Ba năm qua, theo quyết định của UBND tỉnh, đội Khuyến nông miền núi đã ra đời “cùng ăn cùng ở cùng làm” với đồng bào dân tộc thiểu số vùng núi. Chủ trương này hoàn toàn hợp lý và đúng đắn với chiến lược phát triển vùng cao. Dự án này đã hết thời hạn 3 năm và đã có quyết định giải tán đội khuyến nông miền núi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chương trình này vẫn cần được tiếp tục triển khai.
Không ai có thể ngờ, xã vùng cao Phú Mỡ huyện Đồng Xuân với 100% dân cư là đồng bào thiểu số lại có năng suất lúa nước xấp xỉ đồng bằng; không những thế, Phú Mỡ còn vượt nhiều xã đồng bằng về tỉ lệ sạ lúa theo hàng – một phương pháp canh tác tiên tiến mà không nhiều vùng lúa trọng điểm của tỉnh triển khai đồng bộ được. Ai có dịp hơn một lần lên xã vùng cao này sẽ nhận rõ sự thay đổi tại thôn Phú Lợi. Ngay trong xã, thôn Phú Tiến làm lúa nước trước đây hàng chục năm nhưng hiện nay đã không đuổi kịp Phú Lợi về năng suất và khả năng áp dụng kỹ thuật.
Tương tự các cánh đồng lúa của đồng bào dân tộc thiểu số ở EaTrol, EaBa, EaBá (huyện Sông Hinh); Sơn Hội, Cà Lúi (huyện Sơn Hòa); Xuân Quang 2, Xuân Phước, Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) đều có những thay đổi rất đáng kể từ khi có đội Khuyến nông miền núi. Còn nhớ, khi bắt đầu triển khai chương trình sạ lúa theo hàng lần đầu tiên tại xã Xuân Quang 2, nhiều hộ nông dân tham gia mô hình băn khoăn trước cảnh lúa sạ thưa như mía và đòi bắt đền đội Khuyến nông miền núi, không chịu ra ruộng chăm sóc. Nhưng đến khi lúa trổ đòng, trổ bông thì ai cũng nhận thấy hiệu quả của nó. Đến khi thu hoạch thì năng suất cao hơn nhiều lần trước đây. Vì vậy, tại các xã được sự giúp đỡ của đội khuyến nông miền núi, áp lực về đảm bảo lương thực cho đồng bào đã giảm đi đáng kể.
Đội Khuyến nông miền núi cũng đã góp phần nâng cao hiệu quả các dự án trồng điều, cây ăn trái… và phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Sông Hinh nói: “Những hộ nông dân chăn nuôi bò học được cách vệ sinh chuồng trại, chăm sóc đàn bò từ khuyến nông miền núi thì biết cách bảo vệ bò không bị chết trong đợt mưa rét kéo dài vừa qua.
Đành rằng dự án Khuyến nông miền núi được triển khai trong vòng 3 năm, đến nay đã qua thời gian đó, nhưng với hiệu quả mà dự án này đã làm được cho thấy dự án cần được tiếp tục không chỉ vì kinh phí hằng năm cho đội không lớn mà hơn nữa, bà con nông dân miền núi vừa chỉ mới nhận ra sự hữu ích thiết thực của đội và đang cần đội hướng dẫn bà con sản xuất hiệu quả.
Do vậy, nên duy trì đội khuyến nông miền núi cho đến khi phòng kinh tế các huyện miền núi đủ người, đủ lực và lập đội hình " khuyến nông chuyên nghiệp" tương tự.