vong.

 

Tham gia BHYT như “phao cứu sinh” khi đau bệnh. Trong ảnh: Cấp cứu bệnh nhân tại khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên - Ảnh: T.THỦY

 

CẦN COI BHYT NHƯ “PHAO CỨU SINH”

 

Đối với những gia đình có điều kiện, khi phải thanh toán một khoản viện phí lớn đôi khi còn cảm thấy hối tiếc vì lỡ bỏ qua BHYT, huống chi những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thì đó là một gánh nặng. Đã có nhiều trường hợp người bệnh vừa thoát được bệnh tật lại lâm vào cảnh nợ nần chồng chất vì viện phí.

 

Các bác sĩ tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, cho biết khoa này là nơi tập trung nhiều bệnh nhân nặng, phải nằm lâu. Đã bệnh nặng thì phải dùng thuốc, phương tiện kỹ thuật đắt tiền, cũng vì thế mà số tiền điều trị của các bệnh nhân ở đây rất cao, từ 20 đến 30 triệu đồng cho một đợt điều trị, còn những bệnh nhân nặng bị sốc nhiễm khuẩn, nhiễm trùng uốn ván có thể lên tới hàng trăm triệu đồng… Chị Lê Hồng Thủy (thị trấn Hòa Vinh, huyện Đông Hòa), kể: “Chỉ vì em tôi tiếc số tiền mua BHYT tự nguyện mà vừa rồi gia đình đã phải trả số tiền rất lớn cho chi phí điều trị. Nó bảo, khi bệnh lặt vặt thì mua vài viên thuốc uống là xong; đi khám bệnh BHYT chờ mất thời gian. Nhưng rồi lần này, nó phải nhập viện vì bị bệnh truyền nhiễm. Do không có BHYT nên gia đình phải vay mượn từ nhiều nơi mà cũng không đủ tiền chi trả. Đến khi em tôi khỏi bệnh thì gia đình mắc nợ cả trăm triệu đồng”.

 

Trong cuộc chiến sinh tử, điều khiến các bác sĩ cảm thấy bất lực nhất là khi gia đình bệnh nhân từ chối tiếp tục chữa trị cho người thân với lý do hết tiền. Hầu hết các trường hợp khi người nhà bị cấp cứu, chi phí cao thì người dân mới thấy quý thẻ BHYT. Nhiều trường hợp, người bệnh đã có cơ hội sống nếu như có thẻ BHYT.

 

Bởi nhận thức còn hạn chế nên ngoài đối tượng tham gia BHYT bắt buộc, phần lớn khách hàng “ruột” của BHYT là những người mắc bệnh nan y, mạn tính hoặc người có bệnh. Những người không mua BHYT thường là thanh niên, do chủ quan mình có sức khỏe tốt, sẽ không bệnh tật. Nhưng bệnh thì đột ngột, không thể lường trước được.

 

Quyền lợi khi tham gia BHYT

 

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT có nhiều nội dung mới để khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật BHYT hiện hành, tạo thuận lợi, khuyến khích, thu hút người dân tham gia BHYT. Một trong những điểm mới đó là, tiếp tục khẳng định chính sách BHYT toàn dân, trên cơ sở quy định nguyên tắc BHYT là bảo hiểm bắt buộc; thực hiện BHYT theo hộ gia đình có kèm theo khuyến khích. Hai là, lực lượng công an và quân đội cùng tham gia hệ thống BHYT. Ba là, bổ sung một số nhóm đối tượng được ngân sách Nhà nước đóng BHYT. Bốn là, bổ sung quyền lợi cho các nhóm đối tượng tham gia BHYT: bỏ quy định cùng chi trả 5% đối với người nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; bỏ quy định cùng chi trả từ 20% với thân nhân chủ yếu của người có công với cách mạng; giảm mức cùng chi trả từ 20% xuống còn 5% với thân nhân khác của người có công, hộ gia đình cận nghèo; người có thời gian tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh (KCB) trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì được hưởng 100% chi phí KCB, trừ trường hợp tự đi KCB; lực lượng vũ trang tại ngũ được bảo đảm KCB không mất tiền; trẻ em dưới 6 tuổi được Quỹ BHYT chi trả điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt; trẻ em đủ 72 tháng tuổi mà chưa đến kỳ nhập học thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến ngày 30/9 của năm đó... Năm là, mở thông tuyến KCB BHYT giữa tuyến xã và tuyến huyện trên địa bàn tỉnh kể từ ngày 1/1/2016. Sáu là, mở thông tuyến điều trị nội trú BHYT đến tuyến tỉnh và tuyến Trung ương trong phạm vi cả nước đối với người thuộc hộ gia đình nghèo và người dân tộc thiểu số tham gia BHYT đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; từ ngày 1/1/2021, mở thông tuyến tỉnh cho điều trị nội trú BHYT trên toàn quốc và nâng mức hưởng từ 30% hiện hành lên 40% tại tuyến Trung ương đối với người tham gia BHYT tự đi KCB...

   

Bài 2: Còn rào cản từ nhiều phía

 

NHÓM PV VĂN HÓA - XÃ HỘI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek